Trong khi nền kinh tế còn những thách thức, Việt Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn khi GDP tăng trưởng 3,32% trong quý I/2023. Mức này dù thấp hơn mục tiêu đã đề ra nhưng được đánh giá là một mức tăng trưởng khả quan, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nói chung còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, trong quý I/2023, một số động lực chính khác cho tăng trưởng kinh tế như khu vực dịch vụ đã tăng tốt 6,79%, trong khi đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng tăng 2,52%...
Ngoài ra, đầu tư công, một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế cũng đang được Chính phủ đẩy mạnh. Về chính sách tiền tệ, NHNN cũng đã thực hiện giảm lãi suất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân. Trong khi đó, áp lực lạm phát và chính sách thắt chặt tiền tệ cũng đã và đang hạ nhiệt tại các nền kinh tế lớn của thế giới. Với những yếu tố trên, các tổ chức tài chính quốc tế uy tín như World Bank hay ADB dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 vẫn sẽ đạt trên 6%, mức này cao hơn mức 4,6% mà IMF dự báo chung cho nền kinh tế Châu Á.
Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, Ông Chung Jae Hoon, Phó Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá, dù sẽ còn phải đối mặt với những khó khăn và thách thức nhưng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam sẽ dần phục hồi vào quý II, tăng trưởng rõ rệt hơn kể từ quý III và Quý IV với mức tăng trưởng dự báo sẽ đạt trên 6% trong năm 2023. Về trung và dài hạn, TTCK Việt Nam hội tụ đủ các yếu tố hấp dẫn về định giá, tăng trưởng, cơ hội đầu tư và sự ổn định tỷ giá để thu hút dòng vốn ngoại.
BTV Mùi Khánh Ly: Như ông cũng đã thấy, nền kinh tế toàn cầu đã phải trải qua những khó khăn và thách thức. Đến thời điểm hiện tại, ông đánh giá, những khó khăn đó sắp qua đi?
Ông Chung Jae Hoon, Phó Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC)
Để đánh giá tình hình hiện tại của nền kinh tế toàn cầu, chúng ta sẽ xem xét 3 nền kinh tế đầu tàu của thế giới gồm Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Tại Mỹ, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt, lạm phát đã được kiểm soát phần nào khi tạo đỉnh kể từ giữa năm 2022 và liên tục giảm qua các tháng. Tại cuộc họp ngày 03/05 vừa qua, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) thông báo nâng lãi suất tham chiếu thêm 25 điểm cơ bản tương đương 0,25%, bất chấp biến động trong ngành ngân hàng. Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện vào khoảng 5-5,25%. Đây là mức cao nhất trong hơn 15 năm qua và là lần thứ 10 tăng lãi suất liên tiếp kể từ tháng 3/2022. Ngoài ra, thị trường tài chính Mỹ cũng đang cho thấy những vấn đề khi xảy ra các vụ phá sản của các ngân hàng cỡ vừa. Bên cạnh đó, tính đến tháng 1/2023, nợ công của Hoa Kỳ đã chạm đến trần nợ là 31,4 nghìn tỷ USD và chính phủ chỉ còn đủ tiền chi trả đến đầu tháng 6 nếu không tăng trần nợ công.
Hiện tại, Châu Âu cũng có diễn biến tương tự Mỹ, với chính sách tiền tệ thắt chặt, lạm phát tại đây cũng đã tạo đỉnh từ tháng 10/2022 và liên tục giảm qua các tháng. Châu Âu cũng vừa trải qua một loạt vấn đề trong hệ thống ngân hàng với vụ việc liên quan đến ngân hàng Credit Suisse.
Còn tại Trung Quốc, quốc gia này lại có chính sách tiền tệ nới lỏng, cùng các gói hỗ trợ được đưa ra nhằm thúc đẩy nền kinh tế sau khi mở cửa trở lại, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang trên đà hồi phục trở lại… Tuy nhiên, sự phục hồi tại đây diễn ra không đồng đều, bằng chứng là lạm phát liên tục giảm kể từ đầu năm 2023. Ngoài ra, doanh số bất động sản trong tháng 3/2023 đã có sự phục hồi, tuy nhiên vẫn có nhiều doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn.
Như vậy có thể thấy, các đầu tầu kinh tế thế giới đều đang gặp những vấn đề riêng, Tuy nhiên thời điểm khó khăn được nhìn nhận đang dần đi qua. Theo chúng tôi, ngoại trừ Trung Quốc, các nền kinh tế chủ chốt sẽ tiếp tục trì trệ thêm một thời gian nữa, cùng với quá trình lập đỉnh của lãi suất và dần chuyển sang trạng thái cải thiện nhẹ trong các quý tiếp theo cho dự báo tăng trưởng chung 2,5% trong năm 2023.
Kinh tế Việt Nam trong quý I/2023 cũng chỉ tăng trưởng 3,32%, nhiều ý kiến đánh giá việc thực hiện mục tiêu trong cả năm là 6,5% có phần khó khăn. Vậy ông đánh giá ra sao?
Hiện tại, các nước khác cũng chưa công bố hết dữ liệu GDP quý I/2023. Nếu so sánh với các nước lân cận Châu Á, thì GDP quý I/2023 của Việt Nam xếp thứ 2 sau Trung Quốc và trước Singapore, Hàn Quốc. Kinh tế toàn cầu năm 2023 được dự đoán tăng trưởng suy yếu do tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ. Chính vì vậy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý I được đánh giá là khả quan.
Tuy nhiên, với con số tăng trưởng 3,32% trong quý I/2023 sẽ là thách thức khá lớn cho nền kinh tế Việt Nam để đạt được mục tiêu 6,5% trong năm 2023.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành một loạt các giải pháp để vực dậy nền kinh tế gồm:
Thứ nhất, về chính sách tiền tệ: giảm lãi suất điều hành, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng với nhà ở xã hội, quy định về cơ cấu thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, cho phép các tổ chức tín dụng mua lại TPDN, điều chỉnh tỷ lệ an toàn vốn.
Thứ hai, về chính sách tài khóa thì cũng đã tiếp tục đẩy mạnh giải ngân các dự án trọng điểm quốc gia, dự án địa phương, đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp; đề xuất giảm thuế VAT và hoãn giảm thuế các loại thuế khác. Đồng thời, sửa đổi các quy định, cởi trói cho các lĩnh vực khó khăn như bất động sản. Các chính sách này được cho là kịp thời và tập trung vào những lĩnh vực khó khăn qua đó góp phần vực dậy nền kinh tế.
Do vậy, chúng tôi cho rằng tăng trưởng sẽ phục hồi dần vào quý II và tăng trưởng rõ rệt hơn kể từ quý III và quý IV, với mức tăng trưởng dự báo trên 6% trong năm 2023.
Trong khi nền kinh tế vẫn tăng trưởng thì thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua lại giảm mạnh và hiện tại chỉ mới có sự phục hồi nhẹ, ông đánh vì sao?
Sự lệch pha này ở chỗ thị trường chứng khoán Việt Nam là sự kỳ vọng và luôn đi trước các chuyển biến về vĩ mô và doanh nghiệp. Cùng với đó, TTCK Việt Nam hiện phụ thuộc vào dòng tiền nhiều hơn là phụ thuộc tăng trưởng vào GDP thực của nền kinh tế. Cụ thể, việc FED tăng lãi suất khiến đồng USD tăng giá mạnh, VND cũng không nằm ngoài ảnh hưởng này, dẫn đến dòng vốn ngoại từ mua ròng đã chuyển sang bán ròng mạnh. Ngoài ra, NHNN Việt Nam đã nhiều lần nâng lãi suất điều hành để giảm áp lực lên tỷ giá giữa USD và VND, làm tăng gánh nặng chi phí của các doanh nghiệp. Như vậy, chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ khiến dòng vốn có xu hướng hạn chế vào các lĩnh vực rủi ro cao hơn như chứng khoán hay BĐS. Với những "nút thắt thanh khoản” trên cả ba trụ cột của thị trường tài chính là thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu ảnh hưởng mạnh đến thị trường chứng khoán khi bước vào chu kỳ điều chỉnh thời qua qua.
Trong những tháng đầu năm 2023, sau khi vừa trải qua một năm đầy khó khăn, tâm lý nhà đầu tư chứng khoán vẫn đang thận trọng, đặc biệt là trong điều kiện vĩ mô còn nhiều thách thức và triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp không quá khả quan. Bên cạnh đó, lãi suất huy động dù giảm nhưng vẫn ở mức cao khiến thanh khoản chưa thực sự cải thiện rõ rệt. Nhìn chung, giai đoạn hiện nay chưa có yếu tố có thể kích thích dòng tiền mua ròng trong ngắn hạn.
Bên cạnh những thuận lợi, theo ông đâu là những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải vượt qua để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%?
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô năm 2023, những thách thức chính cần vượt qua để nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao sẽ đến từ hai thử thách chính, gồm đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công và duy trì mức lãi suất thấp nếu điều kiện vĩ mô quốc tế cho phép.
Thứ nhất, về chính sách tài khóa, tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến tăng trưởng kinh tế năm 2023 trong bối cảnh tăng trưởng công nghiệp suy giảm và kéo theo tăng trưởng xuất nhập khẩu.
Thứ hai, về chính sách tiền tệ, NHNN Việt Nam sẽ phải điều hành khá thận trọng khi vừa phải duy trì mức lãi suất thấp, tỷ giá ổn định và vừa phải đề phòng sự tăng tốc của lạm phát trong nửa cuối năm 2023. Việc phải quan sát xu hướng chính sách tiền tệ ở các nước như Trung Quốc, Mỹ, những biến động của tỷ giá ngoại tệ và áp lực lạm phát trong nước sẽ đòi hỏi khá nhiều năng lực quản lý và điều hành của NHNN Việt Nam.
Sự phối hợp hài hòa các chính sách điều hành và vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô trước các yếu tố bất định là yếu tố quan trọng đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023. Ngoài ra, Việt Nam cần tiếp tục cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, kinh tế xanh, nâng cao chất lượng và năng suất lao động, đồng thời giảm bớt rào cản và hạn chế sở hữu nước ngoài sẽ là các yếu tố đảm bảo đà tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Vậy hiện nay, các định chế tài chính lớn, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá như thế nào về nền kinh tế Việt nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng trong thời gian tới?
Chúng tôi nhìn nhận Việt Nam đang là một nền kinh tế đầy triển vọng tại Châu Á Thái Bình Dương, khu vực tâm điểm kinh tế thế giới của thế kỷ 21, với tốc độ tăng trưởng tốt nhờ vào nhiều yếu tố.
Đầu tiên là hệ thống chính trị ổn định tạo ra môi trường kinh doanh cởi mở và ngày càng cải thiện. Thứ hai, Việt Nam có lợi thế thu nguồn vốn quốc tế qua đó tạo lợi thế cạnh tranh và đẩy nhanh cải tiến công nghệ. Thứ ba, thị trường tiêu dùng nội địa tăng trưởng tốt nhờ tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng. Yếu tố cuối cùng là kinh tế vĩ mô ổn định, nhờ sự cải thiện tích cực từ cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối và chính sách điều hành linh hoạt nên tránh được các cú sốc từ bên ngoài và phục hồi nhanh chóng sau dịch bệnh.
Trong ngắn hạn, chúng tôi cũng nhận thấy Việt Nam gặp một số khó khăn liên quan đến sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu và các vấn đề nội tại liên quan đến thị trường BĐS, thị trường Trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên chúng tôi vẫn cho rằng đây chỉ là những khó khăn mang tính tạm thời và Việt Nam còn có dư địa để cải thiện môi trường đầu tư.
Mặc dù TTCK Việt Nam trong ngắn hạn vẫn đang có sự điều chỉnh. Tuy nhiên xét về trung và dài hạn, TTCK Việt Nam vẫn hội đủ các yếu tố hấp dẫn về định giá, tăng trưởng, cơ hội đầu tư và sự ổn định tỷ giá để thu hút dòng vốn ngoại. Theo đánh giá của chúng tôi, TTCK đang có mức định giá P/E 11,4 lần và P/B 1,65 lần là mức định giá hợp lý và hấp dẫn so với tiềm năng phát triển trong trung và dài hạn.
Được biết Tập đoàn HANA của Hàn Quốc cũng đã đầu tư mạnh Việt Nam và trở thành đối tác chiến lược của các ngân hàng, công ty chứng khoán hàng đầu của Việt Nam như BIDV và BSC, vậy các ông đang kỳ vọng thế nào sau những thương vụ đầu tư?
Tập đoàn Tài chính Hana (Ha-na) là một trong ba tập đoàn tài chính hàng đầu tại Hàn Quốc có mạng lưới quy mô toàn cầu rộng lớn với 208 chi nhánh tại 25 quốc gia trên thế giới. Công ty TNHH Chứng khoán Hana là công ty thành viên của Ngân hàng Hana và Tập đoàn Tài chính Hana, hiện đang cung cấp đầy đủ các dịch vụ bao gồm dịch vụ giao dịch chứng khoán, tư vấn tài chính (IB) và dịch vụ đầu tư cho hơn 1,4 triệu khách hàng. Tập đoàn Tài chính Hana đã chính thức trở thành đối tác chiến lược của Ngân hàng BIDV và Công ty Chứng khoán BSC với tầm nhìn chiến lược đầu tư vào triển vọng kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam được coi thị trường có mức tăng trưởng cao và bền vững. Trong quá trình đồng hành cùng BSC, chúng tôi mong muốn mang lại lợi ích tối đa cho cổ đông và khách hàng thông qua việc cung cấp giải pháp phần mềm, hệ thống công nghệ tiên tiến để phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ số, hiện thực hóa cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp tại Việt Nam với nhu cầu linh hoạt trong hoạt động IPO và M&A tư vấn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, cung cấp hệ thống quản trị rủi ro, quản lý tài sản cũng như kết nối với các Nhà đầu tư Hàn Quốc. Sắp tới, chúng tôi sẽ cho ra mắt nền tảng giao dịch chứng khoán WebTrading mới với với nhiều tính năng nổi trội hỗ trợ nhà đầu tư giao dịch dễ dàng, nhanh chóng. Chúng tôi hy vọng WebTrading và các sản phẩm công nghệ mới của BSC tới đây sẽ trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy trong hành trình đầu tư của khách hàng.