Đề xuất đánh thuế VAT hàng giá trị nhỏ nhập khẩu qua Shopee, Lazada, Tiktok...

Lê Sáng | 07:13 24/04/2024

Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội đề xuất đánh thuế VAT với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ, nhất là qua kênh Thương mại điện tử (TMĐT) như Lazada, Shopee, Tiktok.

Đề xuất đánh thuế VAT hàng giá trị nhỏ nhập khẩu qua Shopee, Lazada, Tiktok...
Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận chiều 23/4. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Đề xuất đánh thuế VAT với đơn hàng Shopee, Lazada, Tiktok quốc tế giá trị nhỏ

Chiều 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Luật thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi. Theo đó, một trong những điểm mới của dự thảo luật là việc bổ sung quy định không thu thuế VAT với quà biếu, tặng và miễn thuế này với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ.

Theo quy định hiện nay của Chính phủ, hàng nhập khẩu giá trị nhỏ là dưới 1 triệu đồng chuyển về Việt Nam qua dịch vụ chuyển phát nhanh, được miễn thuế nhập khẩu, thuế VAT đầu vào (khâu nhập khẩu). Đối với quà biếu, quà tặng cũng được miễn thuế nhập khẩu theo Nghị định 134 hướng dẫn Luật Thuế xuất, nhập khẩu.

Phát biểu thẩm tra nội dung nói trên, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng Chính phủ cân nhắc bỏ quy định miễn thuế VAT với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ, nhất là qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới.

"Hiện nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế VAT với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu", ông Lê Quang Mạnh nói.

Vì thế, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng việc nghiên cứu bỏ quy định này, tức thu thuế VAT với hàng nhập giá trị nhỏ qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tạo điều kiện mở rộng và bao quát các nguồn thu trong bối cảnh hạn chế về ngân sách hiện nay.

Theo ông Lê Quang Mạnh, trước đây lượng hàng có giá trị nhỏ nhập khẩu không nhiều nên tác động không đáng kể tới số thu thuế. Tuy nhiên, sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới và xu hướng tiêu dùng ở nhiều nước cho thấy, lượng giao dịch hàng giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần thời gian qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách dẫn số liệu của Tổng công ty cổ phần Bưu chính viễn thông (VNPT) cho thấy tại tháng 3/2023, trung bình mỗi ngày có 4-5 triệu đơn hàng được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam. Trong đó, giá trị mỗi đơn hàng được chia nhỏ 100.000-300.000 đồng.

Bình quân mỗi ngày giá trị hàng luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiktok... khoảng 45-63 triệu USD và một tháng là 1,3-1,9 tỷ USD.

Cần đưa ra ngưỡng chịu thuế VAT cụ thể cho nhà bán hàng

Hiện nay, theo quy định, hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống sẽ không thuộc diện chịu thuế VAT. Ở lần sửa đổi này, cơ quan soạn thảo không đưa ra mức doanh thu chịu thuế cụ thể, mà quy định đưa ra quy định mở "dưới mức Chính phủ quy định".

Cho ý kiến về nội dung này , thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng việc sửa quy định ngưỡng doanh thu tính thuế VAT là cần thiết, phù hợp thực tế phát triển hiện nay. Song, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tính toán để đưa ra mức doanh thu tính thuế cụ thể dựa trên các yếu tố như thu nhập bình quân đầu người đã tăng hơn 2 lần so với năm 2013 - thời điểm ngưỡng doanh thu 100 triệu đồng được xây dựng.

Về nội dung này, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng việc Chính phủ đưa ra mức doanh thu tính thuế cụ thể thay vì quy định mở như tại dự thảo luật sẽ đảm bảo minh bạch, công bằng cho đối tượng chịu thuế - hộ, cá nhân kinh doanh.

Xem xét dư địa tăng thuế VAT

Hiện nay Việt Nam đang áp dụng 3 mức thuế suất VAT là 0%, 5% và 10%, theo Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội, thuế suất VAT phổ thông 10% hiện thấp so với các nước.

Ông Lê Quang Mạnh thông tin thuế suất trung bình tại châu Á là 12%, khu vực Mỹ La tinh là 14%, châu Phi 16%, EU 22%. Còn mức thuế VAT trung bình toàn cầu là 15%.

"So sánh này cho thấy Việt Nam có dư địa để tăng thuế suất thuế VAT trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh cần mở rộng cơ sở thu", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách nêu.

Cũng theo ông Mạnh, một số nước trong khu vực ASEAN đã tăng thuế VAT như một giải pháp nâng cao hiệu quả thu ngân sách từ sau dịch Covid-19. Ví dụ, tháng 4/2022, Indonesia tăng thuế suất từ 10% lên 11%. Singapore tăng thuế VAT theo lộ trình hai năm, từ 7% lên 8% vào 1/2023 và từ đầu năm nay là 9%.

Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 cũng xác định định hướng nghiên cứu tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng theo lộ trình. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ đánh giá tác động với một số phương án tăng thuế suất theo lộ trình sau khi nền kinh tế đã phục hồi, có thể vào cuối giai đoạn 5 năm 2026-2030.

Liên quan đến vấn đề mức thuế suất VAT, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá mức thuế suất 10% được Việt Nam duy trì áp dụng là phù hợp khi các doanh nghiệp đang rất khó khăn và chính sách giảm 2% thuế VAT, từ 10% xuống 8% với nhiều hàng hóa, dịch vụ được Chính phủ duy trì thời gian qua nhằm hỗ trợ nguồn lực cho doanh nghiệp phục hồi sau dịch.

Theo kế hoạch, dự kiến, dự thảo Luật thuế VAT (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 diễn ra vào tháng 5.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đề xuất đánh thuế VAT hàng giá trị nhỏ nhập khẩu qua Shopee, Lazada, Tiktok...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO