Đề xuất xây tuyến cao tốc mới nối với sân bay Long Thành: Ấp nhỏ ven biển sắp "lên đời"

Pha Lê | 16:54 13/05/2025

Đề xuất này sẽ mở ra không gian phát triển đô thị mới dọc hành lang giao thông hiện đại.

Đề xuất xây tuyến cao tốc mới nối với sân bay Long Thành: Ấp nhỏ ven biển sắp "lên đời"

Ấp nhỏ ven biển sẽ là thủ phủ du lịch nghỉ dưỡng mới

Theo Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt vào ngày 13/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ, toàn bộ khu vực Long Hải - Bình Châu sẽ trở thành khu du lịch quốc gia, trong đó khu vực Hồ Tràm là trung tâm của khu du lịch quốc gia này. Hồ Tràm đang có những bước phát triển rất mạnh mẽ với nhiều dự án du lịch quy mô lớn, tầm cỡ quốc tế.

Hồ Tràm về mặt địa giới hành chính chỉ là một ấp nhỏ ven biển, thuộc xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, cách TP.Hồ Chí Minh khoảng 125 km.

Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc) đến năm 2045 được UBND tỉnh phê duyệt ngày 4/12/2024 xác định đô thị mới Hồ Tràm sẽ là đô thị du lịch biển, trung tâm kinh tế dịch vụ, du lịch quan trọng của tỉnh và của huyện Xuyên Mộc.

Cầu đi bộ ngắm biển ở Hồ Tràm. Ảnh: Melia Hồ Tràm Beach

Dù chỉ mới nổi trong vài năm trở lại đây, Hồ Tràm đã nhanh chóng vươn lên giữ vai trò dẫn dắt về đẳng cấp dịch vụ và định hình thương hiệu du lịch cao cấp của toàn khu vực. Không chỉ sở hữu lợi thế tự nhiên hiếm có với bờ biển dài, hoang sơ và khí hậu trong lành, Hồ Tràm còn đang trở thành điểm đến chiến lược trên bản đồ nghỉ dưỡng phía Nam.

Đặc biệt, cung đường ven biển Hồ Tràm – Bình Châu được ví như "cung đường tỷ đô" khi quy tụ hàng loạt dự án bất động sản du lịch quy mô lớn đang được đầu tư, xây dựng.

Đây không chỉ là điểm hội tụ của các thương hiệu nghỉ dưỡng quốc tế mà còn là trung tâm mới của xu hướng du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, giải trí và đầu tư bền vững. Cùng với đà phát triển này, Hồ Tràm đang từng bước khẳng định vị thế là thủ phủ du lịch nghỉ dưỡng mới của miền Đông Nam Bộ.

Đề xuất bổ sung tuyến cao tốc Hồ Tràm - Long Thành

Theo báo cáo nội dung điều chỉnh "Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050" (quy hoạch tỉnh), cùng với việc Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được đầu tư xây dựng và kỳ vọng sớm đi vào hoạt động, khu vực Hồ Tràm ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.

Tuy nhiên, một trong những điểm nghẽn lớn hiện nay chính là hạ tầng kết nối giao thông từ sân bay Long Thành đến Hồ Tràm chưa được quy hoạch bài bản, đồng bộ.


Khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Hồ Tràm.

Trong quy hoạch tỉnh trước đây, chưa có tuyến đường trực tiếp kết nối giữa Cảng hàng không quốc tế Long Thành với khu vực Hồ Tràm, dẫn đến khoảng cách và thời gian di chuyển của du khách, đặc biệt là khách quốc tế và phân khúc cao cấp, bị kéo dài.

Hiện nay, theo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, giao thông kết nối chủ yếu dựa vào nhiều hướng tuyến kết hợp giữa cao tốc, quốc lộ và đường tỉnh, đi qua các khu vực đông dân cư và đô thị hiện hữu, khiến tốc độ lưu thông bị hạn chế, thời gian di chuyển kéo dài, không tạo được sự thuận tiện cần thiết cho loại hình du lịch chất lượng cao.

Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức hấp dẫn đầu tư của khu vực Hồ Tràm mà còn làm giảm hiệu quả phát triển của toàn bộ trục động lực kinh tế du lịch phía Đông Nam của tỉnh, bao gồm khu du lịch quốc gia Long Hải – Bình Châu.

Do đó, việc sớm nghiên cứu, quy hoạch và đầu tư xây dựng một tuyến giao thông kết nối nhanh, trực tiếp từ sân bay Long Thành đến Hồ Tràm là rất cấp thiết để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của khu vực này, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh của Bà Rịa – Vũng Tàu trên bản đồ du lịch quốc gia và khu vực.

Con đường ven biển Hồ Tràm.

Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đề xuất bổ sung vào Quy hoạch tỉnh dự án xây dựng mới tuyến cao tốc đô thị kết nối Hồ Tràm với Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây là đề xuất có ý nghĩa chiến lược, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết về kết nối hạ tầng giữa khu du lịch ven biển trọng điểm với trung tâm trung chuyển hàng không lớn nhất khu vực phía Nam trong tương lai.

Việc bổ sung quy hoạch và đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này không chỉ giúp rút ngắn khoảng cách, giảm thời gian di chuyển giữa Hồ Tràm và sân bay Long Thành, mà còn mở ra không gian phát triển đô thị mới dọc hành lang giao thông hiện đại.

Bên cạnh đó, tuyến đường sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị ven biển một cách đồng bộ, bền vững, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng liên vùng giữa Bà Rịa – Vũng Tàu và các tỉnh Đông Nam Bộ, kết nối hiệu quả với mạng lưới giao thông quốc gia. Đây cũng sẽ là một trục động lực góp phần đảm bảo quốc phòng – an ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho toàn vùng, đặc biệt là các khu vực tuyến đi qua.

Hướng phát triển giao thông theo định hướng TOD (Transit-Oriented Development) mà dự án mang lại sẽ góp phần hình thành các đô thị mới, các cụm dân cư tập trung, từ đó đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và tạo nền tảng cho phát triển nhanh, bền vững của tỉnh trong những giai đoạn tiếp theo.


(0) Bình luận
Đề xuất xây tuyến cao tốc mới nối với sân bay Long Thành: Ấp nhỏ ven biển sắp "lên đời"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO