Theo đó, trong thông báo vừa phát đi, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) đã thông báo về việc loại bỏ đối với giao dịch bán cổ phiếu VIB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam.
Cụ thể, căn cứ kết quả giám sát của HoSE và ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại công văn số 7442/UBCK-TT ngày 01/11/2024 về việc xử lý đối với giao dịch của nhà đầu tư, HoSE thông báo thực hiện loại bỏ đối với giao dịch bán 2.610.349 cổ phiếu VIB ngày 31/10/2024 của bà Lê Thị Huệ (người có liên quan đến ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT của VIB) do không công bố thông tin, không báo cáo trước khi giao dịch.
Theo báo cáo quản trị của VIB, bà Lê Thị Huệ là chị dâu của ông Lê Khắc Vỹ và sở hữu 2.610.349 cổ phiếu VIB, tỷ lệ sở hữu 0,103%, đúng bằng số cổ phiếu bà vừa đặt bán. Như vậy, bà Lê Thị Huệ đã quyết định bán toàn bộ cổ phiếu của VIB, nhưng bị HOSE hủy giao dịch.
Trong phiên giao dịch ngày 31/10/2024, VIB có 6,46 triệu cổ phiếu giao dịch theo phương thức khớp lệnh và 10,8 triệu cổ phiếu giao dịch theo phương thức thỏa thuận. Tạm tính theo giá đóng cửa phiên 31/10, giao dịch của bà Lê Thị Huệ có giá trị gần 50 tỷ đồng.
Bà Lê Thị Huệ bán cổ phiếu trong bối cảnh lợi nhuận quý 3/2024 của ngân hàng là gần 1.600 tỷ đồng, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, ngân hàng lãi sau thuế 5.283 tỷ đồng, giảm 20,7% so với 9 tháng 2023.
Theo quan sát, lợi nhuận quý 3/2024 của VIB đã xuống mức thấp nhất 3 năm qua.
Tuần qua, cổ phiếu VIB bất ngờ ghi nhận giao dịch đột biến trong phiên 29/10 với khối lượng thỏa thuận "khủng" lên tới hơn 300 triệu cổ phần. Cùng ngày, Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) thông báo đã bán khoảng 10% cổ phần của VIB thông qua Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE). Giao dịch được thực hiện vào ngày 29/10 và dự kiến thanh toán vào ngày 31/10, thu về khoảng 320 triệu AUD, tương đương hơn 5.300 tỉ đồng.
Hồi tháng 6, Đại hội đồng cổ đông bất thường VIB đã thông qua việc giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 20,5% xuống 4,99%, chính thức áp dụng từ ngày 1/7/2024. Điều này buộc các nhà đầu tư ngoại phải bán ra cổ phiếu để đưa tỷ lệ sở hữu về mức tối đa cho phép.
VIB có 18 cổ đông nắm giữ hơn 72% vốn
Theo danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn điều lệ cập nhật đến ngày 28/6 và thông tin về người có liên quan được công bố theo kê khai của các cổ đông tính đến ngày 31/7/2024 do VIB công bố mới đây cho thấy 18 cổ đông nắm giữ hơn 72% vốn của ngân hàng này.
Cụ thể, trong danh sách, có 13 cá nhân và 5 tổ chức cùng người có liên quan sở hữu tổng cộng hơn 1,854 tỷ cổ phiếu VIB, tương ứng với hơn 72% vốn điều lệ của ngân hàng này.
Cổ đông lớn nhất và cũng là cổ đông chiến lược của VIB là Commonwealth Bank of Australia (CBA) đang sở hữu hơn 503 triệu cổ phần, tương đương 19,837% vốn. Thông tin về các cá nhân có liên quan của CBA chưa được kê khai.
Tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 của VIB được tổ chức vào tháng 6 vừa qua, HĐQT VIB đã trình bày đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại) từ 20,5% xuống còn 4,99% và đề xuất này đã được thông qua. Theo đó, CBA có thể giữ lại số cổ phần hiện tại là 19,8% tương đương 503 triệu cổ phiếu nhưng không được tăng tỷ lệ sở hữu và chỉ được phép bán ra cổ phần cho đến khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VIB bằng hoặc nhỏ hơn 4,99%, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Cổ đông nắm giữ cổ phần nhiều thứ hai tại VIB là Chủ tịch HĐQT Đặng Khắc Vỹ với 125 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 4,949% vốn ngân hàng này. Ngoài ra, nhóm người có liên quan tới ông Đặng Khắc Vỹ sở hữu hơn 15,316% vốn, tương đương hơn 388 triệu cổ phần của VIB, bao gồm bà Trần Thị Thảo Hiền - vợ ông Đặng Khắc Vỹ, nắm giữ 125 triệu cổ phần VIB, tương đương 4,9% vốn điều lệ.
Hai tổ chức có liên hệ đến ông Vỹ cũng sở hữu trên 1% vốn điều lệ của ngân hàng là CTCP Beston sở hữu hơn 4,681% và người liên quan nắm 10,905%; CTCP Funderra nắm 4,68% và người liên quan nắm 10,905%.
CTCP Funderra thành lập ngày 14/7/2023, Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Phong. Vốn điều lệ của công ty là 2.500 tỷ đồng thì ông Đặng Khắc Vỹ góp gần 2.000 tỷ đồng, nắm 80% vốn; bà Trần Thị Thảo Hiền (vợ ông Vỹ) góp 500 tỷ đồng, nắm 20% vốn và ông Nguyễn Văn Phong góp 10 triệu đồng.
Ngoài ra, ông Phong cũng đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc/người đại diện pháp luật tại CTCP Beston – một doanh nghiệp được thành lập từ tháng 11/2020.
Trong số các cổ đông tổ chức còn có CTCP Uniben sở hữu 2,617%, tương đương 66,38 triệu cổ phiếu VIB và CTCP Cơ điện lạnh (REE) sở hữu 1,9% vốn, tương đương hơn 50,58 triệu cổ phiếu VIB.
Còn lại có 11 cổ đông cá nhân khác gồm ông Đỗ Xuân Hoàng - Thành viên HĐQT VIB sở hữu 4,9% vốn cùng bố và 2 người con ông Hoàng sở hữu tổng cộng 4,34% vốn ngân hàng VIB; bà Đặng Thị Thu Hà - vợ Phó Chủ tịch HĐQT VIB Đặng Văn Sơn sở hữu 71,55 triệu cổ phiếu, tương đương 2,821% vốn.
Ngoài ra, 6 cổ đông khác không rõ chức vụ đang nắm giữ tổng cộng 451 triệu cổ phiếu VIB, tương ứng 17,786% vốn điều lệ ngân hàng này.