DeepSeek đã thu hút sự chú ý của cả thế giới trong ngày 27/1 khi giới thiệu “một mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) rất mạnh mẽ với chi phí chế tạo ít hơn nhiều so với các mô hình AI nổi tiếng khác như ChatGPT, Gemini…”.
"Cơn bão" DeepSeek động viên Chủ tịch FPT
Mặc dù còn nhiều tranh cãi về sự tác động của mô hình AI giá rẻ đến từ Trung Quốc này, song DeepSeek nhanh chóng trở thành “cơn bão” càn quét cổ phiếu công nghệ toàn cầu.
Tại Việt Nam, ngay phiên giao dịch đầu năm mới ngày 3/2, thị giá FPT mất gần 5,2% xuống còn 145.500 đồng/cp. Giá trị vốn hóa Công ty cũng theo đó “bốc hơi” gần 13.000 tỷ đồng.
Về phía FPT, ông Trương Gia Bình trong chia sẻ mới nhất cho biết DeepSeek là nguồn động viên cho chiến lược của Tập đoàn với cuộc cách mạng AI.
“Giống như David dùng ná bắn hạ gã khổng lồ Goliath, DeepSeek không cần nguồn lực quá lớn nhưng vẫn tạo ra thành tựu đáng kinh ngạc. Điều này là nguồn động viên mạnh mẽ cho chúng ta" - Chủ tịch FPT khẳng định - "Để đạt được thành công như DeepSeek, điều quan trọng không phải là tiêu tốn nhiều nhân lực, tiền bạc hay thời gian, mà là tìm ra cách tối ưu để phục vụ đối tác và chính mình. AI đi trước AI, chúng ta phải đi thật nhanh”.
Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có thể "đi thật nhanh"?
Trước khi DeepSeek xuất hiện và làm bùng nổ giới công nghệ, Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp công nghệ nói riêng được cho rằng đang đứng trước cơ hội lớn từ cuộc cách mạng AI.
Các cổ phiếu ngành công nghệ thông tin (CNTT) đã tăng 140% trong năm 2024, vượt trội hơn so với VN-Index (tăng 12%), hưởng lợi từ xu hướng nâng định giá hệ số P/E, tương đồng với các công ty công nghệ trên thế giới. Xu hướng này đã bắt đầu từ năm 2023, nhờ tâm lý tích cực về triển vọng trí tuệ nhân tạo (AI) (đặc biệt là AI tạo sinh hay Generative AI).
Trong đó, SSI Research đánh giá lạc quan về tiềm năng của FPT, cho rằng đơn vị này sẽ tiếp tục dẫn đầu về kết quả doanh thu và lợi nhuận.
Năm 2024, FPT đạt chỉ số kinh doanh kỷ lục: doanh thu 62.849 tỷ và lợi nhuận trước thuế 11.071 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 20% so với năm 2023. SSI Research dự báo đà tăng trưởng này có thể được tiếp diễn trong năm 2025.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng đưa ra đánh giá tích cực lĩnh vực công nghệ trong báo cáo đầu năm. Cụ thể, chi tiêu cho CNTT toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng với hoạt động sản xuất hồi phục tại các nền kinh tế lớn là chất xúc tác chính. Dẫn chứng dự báo từ Gartner và Canalys cho rằng chi tiêu CNTT sẽ lần lượt tăng 9,3%, 8,3%.
Năm 2025, các thị trường xuất khẩu phần mềm chính của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ xu hướng tăng cường đầu tư cho công nghệ. Trong đó, lợi thế về lao động sẽ giúp Việt Nam thu hút các khách hàng lớn.
Chi tiêu trung tâm dữ liệu cũng dự kiến sẽ cao hơn trong năm 2025. Theo Research and Markets, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam trong giai đoạn 2024-2029 dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 13%. SSI Reserch cho rằng chủ quyền dữ liệu, các quy định về quyền riêng tư và tham vọng chuyển đổi số quốc gia sẽ là những động lực thúc đẩy nhu cầu chính.
Ở mảng này, một số công ty về trung tâm dữ liệu hưởng lợi đáng chú ý bao gồm Viettel IDC (dẫn đầu thị trường), VNPT, FPT Telecom (mã chứng khoán FOX) và CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (mã chứng khoán CMG).
Đồng quan điểm, Chứng khoán Agriseco cũng đánh giá lạc quan rằng trung tâm dữ liệu sẽ đạt được tốc độ tăng cao nhờ nhu cầu về lưu lượng dữ liệu tại Việt Nam tăng mạnh trong bối cảnh các nền tảng công nghệ phát triển (4G, 5G, AI, IoT, Bigdata); các chính sách của Chính phủ giúp đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng data center. Kỳ vọng doanh thu các công ty viễn thông đang mở rộng quy mô data center sẽ tăng trưởng khoảng 11-15%/năm.