Mở cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM vào năm 2013, đến ngày 1/2/2023 tới đây, Starbucks sẽ đánh dấu cột mốc 10 năm gia nhập thị trường Việt Nam. Tính đến hết năm 2022, thương hiệu cà phê từ Hoa Kỳ đã có tổng cộng 78 cửa hàng, hiện diện tại Hà Nội, TP.HCM, Hưng Yên, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hoà), Bình Dương. Trong đó, riêng Hà Nội có 24 cửa hàng.
Ngoài ra, năm 2022 còn đánh dấu bước tiến mới trong thanh toán của Starbucks Việt Nam khi đơn vị này cho phép khách hàng sử dụng mã QR để thanh toán, với hai đối tác lớn là MoMo và ZaloPay. Trước kia, khách chỉ có các lựa chọn thanh toán bằng tiền mặt, thanh toán bằng thẻ ngân hàng hoặc bằng thẻ thành viên Starbucks Rewards. Trong đó, Starbucks Rewards được ví như một "ngân hàng bí mật" khi khách hàng nạp tiền vào và chỉ có thể rút ra bằng… cà phê.
Với Starbucks Rewards, khách hàng nạp tiền thông qua thẻ ngân hàng hoặc thẻ quà tặng. Sau đó, khách sẽ dùng tiền trong thẻ này để chi trả cho các sản phẩm tại cửa hàng Starbucks, đồng thời nhận về điểm tích luỹ. Khách hàng sử dụng thẻ Starbucks Rewards cũng thường nhận được nhiều hơn các khuyến mãi, giảm giá.
Báo cáo quý 3/2022 của Starbucks cho biết, chỉ riêng tại Hoa Kỳ đã có 27,4 triệu thành viên Starbucks Rewards đang hoạt động, gần gấp đôi so với 14,2 triệu thành viên vào cuối năm 2017. Đến 2022, Starbucks Rewards cũng chiếm 53% doanh thu tại các cửa hàng Hoa Kỳ. Vào quý 3/2022, Starbucks công khai 1,7 tỷ USD được trữ trong các tài khoản Starbucks Rewards. Điều này khiến nhiều người ví Starbucks như một ngân hàng thu hút hàng tỷ USD tiền gửi với lãi suất 0% và có thể kiếm thêm lợi nhuận bằng cách sử dụng số tiền để cho vay, đầu tư,...
Với việc cho phép sử dụng thanh toán bằng ví điện tử, CEO Starbucks Việt Nam cũng cho biết không hề lo ngại gì về việc khách hàng sẽ giảm sử dụng thẻ thành viên.
“Tất cả chỉ nhằm phục vụ nhiều phương pháp thanh toán hơn cho khách hàng, thuận tiện cho khách hàng. Đó luôn là tiêu chí đầu tiên của Starbucks, trong mọi mặt. Ví điện tử giờ đây trở thành một phương thức thanh toán rất phổ biến, công ty cũng sẽ luôn tạo điều kiện tốt nhất để khách hàng sử dụng phương pháp thanh toán thuận thiện nhất.
Thực sự mà nói, hiện chúng tôi có rất nhiều phương pháp thanh toán. Khi có ví điện tử thì không ảnh hưởng đến Starbucks Card nhưng ảnh hưởng tích cực đến việc khách hàng sử dụng ít tiền mặt hơn. Việc khách hàng sử dụng ít tiền mặt đã thay đổi ngay từ khi Covid xảy ra. Ở Việt Nam có phương pháp thanh toán rất hay mà nước ngoài không có, đó là chuyển khoản. Bây giờ đi ăn uống ở đâu khách hàng cũng có thể chuyển khoản với số tài khoản được dán sẵn, ở nước ngoài không có. Tiêu chí của công ty là giảm lượng tiền mặt, để giảm thiểu rủi ro mất tiền hay giữ tiền trong cửa hàng”, bà Patricia Marques - CEO Starbucks Việt Nam nói.
Trên thực tế, dù hút lượng tiền lớn từ thẻ thành viên nhưng Starbucks hiện chưa có kế hoạch nào và chỉ sử dụng Starbucks Rewards để làm vốn lưu động.
Sang năm 2023, Starbucks Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm những mặt bằng có diện tích vừa phải để khách hàng có thể ngồi thưởng thức cà phê cùng gia đình, bạn bè hoặc phục vụ khách hàng chỉ mua mang đi. Mô hình của thương hiệu này sẽ hướng đến sự tinh gọn, tìm kiếm thêm mặt bằng tại các khu đô thị mới, cao ốc hay các cộng đồng địa phương. Starbucks Việt Nam cũng kỳ vọng chạm mốc 100 cửa hàng vào năm 2023. Kế hoạch mở rộng cụ thể chưa được tiết lộ, tuy nhiên CEO Starbucks Việt Nam cho biết sẽ vẫn duy trì chiến lược mở rộng như trước kia, rằng khi đã mở một cửa hàng thì sẽ tìm kiếm những địa điểm tiềm năng trong cùng khu vực.
“Khi mở một cửa hàng thì ngoài việc phục vụ một cộng đồng khách hàng, chúng tôi cũng muốn tạo ra một cộng đồng cho nhân viên của mình, hỗ trợ lẫn nhau tốt hơn. Nếu mở một cửa hàng mà cách đó 10km mới có một cửa hàng nữa thì các bạn ấy sẽ có những khó khăn nhất định. Hay ví dụ khi khách hàng đi uống cà phê tại quán cách 3km thì thích chứ nếu 6km sẽ không muốn đi. Nếu chúng ta có 2-3 cửa hàng, cách nhau trong bán kính 3km, sẽ phục vụ được nhiều khách hàng hơn, các bạn nhân viên cũng hỗ trợ nhau tốt hơn”, bà Patricia Marques nói.