Nội dung chính:
- P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức 12,9 lần, thấp hơn 15% so với trung bình giai đoạn từ 2010 đến nay.
- Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thấp, giá cổ phiếu chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến lãi suất và triển vọng lợi nhuận.
- Định giá toàn thị trường sẽ chịu tác động trễ từ sự sụt giảm lợi nhuận của ngành Ngân hàng trong những quý tới.
Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức thấp
Theo Báo cáo Bức tranh lợi nhuận Q1-2023 của FiinGroup, P/E toàn thị trường hiện ở mức 12,9 lần - thấp hơn 15% so với trung bình giai đoạn từ năm 2010 đến nay, do chịu ảnh hưởng bởi P/E thấp của ngành Ngân hàng (chiếm 30,7% tổng giá trị vốn hóa và 43,1% lợi nhuận của toàn thị trường).
Đáng chú ý, chỉ số P/E có sự trái ngược giữa ngành ngân hàng và khối doanh nghiệp phi tài chính. Theo đó, P/E của khối ngân hàng đang thấp hơn mức P/E trung bình toàn thị trường trong khi nhóm phi tài chính lại cao hơn.
Thị trường chứng khoán quý I/2023 hồi phục nhẹ so với cuối năm 2022 với chỉ số VN-Index tăng 5,83% và chỉ số giá của hầu hết các ngành cùng tăng. Tuy P/E - chỉ số thể hiện mối tương quan giữa giá cổ phiếu và thu nhập trên một cổ phiếu - đang ở mức thấp so với trung bình 10 năm nhưng thị trường vẫn kém hấp dẫn do triển vọng lợi nhuận không khả quan.
Thị trường vẫn kém hấp dẫn
Thanh khoản liên tục tăng trong tháng 5 nhưng tổng thể thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn kém hấp dẫn do triển vọng lợi nhuận năm 2023 không khả quan. Theo FiinGroup, triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp chưa thực sự cải thiện và mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao tiếp tục hạn chế dư địa tăng giá trong ngắn hạn.
Phần lớn các ngành có giá tăng như thép, nhựa, bất động sản dân cư và khu công nghiệp,... không hút thêm được dòng tiền do chưa có sự cải thiện về hoạt động kinh doanh cũng như triển vọng lợi nhuận kém tích cực.
Đáng chú ý, ROIC (Return on Invested Capital - tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư) quý I/2023 của doanh nghiệp niêm yết rất thấp, chỉ đạt 6,9% do tác động tiêu cực từ những diễn biến bất lợi trong và ngoài nước.
Mức ROIC này thấp hơn so với lãi suất huy động bình quân (7,1%/năm), vì thế sẽ thấp hơn nhiều so với mặt bằng lãi suất cho vay (thường cao hơn 3%-4,5% so với lãi suất huy động bình quân). Như vậy, doanh nghiệp đang phải gánh chịu chi phí vốn cao hơn nhiều mức lợi nhuận thu được từ vốn đầu tư.
“Chỉ số ROIC thấp cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay hiện đang là gánh nặng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh biên lợi nhuận trước thuế và lãi vay (biên EBIT) thu hẹp đáng kể ở nhiều nhóm ngành do tác động tiêu cực từ môi trường vĩ mô kém thuận lợi” - bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm phân tích dữ liệu FiinGroup nhận định.
Do đó, trong dài hạn, mức lãi suất mà doanh nghiệp chịu đựng được cần phải nằm dưới tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư của doanh nghiệp. FiinGroup đánh giá nỗ lực cắt giảm lãi suất cho vay đang là yếu tố hỗ trợ tích cực đối với nền kinh tế trong bối cảnh hoạt động sản xuất suy yếu và cầu tiêu dùng thấp.
Bức tranh lợi nhuận ảm đạm
S&P Global Market Intelligence vừa công bố chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI của Việt Nam tháng 5/2023 tiếp tục ở mức thấp 45,3 điểm. Đây là tháng thứ ba liên tiếp chỉ số này của Việt Nam ở mức dưới 50 - thể hiện số lượng đơn đặt hàng sụt giảm, nhu cầu khách hàng suy yếu. Chỉ báo này thông thường sẽ phản ánh lợi nhuận, kết quả hoạt động của doanh nghiệp trong ít nhất ba tháng tiếp theo.
Trước đó, lợi nhuận quý I/2023 của các doanh nghiệp vốn không có nhiều câu chuyện đáng chú ý về “tăng trưởng đột biến” hay “lợi nhuận hồi phục” trên phạm vi ngành, nhưng có sự phân hóa về xu hướng tăng trưởng giữa ngành Ngân hàng và khối Phi tài chính - FiinGroup nhận định.
Sau nhiều quý được hỗ trợ bởi mức tăng trưởng cao của ngành Ngân hàng, lợi nhuận sau thuế quý I/2023 toàn thị trường giảm 27,6% so với cùng kỳ, trong đó ngành ngân hàng giảm 4,4% và khối Phi tài chính giảm 44,7% so với cùng kỳ. Đây là quý đầu tiên sau 4 năm lợi nhuận ngành ngân hàng có mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ.
Theo FiinGroup, định giá toàn thị trường sẽ chịu tác động trễ từ sự sụt giảm lợi nhuận của ngành Ngân hàng khi ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường vĩ mô được phản ánh mạnh hơn vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong những quý tới.
Triển vọng lợi nhuận của khối ngân hàng kém tích cực bởi tín dụng tăng thấp, chất lượng tài sản suy yếu làm tăng chi phí trích lập dự phòng và chi phí tín dụng và thu nhập kém từ bancassurance và do đó khiến cổ phiếu Ngân hàng đang kém hấp dẫn.
Hiện một số cổ phiếu Ngân hàng đang giao dịch quanh hay thậm chí dưới giá trị sổ sách như MBB, TCB, TPB, SHB. Đây là các ngân hàng có giá cổ phiếu chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi những diễn biến bất lợi trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.
Chỉ số P/E (Price to Earning ratio) thể hiện mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu và thu nhập trên một cổ phiếu đó (EPS). Thông thường, giá thị trường của cổ phiếu sẽ tăng khi EPS tăng. Do đó, nhà đầu tư thường xem xét các cổ phiếu có chỉ số P/E thấp với kỳ vọng mức giá sẽ tăng trong tương lai. Chỉ số P/E rất quan trọng trong việc xác định giá cổ phiếu đang đắt hay rẻ so với giá trị thực của nó.
Chỉ số EPS (Earnings per Share) là lợi nhuận sau thuế trên mỗi cổ phiếu. EPS là một trong nhiều chỉ số được nhà đầu tư sử dụng để lựa chọn cổ phiếu, đánh giá khả năng sinh lời cũng như khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai.
Chỉ số ROIC (Return on Invested Capital) là tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư. Đây là một chỉ số tài chính đo lường tỷ lệ phần trăm lợi nhuận mà một công ty kiếm được trên vốn đầu tư, đại diện cho việc công ty đó đã sử dụng vốn hiệu quả như thế nào.