Thị trường chứng khoán vừa trải qua tháng 4 giao dịch giằng co với sự phân hoá rõ rệt. Nhiều cổ phiếu chững lại, thậm chí giảm sâu nhưng cũng có không ít cái tên bứt phá mạnh mẽ. Đáng chú ý nhất trong nhóm Bluechips phải kể đến Nhựa Bình Minh (mã BMP) khi cổ phiếu này bất ngờ tăng tốc vượt đỉnh lịch sử thiết lập từ tháng 4/2017.
Liên tục leo dốc, thị giá BMP đã tăng hơn 32% kể từ đầu tháng 4, lên mức 77.300 đồng/cp. Vốn hoá thị trường cũng theo đó tăng thêm 1.550 tỷ đồng chỉ sau một tháng và vượt hơn 6.300 tỷ đồng. Con số này đưa Nhựa Bình Minh tiếp tục duy trì vị thế là doanh nghiệp giá trị nhất ngành nhựa trên sàn chứng khoán.
Cổ phiếu BMP bứt phá mạnh, cổ đông vui nhất có lẽ là The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd - một thành viên của Tập đoàn SCG đến từ Thái Lan. Tổ chức này hiện đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ 55% vốn tại doanh nghiệp đầu ngành nhựa Việt Nam. Ước tính, số cổ phần BMP trong tay người Thái có giá trị thị trường gần 3.500 tỷ đồng.
The Nawaplastic trở thành cổ đông lớn của Nhựa Bình Minh từ đầu tháng 3/2012 sau khi chi ra khoảng 243 tỷ đồng mua vào 5,85 triệu cổ phiếu BMP, tương ứng tỷ lệ 16,72% vốn thời điểm đó. Tổ chức này sau đó chi thêm khoảng 50 tỷ đồng để âm thầm gom thêm cổ phần và nâng sở hữu lên trên 20% vào cuối năm 2012.
“Đại gia” Thái Lan thực sự gây chú ý khi “ôm” trọn lô 24,13 triệu cổ phiếu BMP từ SCIC trong đợt đấu giá cổ phần hồi tháng 3/2018. Với giá trúng bình quân bằng giá khởi điểm 96.500 đồng/cổ phiếu, ước tính The Nawaplastic đã chi ra khoảng 2.300 tỷ đồng cho thương vụ trên. Cổ đông này sau đó không hề giấu diếm tham vọng chi phối Nhựa Bình Minh khi liên tục tăng sở hữu.
Đến giữa năm 2018, tổ chức này đã nắm trên 54% cổ phần sau khi bỏ ra khoảng 130 tỷ đồng để mua thêm cổ phiếu. Vào đầu tháng 3 năm nay, The Nawaplastic tiếp tục chi thêm khoảng 25 tỷ đồng để nâng sở hữu tại Nhựa Bình Minh lên xấp xỉ 55%. Ước tính, tổ chức này đã chi ra tổng cộng khoảng 2.750 tỷ đồng để sở hữu lượng cổ phần BMP như hiện nay. Như vậy, sau hơn 11 năm đầu tư vào Nhựa Bình Minh, cổ đông Thái Lan tạm lãi 750 tỷ đồng, chưa kể cổ tức.
Với truyền thống chi trả cổ tức cao hàng năm, không quá khi cho rằng Nhựa Bình Minh là “con gà đẻ trứng vàng” cho The Nawaplastic. Kể từ khi tổ chức này trở thành cổ đông lớn đầu năm 2012, chưa năm nào doanh nghiệp đầu ngành nhựa Việt Nam quên chia cổ tức bằng tiền. Ước tính, tổng số tiền cổ đông Thái Lan thu về từ các đợt cổ tức của Nhựa Bình Minh có thể lên đến hơn 1.300 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh lập kỷ lục
Với vị thế đầu ngành nhựa, không bất ngờ khi doanh thu của Nhựa Bình Minh liên tục tăng trưởng qua từng năm. Trong một thập kỷ trở lại đây, doanh nghiệp này chỉ ghi nhận doanh thu đi lùi trong duy nhất một năm 2021 khi hầu hết các hoạt động kinh tế bị gián đoạn do ảnh hưởng của Covid-19.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh của Nhựa Bình Minh đã phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Năm 2022 vừa qua, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 5.825 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ và là mức cao nhất từ trước đến nay. Lợi nhuận sau thuế cũng lập kỷ lục 694 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần năm 2021.
Vượt kế hoạch kinh doanh, Nhựa Bình Minh muốn dành gần như toàn bộ (99%) lợi nhuận sau thuế để chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông với tỷ lệ 84%/mệnh giá (8.400 đồng/cp). Trước đó vào ngày 26/10/2022, công ty đã chi gần 254 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 31%. Như vậy, Nhựa Bình Minh dự kiến sẽ chia cổ tức đợt 2 với tỷ lệ 53% (5.300 đồng/cp). Với gần 82 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty sẽ chi khoảng 434 tỷ đồng cho đợt cổ tức này.
Năm 2023, Nhựa Bình Minh kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 6.357 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế lại giảm 6% so với năm trước, xuống còn 651 tỷ đồng. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục phá kỷ lục về doanh thu trong một năm.
Về định hướng trong tương lai, Nhựa Bình Minh cho biết sẽ tiếp tục khẳng định năng lực và vị trí dẫn đầu tại thị trường Việt Nam. Công ty kiên định với định hướng ưu tiên phát triển thị phần và vận dụng linh hoạt chính sách để nâng cao kết quả kinh doanh và phát triển thị phần; tăng cường khả năng cạnh tranh chung thông qua việc đa dạng sản phẩm, mở rộng đối tượng khách hàng, ứng dụng các mô hình, công cụ quản trị tiên tiến kết hợp với việc đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại…
Về phía SCG, “gã khổng lồ” đến từ Thái Lan là một trong những tập đoàn hàng đầu Đông Nam Á với 3 lĩnh vực kinh doanh chính là Xi măng - Vật liệu xây dựng (Cement-Building Materials), Hóa dầu (Chemicals), và Bao bì (Packaging). Tập đoàn bắt đầu hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ năm 1992 và đang từng bước mở rộng đầu tư vào các doanh nghiệp trong cả 3 lĩnh vực trụ cột.
Hiện tại, Tập đoàn SCG có hơn 20 công ty thành viên đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Ngoài Nhựa Bình Minh, “đại gia” Thái Lan còn đầu tư vào nhiều doanh nghiệp tên tuổi khác như Prime Group, Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Bao bì Tín Thành (Batico), Bao bì Biên Hòa (Sovi), Nhựa Duy Tân,…