Cứu tinh từ Campuchia, Brazil đổ bộ giúp Việt Nam 'nắm trùm' cả thế giới: Chiếm giữ 60% thị phần toàn cầu, 120 quốc gia liên tục chốt đơn

Như Quỳnh | 22:16 13/09/2024

Thế giới cũng đang thiếu hụt gần 100.000 tấn mặt hàng này so với nhu cầu.

Cứu tinh từ Campuchia, Brazil đổ bộ giúp Việt Nam 'nắm trùm' cả thế giới: Chiếm giữ 60% thị phần toàn cầu, 120 quốc gia liên tục chốt đơn
Ảnh minh họa

Việt Nam nắm lợi thế về nông sản khi nắm giữ loạt mặt hàng xuất khẩu mang về hàng tỷ USD. Đáng chú ý nước ta còn đang sở hữu một mặt hàng đang chiếm đến 60% sản lượng xuất khẩu của thế giới là hồ tiêu. Theo thống kê, hiện cả nước có 100.000 nông dân trồng hạt tiêu, 200 doanh nghiệp xuất khẩu và 35 nhà máy chế biến tiêu.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) hiện ước tính sản lượng tiêu năm 2024 của Việt Nam chỉ đạt khoảng 170.000 tấn, giảm 10% so với năm trước. Đây cũng là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Chính vì vậy bên cạnh nguồn cung trong nước, nước ta còn tăng cường nhập khẩu từ các nhà cung cấp khác nhằm duy trì vị thế xuất khẩu.

Theo thống kê từ VPA, Việt Nam đã nhập khẩu 1.491 tấn tiêu trong tháng 8, tương đương hơn 8,2 triệu USD, giảm 20% về lượng so với tháng trước đó. Trong tháng 8, Brazil là quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Việt Nam, đạt 736 tấn, tăng 808,6% so với tháng trước, tiếp theo là Indonesia và Campuchia.

Lũy kế 8 tháng đầu năm nước ta đã nhập khẩu 21.348 tấn tiêu, kim ngạch đạt hơn 88 triệu USD, tăng 12,3% so với năm trước. Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Brazil đạt 8.058 tấn, giảm 30,5%. Đáng chú ý nhập khẩu từ Campuchia đạt 6.635 tấn, tăng mạnh 96,1% so với cùng kỳ năm trước. Indonesia là thị trường lớn thứ 3 với 4.530 tấn, tăng 95%.

c1.png

Về chủng loại nhập khẩu, nước ta nhập tiêu đen đạt 18.657 tấn, tiêu trắng đạt 2.691 tấn. Các doanh nghiệp nhập khẩu hàng đầu bao gồm: Olam Việt Nam đạt 7.496 tấn, Trân Châu đạt 2.756 tấn và KSS Việt Nam đạt 1.235 tấn.

Theo đánh giá, trên giỏ hàng gia vị thế giới hiện nay hạt tiêu chiếm tỷ trọng lớn, có vai trò quan trọng trong văn hóa ẩm thực. Đặc biệt, sản phẩm hạt tiêu được đẩy mạnh chế biến trong dược phẩm, mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe.
Quy mô thị trường hồ tiêu được định giá 5,43 tỷ USD, dự báo tăng trưởng trung bình hơn 20% trong giai đoạn 2024-2032. Đối với Việt Nam, nước ta xuất khẩu 264.094 tấn hồ tiêu các loại trong năm 2023, kim ngạch 906,5 triệu USD. So với năm 2022, lượng xuất khẩu năm 2023 tăng 13,8%, tuy nhiên kim ngạch giảm 8% do giá xuất khẩu giảm.

Các chuyên gia dự báo, nguồn cung hạt tiêu trên thị trường toàn cầu đang thiết hụt gần 100.000 tấn so với nhu cầu. Trong thời gian tới khi nguồn cung khan hiếm, các quốc gia lại tăng mạnh nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Đỉnh điểm là trong tháng 5 vừa qua, xuất khẩu hạt tiêu của nước ta sang thị trường Trung Quốc đạt 3.137 tấn, tăng gấp 4,8 lần so với tháng trước và là mức cao nhất trong 11 tháng qua.

Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, giá hạt tiêu tại các nước sản xuất sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao do nhu cầu tăng, trong khi nguồn cung từ các nước sản xuất Indonesia, Brazil, Malaysia, Campuchia không đủ bù đắp cho lượng xuất khẩu giảm từ Việt Nam. Hiện người tiêu dùng trên thế giới đang sẵn sàng trả giá cao cho hạt tiêu chất lượng cao.


(0) Bình luận
Cứu tinh từ Campuchia, Brazil đổ bộ giúp Việt Nam 'nắm trùm' cả thế giới: Chiếm giữ 60% thị phần toàn cầu, 120 quốc gia liên tục chốt đơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO