Đại biểu Quốc hội đề nghị “quản” thuốc lá làm nóng theo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá

Đinh Tịnh – Quang Minh (ghi) | 15:27 13/06/2024

Tháng 5/2024, Nghị trường Quốc hội lại nóng lên với chủ đề do Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu quan điểm cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng và các loại thuốc lá thế hệ mới. Thế nhưng, nhiều ý kiến Đại biểu Quốc hội lại cho rằng: Thuốc lá điện tử cũng là loại hình thuốc lá, vì thế cần có phương án “quản” chứ không nên cấm.

Đại biểu Quốc hội đề nghị “quản” thuốc lá làm nóng theo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá

Ngay sau buổi chất vấn kết thúc, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ ngành, đơn vị liên quan về việc thực hiện kết luận giám sát của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng. Nhiều ý kiến, đồng tình với quan điểm quản, chứ không nên cấm. MarketTimes xin trích đưa một số ý kiến của các Đại biểu Quốc hội về vấn đề trên:

Ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục

“Nếu xác định TLLN là thuốc lá thì nên thực hiện theo Luật PCTHTL”

dbqh-ta-van-ha.jpg

Ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục

Hiện nay việc đưa ra ứng xử đối với Thuốc lá điện tử (TLĐT), Thuốc lá làm nóng (TLLN) cần rõ ràng. Khi có cơ quan cho rằng các sản phẩm này là thuốc lá, nhưng có cơ quan lại nói không phải. Do đó, phải căn cứ theo quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL). Vì thế, cơ quan quản lý định nghĩa, khẳng định rõ đây là thuốc lá, chứ không phải là loại khác.

Tiếp theo, dù biết rõ TLĐT, TLLN là độc hại nhưng cần xác định mức độ độc hại của chúng so với thuốc lá điếu. Đồng thời, cần có nghiên cứu, đánh giá cụ thể để xem từ khi xuất hiện TLĐT, TLLN thì có tác động tăng hay giảm với người sử dụng thuốc lá nói chung. Đồng thời, báo cáo này cũng phải làm rõ sự gia tăng đối tượng sử dụng TLĐT trong thanh thiếu niên, học sinh. Đặc biệt là biến tướng của TLĐT, pha trộn ma túy...

Hiện cả Bộ Công thương (BCT) và Bộ Y tế (BYT) đều có đủ lý luận để đề xuất cấm hoặc thí điểm quản lý thuốc lá mới. Vì thế, quy định cần dựa trên việc phải đảm bảo sức khoẻ, an toàn, quyền lợi ích hợp pháp của người dân.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng

“Đề xuất thí điểm quản lý thuốc lá làm nóng trong 2 năm”

Về các nghiên cứu về mức độ gây hại của thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá làm nóng (TLLN), Bộ Công Thương có bảng so sánh về 4 yếu tố của sản phẩm thuốc lá, bao gồm: có sử dụng nguyên liệu thuốc lá không; có chứa nicotine không; có chất tar (nhựa thuốc) không; và có đốt cháy khi sử dụng không.

Dựa trên 4 tiêu chí này, hiện TLLN được đánh giá là "có sợi thuốc lá, có đầy đủ các chất như thuốc lá", và "chỉ thay đổi cách sử dụng" là dùng thiết bị để nung nóng điếu thuốc đặc chế, mà không đốt cháy như thuốc lá điếu.

Do đó, Bộ Công thương đang chuẩn bị trình Chính phủ theo hướng quản lý thí điểm chỉ áp dụng cho TLLN vì có nguyên liệu thuốc lá, thuộc định nghĩa của Luật PCTHTL và thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Công thương.

Tuy nhiên, để thận trọng BCT chỉ đề xuất thí điểm quản lý TLLN trong 2 năm, thay vì cho kinh doanh rộng rãi như thuốc lá điếu hiện nay. Đối với TLĐT, Bộ Công thuơng cũng đồng thuận rằng cần nghiên cứu thêm, thay vì cho phép lưu hành ngay.

ĐBQH Thái Thị An Chung, Nghệ An

“Đề nghị xem xét sửa luật để kiểm soát TLĐT, TLLN”

dbqh-thai-thi-an-chung.jpg

ĐBQH Thái Thị An Chung, Nghệ An

Tôi đã có phát biểu trước Quốc hội về thực trạng cũng như tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, nung nóng trong thanh thiếu niên. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2024 về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá để kiểm soát cũng như hạn chế việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới.

Bộ Y tế cho rằng khó khăn, vướng mắc hiện nay là Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 chưa điều chỉnh các loại sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện sau khi luật ban hành. Do đó, thiếu một cơ chế pháp lý để nhận diện và quản lý.

Vì tương lai của thế hệ trẻ, tôi rất mong Chính phủ, Bộ Y tế sớm bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2025 về dự Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và có thể áp dụng quy trình xem xét, thông qua.

Thế giới cấm trẻ em sử dụng thuốc lá làm nóng

Vừa qua, trong chuyến thăm và làm việc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Y tế thực hiện đánh giá tác động, ảnh hưởng của thuốc lá điện tử với sức khỏe người dùng, nhất là đối tượng thanh thiếu niên; đồng thời xem xét các hướng dẫn, khuyến nghị của WHO để có hành động, giải pháp quản lý phù hợp.

Theo báo cáo mới nhất của WHO cuối tháng 5/2024, tổ chức này đề xuất các quốc gia áp đặt lệnh cấm việc sử dụng các sản phẩm TLĐT, TLLN đối với đối tượng là trẻ em, đồng thời tăng cường quản lý các sản phẩm dành cho đối tượng người trưởng thành thông qua các biện pháp hạn chế về thuế và kinh doanh.

Báo cáo toàn diện của WHO về nghiên cứu và bằng chứng của các sản phẩm TLLN cũng cho biết, tính đến đầu năm 2024, có 69 quốc gia quy định cụ thể về TLLN dưới dạng thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá mới, thuốc lá không khói, hay các dạng khác. Có 86 quốc gia khác ngầm quản lý TLLN theo quy định của thuốc lá điếu. Tuy nhiên hầu hết các quốc gia này đều áp mức thuế suất cho TLLN thấp hơn đáng kể so với thuốc lá điếu.


(0) Bình luận
Đại biểu Quốc hội đề nghị “quản” thuốc lá làm nóng theo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO