Chiều ngày 8/4/2023, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023, thông qua kế hoạch doanh thu và lợi nhuận gần như đi ngang với 135.000 tỷ và 4.200 tỷ đồng. MWG cho biết, Công ty sẽ theo dõi sát sao diễn biến thị trường và đưa ra điều chỉnh phù hợp.
Kế hoạch được đưa ra trong bối cảnh thị trường nhiều khó khăn. 2 tháng đầu năm, MWG ghi nhận doanh thu 19.010 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Lần đầu Công ty bỏ ngỏ chỉ tiêu lợi nhuận tháng.
Bách Hoá Xanh có người dẫn dắt mới, cam kết hoà vốn trong năm 2023
Mở đầu Đại hội, ông Nguyễn Đức Tài đã có công bố quan trọng về quyết định nhân sự dẫn dắt chuỗi Bách Hoá Xanh trong năm 2023. Như vậy, sau 1 năm ông Trần Kinh Doanh ra đi, Bách Hoá Xanh chính thức có người thay thế.
“Như cổ đông biết, để dẫn dắt Bách Hoá Xanh thì có 4 trụ cột chính, bao gồm:
+ Đội siêu thị sẽ vận hành 1.700 shop, hiện có có 2 nhân sự là anh Đức và anh Bá Hoàng, phụ trách về bán hàng;
+ Đội là gạch nối quan trọng giữa đội mua hàng và khối siêu thị, hiện do anh Trọng làm giám đốc vận hành. Anh chính là người xem xét toàn bộ hệ thống, kết nối giữa đội mua và khối siêu thị.
+ Đội ngành hàng nhanh do anh Dũng, bao gồm các sản phẩm thịt, cá, rau trái cây… trong nước lẫn nhập khẩu.
+ Đội ngành hàng khô, gồm hàng tiêu dùng và FMCGs do chị Thời dẫn dắt.
Từ tháng 1/2022 đến nay, sau 15 tháng tôi đã liên tục kèm cặp, đánh giá 4 bạn này. Cuối cùng, MWG quyết định chọn anh Phạm Văn Trọng là người dẫn dắt Bách Hoá Xanh đi về tương lai. Anh Trọng cũng là Quyền Giám đốc điều hành đầu tiên bổ nhiệm xong, là từ tháng sau sẽ không nhận lương cho đến khi mọi thứ hiệu quả. Điều này cho thấy tinh thần trách nhiệm lớn của anh, và hy vọng Bách Hoá Xanh sẽ được dẫn dắt đến điểm hoà vốn và tương lai vĩ đại MWG đặt ra”, ông Tài nói.
Ra mắt cổ đông, ông Trọng cũng tuyên bố 5 cam kết mới của Bách Hoá Xanh, bao gồm:
+ Dịch chuyển suy nghĩ sang việc chọn Khách hàng là trọng tâm;
+ Đẩy mạnh hàng tươi, biến Bách Hoá Xanh thành điểm đến của hộ gia đình;
+ Đảm bảo đời sống của nhân sự;
+ Đưa trang TMĐT Bách Hoá Xanh là số 1 Việt Nam;
+ Cuối cùng, Bách Hoá Xanh sẽ hoà vốn vào năm nay.
Riêng Bách Hoá Xanh, “Đã 1 năm không mở mới, và tái cấu trúc hoàn toàn. Đến hiện tại, coi như Bách Hoá Xanh đã hoàn tất, và khách hàng bước vào sẽ thấy hài lòng về mọi mặt. Từ sản phẩm, dịch vụ đến bày trí… Đằng sau đó, còn có một cái đổi mới mà khách hàng không thấy được chính là là nhà máy vận hành Bách Hoá Xanh hiện nay đã chuyển đổi từ việc phụ thuộc vào con người chuyển qua máy móc. Bao gồm việc đưa hàng lên kệ như thế nào… xưa là con người đụng vào nhiều và đến nay thì đã thay thế máy móc làm”, ông Tài chia sẻ.
2022 và 2023 sẽ không phát hành ESOP, như lời cam kết của ban lãnh đạo muốn phát triển MWG
Trở lại với MWG, nếu trước đây những đơn vị bán đồ điện tử như MWG chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi nhu cầu mua sắm sụt giảm, nguyên nhân nhóm khách hàng trung cao cấp vẫn chịu chi tiền cho sản phẩm giá trị cao, thì ghi nhận mới nhất từ MWG cho thấy: “Tâm lý thận trọng, trì hoãn trong quyết định chi tiêu sản phẩm lâu bền và giá trị cao đang diễn ra với cả khách hàng trung cao cấp do suy giảm niềm tin tiêu dùng trước những thách thức của nền kinh tế. Trong khi, khách hàng có nhu cầu ở phân khúc thấp hơn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vay tiêu dùng thông qua hình thức trả góp”.
Chiến lược cụ thể cho từng chuỗi, bao gồm:
Thứ nhất, chuỗi Điện Máy Xanh và Thế giới Di động: duy trì doanh thu, tối ưu danh mục hàng hoá. MWG cũng nhấn mạnh, biên lợi nhuận hai chuỗi này sẽ thấp hơn do sức mua yếu và Công ty tiếp tục triển khai các chương trình khuyến mãi.
Thứ hai, chuỗi Bách Hoá Xanh: MWG đánh giá khúc hàng thiết yếu như thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh (và cả dược phẩm) đang có xu hướng tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng cũng diễn ra, thông qua việc họ sẽ lựa sản phẩm cùng công dụng với mức giá thấp hơn.
Năm 2023, Công ty cũng sẽ thay đổi cách thức vận hành kho để đảm bảo hàng hoá song song giảm hàng hao hụt, giảm tỷ lệ huỷ hàng tươi sống tạo dư địa tăng biên lợi nhuận, cải thiện hiệu suất logistics.
Cuối cùng, chuỗi An Khang và AVAKids: Ngưng mở rộng và chỉ giữ những cửa hàng có lợi nhuận dương. Năm 2023 sẽ tập trung tăng doanh thu trên mỗi điểm bán, kiểm soát chặt chi phí vận hành và giảm lỗ.
Kết thúc năm 2022, MWG ghi nhận doanh thu 133.405 tỷ, giảm 8% so với năm 2021 và chỉ thực hiện 95% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.102 tỷ, giảm 16% và thực hiện 65% kế hoạch.
Với kết quả không đạt kế hoạch, MWG sẽ không phát hành ESOP theo kế hoạch công bố tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022. Đây là năm đầu tiên "anh em lãnh đạo" nhà MWG “hụt” không được thưởng, sau nhiều năm liền đều đặn phát hành ESOP với trị giá lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Ông Tài cho biết thêm: “2022 đã lỡ không đạt kỳ vọng cổ đông, nên chúng tôi bỏ qua ESOP. Và 2023 cũng như vậy, như một lời cam kết Tập đoàn sẽ nỗ lực đi qua khó khăn”.
Đại hội đi vào thảo luận
1. Đại diện uỹ Dragon Capital: Trong tài liệu, có điều khoản ủy quyền cho HĐQT để nghiên cứu việc mua cổ phiếu quỹ nếu dòng tiền cho phép. Nhưng ở Đại hội thì điều khoản này không còn nữa. Vậy phương án này còn hiệu lực hay không? Chúng tôi muốn đề nghị mua cổ phiếu quỹ thay vì trả cổ tức.
Ông Tài: Đối với phương án chia cổ tức tiền mặt 5%, tương đương 700 tỷ đồng. Số tiền này dùng để mua cổ phiếu quỹ sẽ mang lại giá trị hơn so với trả cổ tức. Vì với nhiều cổ đông, 500 đồng này không đáng. Trong khi đó, với người ở lại thì giá trị của Công ty là quan trọng hơn.
Việc mua cổ phiếu quỹ là hoạt động tăng tỷ lệ sở hữu của các cổ đông, việc này không nên được nhìn nhận là cách để đỡ giá cổ phiếu.
MWG vẫn luôn theo hướng dùng 15 - 20% lợi nhuận năm trước để chia cổ tức cho cổ đông. Năm nay, Công ty vẫn quyết định làm theo như vậy.
Việc MWG mua lại cổ phiếu quỹ không phải để đỡ giá. Nếu lúc dòng tiền cho phép mà giá cổ phiếu tăng gấp đôi gấp ba, chúng tôi vẫn làm như vậy.
2. Chia sẻ suy nghĩ của ông Tài về MWG năm 2028?
Ông Tài: 5 năm nữa thì chúng ta nói về ước mơ. Chúng tôi ước mơ MWG sẽ là tập đoàn sở hữu cả online và offline trong tất cả ngành hàng.
Nếu như trước đây hỏi mua điện thoại ở đâu, thì khách hàng sẽ không biết. Nhưng nay hỏi thì mọi người sẽ nói mua ở Thế giới Di động.
Vậy 5 năm nữa, MWG muốn làm điều tương tư cho các nhóm hàng khác.
Hơn nữa, nếu trước đây mua một điện thoại di động thì tôi không chắc điện thoại này có chất lượng không. Hay Tivi, tôi từng mua nhưng về mới vỡ lỡ là hàng trưng bày đem bán cho khách hàng. Và tôi nói luôn, thị trường laptop hiện đang như vậy, các bạn mua mới nhưng chưa chắc là nguyên seal đâu. Nên MWG muốn cải thiện tất cả những vấn đề này, mua hàng gì cũng có và yên tâm về chất lượng.
3. Nhận định về thị trường điện thoại điện máy?
CEO Đoàn Văn Hiểu Em: Ở thời điểm hiện tại kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung bị biến động, bán lẻ giảm và đặc biệt điện thoại điện máy cũng vậy. Điện thoại điện máy có thể nói là hàng xa xỉ trong bán lẻ, nếu trước đây kinh tế ổn thì 1 năm đổi điện thoại 1 lần, nay thì phải lâu hơn.
Chỉ số kinh doanh đầu năm của MWG đã cho thấy khó khăn. Còn dự báo thì từ quý 3 nhu cầu sẽ hồi phục.
4. Tại Indonesia, thị trường có như Campuchia?
Ông Hiểu Em: Tính đến thời điểm này MWG đã kinh doanh trọn quý tại Indonesia. Với quy mô cửa hàng hiện là 400m2, doanh thu rung bình 4,5-5 tỷ đồng.cửa hàng. Với doanh thu như vậy ở Việt Nam là MWG đã có lời rồi. Nhưng do đi thị rường nước ngoài nên chi phí set up ban đầu khá cao. Dự kiến giữa quý 2, MWG sẽ bắt đầu tăng tốc nhưng trên tinh thần thận trọng. Cho đến khi tự tin nhất có thể, MWG sẽ mở rộng như vũ bão.
Ông Tài bổ sung: Đơn hàng xuất khẩu giảm trầm trọng và đang có dấu hiệu phục hồi rồi. Công ty cũng kiểm toán chi phí tốt hơn. Và thị trường bất động sản cũng dễ thở rồi, vài tháng tới sẽ đi qua điểm khó khăn. Tôi không nói nó tốt như thế nào nhưng chắc chắn không tệ nữa. Và đầu tư công cũng tăng tốc.
Còn hỏi Indonesia khác Campuchia thế nào, thì khác rất lớn. Nhìn từ traffic, nơi có khách hàng tức là sẽ có doanh thu, và sau này sẽ chuyển biến từ doanh thu qua lợi nhuận.
Ở Indonesia, doanh thu cho thấy khách hàng đang ủng hộ mô hình MWG vì nó khác biệt với thực tế hiện nay của Indonesia. Đơn cử, Indonesia hiện không có dịch vụ, cửa hàng chỉ bán hàng và rồi xong. Còn MWG sẽ cung cấp “full services”, bán hàng và làm tất cả các thao tác tiếp theo cho khách hàng, mô hình này chưa từng có trước đó tại Indonesia.
5. Thời gian bán vốn cổ phần Bách Hoá Xanh?
Ông Tài: Hiện Bách Hoá Xanh đang thực hiện phát hành riêng lẻ, không phải IPO. Do tính chất bảo mật, chúng tôi không thể chia sẻ nhiều hơn.
6. Thị trường Apple hiện đang giảm mạnh, nguồn hàng thì bị “delay” và ra ồ ạt khiến giá hiện đang giảm mạnh. MWG đánh giá như thế nào về điều này, có làm thay đổi kế hoạch của MWG về ngành hàng này không?
Ông Hiểu Em: Đúng là thị trường Apple đang giảm, do sức mua giảm và tình trạng dồn hàng. Lúc thị trường tăng thì tồn kho không có bán, còn hiện tại khi hàng tồn ập tới thì không bán được. Nhưng MWG không bị ảnh hưởng bởi yếu tố này, dù chúng tôi có giảm giá để bán hàng.
Ông Tài bổ sung: Trước đây MWG không qua chú trọng vào chênh lệch giá giữa MWG và các thương hiệu khác, và đó là khe hở để đối thủ lợi dụng. Sắp tới đây việc này sẽ chấm dứt.
7. Mỗi cửa hàng phải tự đứng vững trên chân của nó, vậy cái khuôn khổ cụ thể của MWG đóng cửa là gì? Nếu một ngày An Khang không thành công có chấp nhận đóng cửa hết chuỗi này không?
Ông Tài: Một shop không hiệu quả vậy mai có đóng không? Dĩ nhiên là không, mà MWG đánh giá lâu dài.
Cụ thể, một cái shop “vô vọng”, đang trả 200 triệu tiền thuê (nhưng nếu hiện tại chúng ta có thể trả 100 triệu cho một vị trí tương tự) thì chắc chắn phải được xử lý. Và 1 shop mới cùng khu vực đó sẽ được mở ra để thay thế.
8. Điện thoại và điện máy 2-3 năm nữa ngành nào triển vọng hơn?
Ông Hiểu Em: Hai ngành này đến hiện tại MWG đều có tỷ trọng trên 50% hết, và trọng số thì cũng ngang nhau. Ở hiện tại, thì 2 ngành này theo MWG đánh giá là bão hoà nhất định, và 2-3 năm tới thì cũng như nhau chứ không bên nào có triển vọng hơn.
Thành viên HĐQT Robert Alan Willett: Nói về thị trường chung thì kinh tế Việt Nam có ảnh hưởng, nhưng không khó như EU hay Mỹ. Với ngành hàng di động theo tôi bị ảnh hưởng nhiều hơn với ngành điện máy. Thường khó khăn thì lại là giai đoạn tốt cho đơn vị mạnh tăng tốc, chiếm thêm thị phần. Cái này là tôi nói từ kinh nghiệm của tôi, trước đây tôi có tham gia một công ty ở Canada và đã có tăng tốc sau khó khăn (dĩ nhiên các nước sẽ có một quy định kiểm soát sự độc quyền). Dự kiến điện máy sẽ phục hồi tốt hơn sau khi nhu cầu trở lại.
9. Bách Hoá Xanh có lợi thế như thế nào trong ngành bán lẻ?
Ông Tài: Ngành này có 4 mô hình, tuỳ thuộc vào đất nước. Ví dụ nước có đường xá rộng, đi xe hơi thì mô hình lớn (5.000m2 trở lên) chiếm ưu thế. Còn ở nước chật chội, xe gắn máy nhiều, kẹt xe thường xuyên như Việt Nam, Indonesia… thì mô hình nhỏ lợi thế hơn.
Còn về ngành hàng thì có hàng tươi và hàng khô. Hiện, Bách Hoá Xanh muốn đẩy mạnh nhóm hàng tươi tốt hơn ở chợ. Cá nhân tôi đã trải nghiệm mua cam ở Bách Hoá Xanh 13.000 VND/kg nhiều nước, to hơn so với cam tôi mua ở chợ với giá 15.000 VND/kg. Dù tôi đồng ý 15.000 VND/kg là quá rẻ rồi.
Còn thịt, thì Bách Hoá Xanh chắc chắn là nơi bán sạch nhất, vì hầu hết thịt lấy từ hãng Thái là C.P và giá thì không cao hơn ở chợ nhiều. Còn tôm chúng tôi cũng cam kết tươi nhất, vì lúc chúng tôi lấy hàng là còn sống và nó chết đi lúc vận chuyển (việc gắn oxy cho tôm trong quá trình chở thì quá đắt). Ở Bách Hoá Xanh độ tươi ổn định, còn ở chợ thì hên xui (lúc tươi hơn lúc không tươi).
Bạn có vấn đề gì với Bách Hoá Xanh không thì bà nội trợ nói không. Hỏi tại sao ra chợ thì bà bảo tôi quen rồi. Nên Bách Hoá Xanh cần thời gian để cắt đứt sự “thân quen” đó, nhiều bà nội trợ đi chợ về quen nhau, ra tám với nhau. Tương lai, Bách Hoá Xanh sẽ là điểm đến cho các bà nội trợ.
10. Tầm nhìn Bách Hoá Xanh 2-3 năm?
Ông Tài: Chúng tôi đã nói là sẽ đưa Bách Hoá Xanh trở thành điểm đến của bà nội trợ. Chúng tôi chưa tốt hàng tươi và đang cải thiện. Còn hàng khô các bạn nên đến Bách Hoá Xanh trải nghiệm, vì chúng tôi làm tốt hơn chợ (dầu gội…).
Với khách hàng nếu cuối tuần “ế” quá không biết làm gì, có thể đến siêu thị vì nó rộng và có nhiều thứ để bạn làm hơn. Nhưng với khách hàng đi mua hàng, thì Bách Hoá Xanh chắc chắn thú vị hơn.
Hiện, siêu thị đang mạnh về việc quản tri hàng tồn kho, và Bách Hoá Xanh cũng đang hướng tới cải thiện việc vận hành hàng tồn tốt hơn.
11.Việc có lời với các mô hình nhỏ khó hơn so với siêu thị lớn, MWG có quan điểm như thế nào về ý kiến này?
Ông Tài: Mô hình nhỏ tại Việt Nam khó có lời là một nhận định chính xác. Dù vậy, mô hình nhỏ vẫn có khả năng lời.
Trong 5 năm, Tp.HCM gần như không có siêu thị lớn nào mở cửa. Do đó mô hình nhỏ theo tôi mới là mô hình của tương lai. Khách hàng chỉ cần những điều rất cơ bản, từ việc có hàng, mức giá, cho đến chất lượng dịch vụ.
12.Bách Hoá Xanh đang có vấn đề về sự sạch sẽ (ví dụ quầy có gỉ sét, cũ kỹ...)?
Ông Tài: Về sự cũ kỹ, đúng là một số địa điểm đã có tuổi đời nên nhiều thứ không còn mới, song không phải ở trạng thái khiến thực phẩm không sạch sẽ.
Nhưng ở giai đoạn này, mọi thứ khiến khách hàng không hài lòng về chất lượng, sản phẩm, khiến khách hàng quay lưng đều phải bị xử lý. Tuy nhiên nếu là những vấn đề nhỏ, không gây ảnh hưởng, có lẽ sẽ cần đến giai đoạn thuận lợi hơn.
13.Động lực nào để MWG đẩy mạnh ESG?
Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc nhân sự Đặng Minh Lượm: ESG là nhu cầu của xã hội, từ cơ quan Nhà nước đến quỹ đầu tư, ngân hàng. Khi làm mảng này, chúng ta có cơ hội nhìn ra những điểm Công ty làm chưa tốt, và tạo điều kiện để MWG làm những việc có ý nghĩa hơn để mang lại sự an tâm cho nhà đầu tư. Bởi doanh nghiệp có hoạt động hướng đến tương lai, tốt cho môi trường, cho sự bền vững sẽ được ưu tiên hơn trong mắt nhà đầu tư. Trong thời gian tới, môi trường và phát triển bền vững sẽ được MWG ưu tiên chú trọng.
14.Chiến lược phát triển đội ngũ kế thừa?
Ông Tài: Chúng tôi sẽ đặt niềm tin vào đội ngũ của tương lai. Chúng tôi đang thực hiện những khoá tập huấn, và sẽ thực hiện nhiều hơn trong tương lai. Cá nhân tôi cũng sẽ sẵn sàng bỏ thời gian để chia sẻ cho đội ngũ của mình, để tạo dựng đội ngũ kế thừa tương lai.
15.Tại sao ngành bán lẻ phát triển chậm hơn so với dược phẩm, vậy tại sao lại mở rộng Bách Hoá Xanh hơn An Khang?
Ông Tài: Thị trường dược phẩm khoảng 3 tỷ USD, nhưng phần lớn nằm ở kênh bệnh viện. Trong khi đó ngành hàng tiêu dùng là vài chục tỷ USD. Chúng tôi có sức mạnh trong việc làm chuỗi, nên phải chọn ngành lớn để làm.
16.Công ty có thể hoàn tất thanh toán cổ tức trước 31/5 không?
Ông Tài: Chưa thể nói rõ vì phụ thuộc vào dòng tiền.
17.Bách Hoá Xanh online tăng trưởng ra sao trong năm 2022 và quý 1/2023?
Ông Trọng: Năm 2022 lãi khoảng hơn 1.000 tỷ, quý 1/2023 lãi 70 tỷ đồng. Chúng tôi rất tự tin rằng sau khi cắt nhiều chi phí (như khuyến mãi voucher), các đơn hàng tự nhiên vẫn phát triển tốt và đi lên đều đặn. Chúng tôi tự tin năm nay, Bách Hoá Xanh online sẽ là kênh đầu tiên bán hàng thực phẩm, tiêu dùng online mà có lãi.
18.Kế hoạch M&A cho ba năm tới?
Ông Tài: Chúng tôi chưa có kế hoạch, nhưng vẫn để cánh cửa mở nếu có cơ hội.
19.Để đưa hàng tươi vào hệ thống phải đi đôi với chi phí, và sẽ nặng hơn so với ngành hàng tiêu dùng nhanh. Trong bài toán hiện tại của Bách Hoá Xanh có tìm được điểm sinh lời từ traffic và chi phí cung ứng ở hàng tươi?
Ông Trọng: Chi phí logistic thực sự là cao. Nhưng chúng tôi đã thay đổi góc nhìn tại Bách Hoá Xanh, tương lai sẽ thấy chi phí logistics được cải thiện rất nhiều. Khi doanh thu tăng mạnh, chi phí sẽ được ưu tiên.
Ông Tài: Chúng tôi không lấy tiền lời từ hàng khô để bù cho hàng tươi. Hàng tươi đang tự nuôi được nó. Và việc tăng sản lượng sẽ không đẩy mức lỗ đi lên.
20.Vì sao kế hoạch 2023 chỉ đi ngang dù Công ty không tái cấu trúc như 2022?
Ông Tài: Câu chuyện chỉ do sức mua thôi. Nếu sức mua tăng lên, năm nay sẽ rất lạc quan. Nhưng sau quý 4/2022 và vài tháng đầu năm 2023, tình hình dường như rất căng thẳng, sức mua cũng sẽ có vấn đề.
21.Chiến lược phát triển của Tận Tâm?
Ông Tài: Đây vẫn là công ty phát triển dịch vụ sau bán hàng, như vận chuyển và lắp đặt. Năm nay, Công ty sẽ phải làm sao để thực sự hiệu quả, chi phí quản lý chặt chẽ tối đa, phải giảm đáng kể, vì sẽ góp phần vào lợi nhuận chung của Tập đoàn.
22.Nhận định về đối thủ cạnh tranh, new player (người chơi mới) tầm cỡ thế giới và khu vực tại Indonesia?
Ông HIểu Em: Indonesia có quy mô, diện tích và dân số đều lớn hơn Việt Nam. Về cơ cấu tiêu dùng, doanh thu mảng điện thoại cũng gấp hai lần Việt Nam. Nhưng mảng điện máy thì không cao như vậy, doanh thu chỉ bằng khoảng phân nửa tại Việt Nam, nghĩa là còn sơ khai.
Thị trường Campuchia thì khá nhỏ, cơ chế thuế cũng phức tạp, khiến doanh thu của MWG trở nên khá thấp. Indonesia ngược lại, khá minh bạch về thuế trong kinh doanh và đó là lợi thế.
Về dịch vụ, việc giao hàng và lắp đặt tại Indonesia chưa thực sự tốt, chưa hiệu quả. Nhà bán lẻ chỉ đóng vai trò trưng bày, tư vấn. Khi có đơn hàng, họ sẽ chuyển về các đối tác là những người cung cấp, lắp đặt, dẫn đến ùn ứ và chậm trễ. Khi sang Indonesia, chúng tôi đã mang cả dịch vụ từng thành công ở Việt Nam sang, tăng tốc độ lắp đặt, giao hàng. Đó chính là lợi thế và cũng là khác biệt của MWG tại Indonesia, khác biệt hẳn so với thị trường.
Chúng tôi cũng không sang một mình. Chúng tôi hợp tác với PT Erafone Artha Retailindo (Erafone) - công ty con của Tập đoàn Erajaya, nhà bán lẻ rất lớn trong lĩnh vực điện thoại. Họ cũng có nhu cầu phát triển điện máy, giống như chúng tôi, vậy nên đây là sự hợp tác với lợi thế win-win.
Đối thủ cạnh tranh ở Indonesia không có nhiều. Hai nhà bán lẻ lớn nhất tại Indonesia cộng lại chỉ hơn 100 cửa hàng, phần lớn nằm trong các trung tâm thương mại. Khi tiếp cận, chúng tôi mở cửa hàng EraBlue trên đường, vì văn hoá cũng khá tương đồng với Việt Nam. Bước tiếp theo, chúng tôi sẽ hoàn thiện mô hình này, và hướng đến mở mới các cửa hàng.
Trong kế hoạch lộ trình 5 năm, chúng tôi sẽ mở 500 cửa hàng, và thậm chí lên kế hoạch IPO cho EraBlue tại Indonesia.