Dầu khí Nam Sông Hậu chậm thanh toán lãi trái phiếu, nợ phải trả gấp 5,5 lần vốn chủ sở hữu

Nguyên Trang - Mạnh Đại | 11:05 10/06/2023

Do chưa thu xếp đầy đủ nguồn thanh toán, “ông lớn” xăng dầu miền Tây - Dầu khí Nam Sông Hậu chậm thanh toán lãi trái phiếu gần 10 tỷ đồng của lô trái phiếu trị giá 400 tỷ đồng. Ngoài ra, tính đến hết ngày 31/12/2022, nợ phải trả cho doanh nghiệp đang ở mức 8.539,2 tỷ đồng, gấp 5,5 lần vốn chủ sở hữu.

Dầu khí Nam Sông Hậu chậm thanh toán lãi trái phiếu, nợ phải trả gấp 5,5 lần vốn chủ sở hữu
Dầu khí Nam Sông Hậu có lợi nhuận sau thuế năm 2022 lỗ 236,6 tỷ đồng, nở phải trả ở mức 8.539,2 tỷ đồng, gấp 5,5 lần vốn chủ sở hữu.

Công ty CP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (Dầu khí Nam Sông Hậu - HoSE: PSH) vừa có thông báo bất thường về việc chậm thanh toán lãi cho lô trái phiếu có mã PSHH2224003.

Theo đó, lô trái phiếu PSHH2224003 có giá trị 400 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, ngày đáo hạn là 7/6/2024, lãi suất năm thứ nhất là 10%, năm thứ hai là 10,2%, kỳ hạn trả lãi là 3 tháng/lần.

Với lý do chưa thu xếp đầy đủ nguồn thanh toán, doanh nghiệp xin rời lại lịch thanh toán từ ngày 7/6/2023 sang ngày 16/6/2023 với tổng số tiền lãi là 9,6 tỷ đồng.

Được biết, Dầu khí Nam Sông Hậu sẽ đảm bảo số trái phiếu trên bằng quyền sử dụng thửa đất số 583, tờ bản đồ số 31 khu phố Chợ 1, thị trấn Vàm Láng huyện Gò Công Đông tỉnh Tiền Giang với diện tích 189.045,3 m2 với giá trị 568.013.826.373 đồng và quyền sử dụng thửa đất 2521, tờ bản đồ số 10 tại ấp Xoài Rùm, thị xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh với diện tích khoảng 47.000 m2 với giá trị khoảng 54 tỷ đồng.

Số tiền thu được doanh nghiệp dùng để bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh và phục vụ đầu tư phát triển dự án Tổng kho Xoài Rạp và kho trung chuyển xăng dầu, nhà máy phối trộn xăng dầu sinh học, tạm chiết nạp Gas tại Trà Vinh.

Vào ngày 4/4/2022, Dầu khí Nam Sông Hậu cũng đã phát hành 1 lô trái phiếu trị giá 400 tỷ đồng có mã PSHH2224002. Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng ba thửa đất với tổng diện tích gần 107.296 m2 tại tỉnh Tiền Giang và Hậu Giang.

Kỳ hạn trái phiếu là hai năm với lãi suất khá cao ở năm đầu tiên 11,5%/năm, năm thứ hai tăng lên 11,7%/năm. Dùng để bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh và phục vụ đầu tư phát triển dự án kho cảng Mái Dầm và Tổng kho Xoài Rạp.

Ngoài ra, vào ngày 1/3/2022 đơn vị này cũng chào bán thêm 200 tỷ đồng trái phiếu với mã PSHH2224001 để tăng quy mô vốn thực hiện dự án tổng kho dầu khí Soài Rạp tại tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, vào ngày 02/12/2022, doanh nghiệp đã mua lại 90 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Như vậy lô trái phiếu này hiện đang lưu hành với tổng giá trị 110 tỷ đồng.

Như vậy, trong năm 2022, Dầu khí Nam Sông Hậu đã huy động tổng cộng 1.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. Và doanh nghiệp đã thanh toán 47,1 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu cho 3 lô trái phiếu kể trên.

no-vay-tai-chinh-tang-manh.png

Nợ vay tài chính của Dầu khí Nam Sông Hậu ở mức 3.978,9 tỷ đồng, tăng 14,06% so với đầu năm, trong đó 63% là nợ ngắn hạn.

Về kết quả kinh doanh, theo Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2022, Dầu khí Nam Sông Hậu ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 7.355,1 tỷ đồng, tăng 28,17% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng ở mức cao, dẫn đến lợi nhuận gộp chỉ còn 253,5 tỷ đồng, giảm 69,26% so với năm 2021.

Kết quả, sau khi trừ chi phí, Dầu khí Nam Sông Hậu báo lợi nhuận sau thuế lỗ 236,6 tỷ đồng, trong khi năm 2021 doanh nghiệp vẫn báo lãi 319,5 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp chỉ còn 1.544,1 tỷ đồng, giảm 17,37% so với con số ở đầu năm là 1.868,6 tỷ đồng.

Nợ phải trả của doanh nghiệp đạt 8.539,2 tỷ đồng, tăng 6,96% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay tài chính của Dầu khí Nam Sông Hậu ở mức 3.978,9 tỷ đồng, tăng 14,06% so với đầu năm, trong đó 63% là nợ ngắn hạn.

Về vay nợ, chủ nợ lớn nhất là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với khoản vay 1.944,9 tỷ đồng ngắn hạn và 595,2 tỷ đồng tại dài hạn. Mục đích bổ sung vốn lưu động, bảo lãnh, mở L/c, chiết khấu. Ngoài ra, có khoản nợ dài hạn đến hạn trả tại BIDV là 59,3 tỷ đồng.

Chủ nợ lớn thứ 2 là Ngân hàng NN và PTNT Việt Nam (Agribank) với 367,6 tỷ đồng nợ ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh,…

Do đó, Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ở mức báo động tăng từ 4,3 lần ở năm 2021 lên 5,5 lần ở năm 2022.

Đây cũng chính là nguyên nhân đẩy chi phí lãi vay của Dầu khí Nam Sông Hậu tăng từ 228,1 tỷ đồng lên 282,5 tỷ đồng, tương đương tăng 23,83%. Theo BCTC, Dầu khí Nam Sông Hậu còn 3 lô trái phiếu với dư nợ hơn 878 tỷ đồng.

Ngoài ra, Dầu khí Nam Sông Hậu còn có khoản thuế và các khoản phải nộp nhà nước gần 1.633,4 tỷ đồng, tăng 19,81% so với đầu năm. Số tiền này vượt vốn góp chủ sở hữu của doanh nghiệp 1.544,1 tỷ đồng. Trong đó, chiếm phần đa là thuế bảo vệ môi trường (1.240,8 tỷ đồng); Thuế giá trị gia tăng (244 tỷ đồng); Thuế tiêu thụ đặc biệt (128,7 tỷ đồng),…

Trên thị trường chứng khoán, tại ngày 9/6 cổ phiếu PSH (Dầu khí Nam Sông Hậu) đang giao dịch ở mức 15,200 đồng/cổ phiếu. Đặc biệt, trong 3 phiên giao dịch gần đây mã cổ phiếu của “ông lớn” dầu khí miền Tây này đều tăng với biên độ lớn trên 4%/phiên giao dịch.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Dầu khí Nam Sông Hậu chậm thanh toán lãi trái phiếu, nợ phải trả gấp 5,5 lần vốn chủ sở hữu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO