Điều cực kỳ hiếm gặp vừa xảy ra: P/B Hòa Phát xuống dưới 1

Hà My | 14:36 07/10/2022

Về mặt lý thuyết thuần túy, một doanh nghiệp có P/B dưới 1 đồng nghĩa với việc nếu bạn mua toàn bộ cổ phiếu của doanh nghiệp đó để trở thành chủ sở hữu, sau đó bán hết tài sản rồi trả các khoản nợ của doanh nghiệp thì bạn vẫn có thể thu được lợi nhuận.

Điều cực kỳ hiếm gặp vừa xảy ra: P/B Hòa Phát xuống dưới 1

Sau chuỗi ngày giảm giá liên tiếp, cổ phiếu Hòa Phát trong phiên giao dịch chiều ngày 7/10 đã có thời điểm xuống chỉ còn 17.050 đồng/cổ phiếu.

Với mức giá này, chỉ số P/B của Hòa Phát là 0,99. Đây là điều hiếm gặp bởi các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, đặc biệt là các doanh nghiệp hàng đầu, thường có P/B lớn hơn 1.

P/B là gì?

P/B là Price-to-Book Value, là chỉ số được sử dụng để so sánh giá của một cổ phiếu với giá trị sổ sách của doanh nghiệp đó. 

Công thức tính P/B:

1.png

Với mức giá 17.050 đồng/cổ phiếu trong phiên chiều ngày 7/10, vốn hóa thị trường của Hòa Phát lúc này là 99.142 tỷ đồng. Trong khi đó, theo báo cáo tài chính bán niên 2022, Hòa Phát có giá trị sổ sách khoảng 99.341 tỷ đồng. Như vậy, chỉ số P/B của Hòa Phát vừa chính thức xuống dưới 1.

P/B dưới 1 có ý nghĩa thế nào?

Về mặt lý thuyết thuần túy, P/B dưới 1 có nghĩa là: Nếu bạn mua tất cả cổ phiếu đang lưu hành của Hòa Phát với giá hiện tại để sở hữu toàn bộ công ty, sau đó giải thể công ty, trả hết nợ và bán hết tài sản, bạn vẫn sẽ thu về được lợi nhuận. Tất nhiên, lý thuyết đơn giản này chưa tính tới rất nhiều các chi phí giao dịch đi kèm, và tính khả thi trong thực tế gần như bằng 0.

Một doanh nghiệp có chỉ số P/B thấp cho thấy 2 khả năng:

- Khả năng thứ nhất là doanh nghiệp đang bị thị trường định giá quá thấp.

- Khả năng thứ hai là có điều gì đó không ổn đang xảy ra với doanh nghiệp.

Thông thường, một doanh nghiệp trên sàn ít khi có P/B dưới 1. Trong phân tích tài chính, các nhà đầu tư theo trường phái giá trị thường đặt tiêu chuẩn cho chỉ số P/B quanh mức 3, tức là giá trị thị trường cao gấp 3 lần giá trị sổ sách của doanh nghiệp, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư rằng công ty sẽ làm ra được nhiều hơn so với tài sản đang có.

Trở lại với Hòa Phát, lịch sử chỉ số P/B của doanh nghiệp này trước đây chỉ ghi nhận 2 lần P/B dưới 1. Lần đầu tiên đã từ cách đây 11 năm, giai đoạn cuối 2011 đầu 2012, thời kì VN-Index ở mức dưới 400 điểm. Không chỉ Hòa Phát, thời kỳ này vốn hóa các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán nhìn chung đều ở mức rất thấp, dẫn tới chỉ số P/B cũng thấp.

Lần thứ 2 P/B của Hòa Phát dưới 1 mới cách đây 2 năm, vào đúng tháng 3/2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, khiến tất cả cổ phiếu trên thị trường đều bị bán tháo mạnh. Đây cũng là thời kỳ VN-Index tạo đáy, để rồi sau đó liên tục tăng cao.

1(2).png

Với lần thứ 3 P/B của Hòa Phát dưới 1, cổ phiếu của công ty đang liên tục bị bán mạnh trên sàn chứng khoán, trong bối cảnh tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn với những nguyên nhân khác nhau. Đầu tiên phải kể đến nhu cầu thép hiện đang ở mức thấp do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, dòng tiền vào thị trường bất động sản cũng bị siết chặt thời gian qua.

Bên cạnh đó, giá thép giảm còn chi phí nguyên liệu đầu vào lại tăng. Đồng thời, chi phí vận chuyển và xuất khẩu của Hòa Phát cũng tăng do những căng thẳng trên thị trường thế giới.

Không những vậy, với nguồn nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu và dư nợ vay USD lớn, Hoà Phát còn phải chịu lỗ chênh lệch tỷ giá và chi phí lãi vay tăng cao.

Có thể thấy, việc tỷ phú Trần Đình Long dùng từ "thê thảm" để nói về ngành thép nói chung và Hòa Phát nói riêng trong năm 2022 đã và đang dần trở thành hiện thực.


(0) Bình luận
Điều cực kỳ hiếm gặp vừa xảy ra: P/B Hòa Phát xuống dưới 1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO