“Đằng nào cũng không đủ tiền mua nhà nên hãy sắm hàng xa xỉ”: Cách MXH thao túng tâm lý khiến Gen Z chốt đơn vô tội vạ, nợ nần thẻ tín dụng

Nguyệt | 17:05 08/05/2024

Nếu không biết kiểm soát thông tin tiếp nhận trên MXH, người trẻ có thể hình thành những suy nghĩ lệch lạc về tiền nong.

“Đằng nào cũng không đủ tiền mua nhà nên hãy sắm hàng xa xỉ”: Cách MXH thao túng tâm lý khiến Gen Z chốt đơn vô tội vạ, nợ nần thẻ tín dụng

Caityn Sprinkle (27 tuổi) là nhà phân tích tài chính tại Tenn, một công ty cung cấp dịch vụ quản lý tại thành phố Nashville (Mỹ). Cô ví nền tảng TikTok là sự kết hợp giữa các chuyên gia kinh tế cảnh báo về tác hại của nợ nần và influencer trẻ tuổi liên tục khoe những chiếc túi xách hàng hiệu, mỹ phẩm xa xỉ vừa mua.

"Người dùng TikTok thường bị áp lực phải mua những mặt hàng được bán trên nền tảng này nếu muốn hòa nhập với mọi người. Bởi lẽ bạn bè xung quanh họ ai cũng làm thế", Caityn Sprinkle nói.

Các chuyên gia cho rằng, áp lực "tiêu dùng để hòa nhập" không phải vấn đề mới trong thời đại của mạng xã hội nhưng chúng nổi bật hơn hẳn trên nền tảng TikTok.

anh-man-hinh-2024-05-07-luc-11-6366-9821-1715058943.png
Ảnh minh họa

Mạng xã hội thao túng tâm lý khiến Gen Z từ bỏ tiết kiệm rồi tiêu dùng vô độ

Theo Wall Street Journal, TikTok được cho là có sức ảnh hưởng lớn và khả năng định hình các quyết định của những người dùng trẻ tuổi. Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, hơn một nửa số người từ 18 đến 34 tuổi ở Mỹ sử dụng TikTok. Khoảng 1/3 người dưới 29 tuổi đang tiếp thu tin tức mỗi ngày trên TikTok và coi đây là nguồn tin chính, gấp hơn ba lần năm 2020.

Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến một vấn đề xã hội nghiêm trọng. Bởi lẽ, không ai biết được điều gì sẽ xảy ra khi "nguồn tin chính" này nói rằng giới trẻ không thể mua nhà, giá thực phẩm tăng vượt kiểm soát và nợ thẻ tín dụng là điều tất yếu. Song song đó, nó cũng thiết lập suy nghĩ cho rằng việc giới trẻ mua hàng xa xỉ, mỹ phẩm cao cấp là "điều phải làm".

Khi bị những luồng thông tin này thuyết phục, người trẻ dễ sa vào thói quen tiêu dùng vô độ, từ bỏ tiết kiệm và ảo tưởng sai về sự nghiệp.

Hai năm sau đại dịch, nền kinh tế đón nhận nhiều dấu hiệu phục hồi như cổ phiếu tăng giá, tiền lương và thị trường lao động thắt chặt. Tuy nhiên, nhiều người lao động dưới 30 tuổi không nghĩ thế. Bởi lẽ, những thông tin mà họ nhìn thấy trên TikTok đang tuyên truyền những điều tiêu cực.

Theo chuyên gia kinh tế và chính những người ở độ tuổi 20, TikTok đang tạo ra sự mất kết nối giữa thực tế và mạng xã hội với người trẻ, nhất là trong lĩnh vực tài chính. Sự mất kết nối này đã làm nảy sinh thuật ngữ "money dysmorphia" (rối loạn tiền bạc). Đây là thuật ngữ được các cố vấn tài chính sử dụng để mô tả quan điểm lệch lạc về tiền nong của thanh niên.

55e71e7598f789ff9647fd8933132baf.jpg
Nếu không biết sử dụng mạng xã hội đúng cách, nhiều người trẻ có thể nảy sinh suy nghĩ lệch lạc về tiền bạc (Ảnh minh họa)

Evelyn Hydalgo (29 tuổi) là nhà sáng tạo nội dung toàn thời gian sau khi mất công việc chuyên gia xã hội một năm trước. Khi cô liên tục chia sẻ bài đăng về chủ đề nuôi con tiết kiệm thì bảng tin TikTok lại gợi ý những món đồ  thời trang xa xỉ đáng mơ ước. Đôi khi, nền tảng này còn giới thiệu một cuộc sống lý tưởng với cô, chẳng hạn như sở hữu một căn nhà rộng lớn, sang trọng.

"Bảng tin TikTok của tôi luôn bị chia làm đôi. Một bên là những người có cuộc sống đáng ghen tỵ và phía còn lại là những người đang gặp khó khăn", Evelyn Hydalgo nói.

Các nhà kinh tế cũng nhận định, cảm xúc yêu - ghét với kinh tế của Gen Z có thể ảnh hưởng đến “sức khỏe tài chính” của họ.  

Jacob Channel, nhà kinh tế học cao cấp tại công ty tài chính Lending Tree, cho biết:  “Cảm giác mông lung với tiền bạc có thể dẫn giới trẻ đến nhiều lựa chọn tồi tệ. Chẳng hạn như dùng thẻ tín dụng quá mức để mua hàng xa xỉ”. Cũng theo Lending Tree, các khoản nợ phi thế chấp của Gen Z (những người sinh năm 1997 đến 2012) đã tăng trung bình 11.000 USD/người, gấp đôi so với hai năm trước.

Thúc đẩy guồng xoay mua sắm không ngừng nghỉ 

Nhiều người dùng TikTok cho biết bảng tin của họ là một vòng lặp vô tận các bài đăng quảng cáo, video khuyến khích mua sắm từ các influencer và cửa hàng ảo. Theo khảo sát của ứng dụng thu thập dữ liệu Citizens Pay, 91% Gen Z đã mua một món đồ quảng bá trên mạng xã hội.

BreAunna Rodriguez (23 tuổi) đang sống ở Houston, bang Texas. Cô thích mua quần áo cho hai con và đồ gia dụng trên TikTok, đặc biệt các món đồ được influencer giới thiệu. "Thật khó cưỡng lại những món đồ được giới thiệu có chất lượng tốt nhưng giá rẻ", cô nói.

Ngoài chuyện mua hàng, TikTok cũng ảnh hưởng lớn đến những quyết định quan trọng khác của Rodriguez. Chẳng hạn vào cuối năm 2022, do được truyền cảm hứng từ những doanh nhân trẻ nổi tiếng trên TikTok, cô đã bỏ công việc trợ lý giám đốc của mình để làm việc tại nhà.

“Tôi thấy một doanh nhân 19 tuổi trên TikTok, cậu ấy chỉ phải làm việc 2 giờ mỗi ngày. Tôi tự hỏi: ‘Làm sao để được như cậu ấy?’”. Rodriguez nói.

74b2053fe66dd3c831f82bf2ae120369.jpg
Ảnh minh họa

Một trường hợp khác, Evan Naar (28 tuổi) đang làm luật sư ở thành phố New York. Anh thường chia sẻ lên TikTok về quá trình bản thân đi xem các show âm nhạc. Gần nhất, anh đã chia sẻ trải nghiệm mình tham gia Eras Tour của Taylor Swift lên nền tảng mạng xã hội này.

Trái ngược với những chuyến đi xa xỉ đáng ngưỡng mộ, Naar đang chịu một khoản nợ sinh viên vài nghìn đô la. Đồng thời, anh cũng muốn tiết kiệm nhiều hơn để mua 1 căn hộ.

"Có một áp lực thường thấy với những người ở độ tuổi của tôi khi phải liên tục chia sẻ những trải nghiệm thú vị này cho mọi người và nhận sự tán dương", Naar nói.  Anh cũng cho biết thêm, hiện đa số tiền lương của anh đều dành để trang trải sinh hoạt phí, đi du lịch và dự liveshow âm nhạc thay vì tiết kiệm để hoàn thành mục tiêu mua nhà.

anh-1.png
Evan Naar liên tục chi tiền cho các chuyến đi chơi xa xỉ đăng lên MXH nhưng ngoài đời, anh vẫn còn khoản vay sinh viên

Nguồn: Wall Street Journal


(0) Bình luận
“Đằng nào cũng không đủ tiền mua nhà nên hãy sắm hàng xa xỉ”: Cách MXH thao túng tâm lý khiến Gen Z chốt đơn vô tội vạ, nợ nần thẻ tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO