Hòn đảo là một lãnh thổ hải ngoại của Úc, cách thủ phủ Perth của Tây Úc khoảng 3,5 giờ bay về phía tây bắc.
Là một viên ngọc xa xôi ở Ấn Độ Dương gần Indonesia hơn lục địa Úc, vẻ đẹp tự nhiên của Đảo Christmas đã khiến nhiều người gọi nó là "Galapagos của Úc" (Galapagos là quần đảo khác thường với những sinh vật không nơi nào có).
Mặc dù hòn đảo này tương đối nhỏ nhưng nơi đây có những vách đá ấn tượng, rừng và rặng san hô phát triển mạnh cùng với hơn 250 loài đặc hữu.
"Đó là một hòn đảo rất đặc biệt. Chúng tôi có một cộng đồng sôi động, xinh đẹp và hài hòa ở một nơi nhỏ bé và biệt lập như vậy," Lai, một cư dân lớn lên trên đảo, nói. Cô chuyển đến Perth vào năm 1997 khi mới 15 tuổi để hoàn thành chương trình trung học rồi học đại học.
Dù hiện tại đang sống lâu dài ở Perth, Lai vẫn thường xuyên trở lại Đảo để làm việc, thăm gia đình và bạn bè thời thơ ấu.
Khoảng 22% trong số khoảng 1.700 cư dân trên đảo có tổ tiên là người Hoa, 17% người Úc, 16,1% người Mã Lai, 12,5% người Anh và 3,8% người Indonesia, theo điều tra dân số năm 2021. Kết quả là, hàng ngày người ta thường nghe nhiều ngôn ngữ khác nhau bao gồm tiếng Anh, tiếng Quan thoại, tiếng Mã Lai, tiếng Quảng Đông, tiếng Mân Nam và tiếng Tagalog (từ Philippines).
“Chúng tôi được khuyến khích nói ngôn ngữ của mình khi còn nhỏ và chia sẻ nó với những người khác,” Lai nói. Bản thân cô nói được 4 thứ tiếng là tiếng Anh, tiếng Quảng Đông, tiếng Quan Thoại và tiếng Bahasa Melayu từ Malaysia.
Nguồn gốc cái tên Christmas
Đảo Christmas đã trở thành một phần của Úc vào năm 1958. Sự đa dạng của hòn đảo này có liên quan trực tiếp đến hoạt động khai thác mỏ thời thuộc địa và Thế chiến II.
Công ty Đông Ấn của Anh lần đầu tiên phát hiện ra hòn đảo vào ngày Giáng sinh năm 1643. Đây chính là nguồn gốc của cái tên Christmas được đặt cho hòn đảo. Sau khi phát hiện ra các mỏ phốt phát có giá trị, người Anh đã sáp nhập lãnh thổ này vào năm 1888.
Hoạt động khai thác bắt đầu ngay sau đó, với các hoạt động chủ yếu dựa vào lao động người Trung Quốc, Malaysia và người Sikh làm việc trong điều kiện khắc nghiệt.
Năm 1942, trong Thế chiến II, quân đội Nhật Bản chiếm Đảo Christmas. Theo Chính phủ Úc, vào năm 1943, một nửa dân số đã bị gửi đến các trại tù ở Indonesia.
Sau chiến tranh, người dân trên đảo trở về từ Indonesia cùng với vợ hoặc con, điều này càng làm tăng thêm cấu trúc đa văn hóa của hòn đảo.
Hòa mình với thiên nhiên
Khoảng 64% diện tích của hòn đảo vẫn là đất công viên quốc gia được bảo vệ và là ngôi nhà quan trọng của nhiều loài, từ cua dừa khổng lồ đến chim bồ câu hoàng đế Christmas có màu ngọc lục bảo và chim bosun vàng thanh lịch.
“Có thể nhìn thấy nhiều loài động vật hoang dã tuyệt với,” Lauren Taylor nói. Cô là người quản lý trường học bán thời gian chuyển từ Dunsborough, Tây Úc, cùng chồng đến làm việc tại trường duy nhất trên đảo là Trường Trung học Quận Christmas Island.
“Chúng tôi ngồi trên thuyền và nhìn thấy một con rùa. Vợ chồng tôi nhảy xuống nước để bơi cùng nó nhưng đang bơi thì có một con cá mập voi lao tới. Đáng sợ thật đấy, nhưng khi bình tĩnh lại thì lại thấy rất tuyệt vời.”
Trên hết, cuộc di cư nổi tiếng của cua đỏ bắt đầu khi mùa mưa bắt đầu vào khoảng tháng 11 mới là điểm thu hút khách du lịch lớn nhất của hòn đảo. Trong thời gian này, ước tính có khoảng 40 triệu đến 50 triệu con cua đỏ nhỏ đi ngang qua đảo, bò trên đường, ô tô và phủ kín các bãi biển trong sắc đỏ.
Đó là một cảnh đẹp từ xa nhưng không phải lúc nào cũng dễ sống.
"Cảnh tượng giống như có hàng triệu con nhện nhỏ li ti ở khắp mọi nơi. Tôi có niềm đam mê lớn với sự kỳ diệu của tạo hóa nhưng hồi còn sống trên đảo, tôi nhớ mình từng phải đi ngủ mà chùm chăn trên đầu để đảm bảo không có cái gì chui vào tai mình.” Lai nói.
Cư dân sử dụng cào để nhẹ nhàng quét chúng ra khỏi đường và thậm chí còn xây dựng các đường dành cua, hướng dẫn các loài giáp xác nhỏ lên và qua đường vào rừng.
Taylor nói: “Một lần di cư của cua, những con cua con đã đi qua nhà của chúng tôi. Có đến hàng triệu con. Chúng sẽ rơi ra khỏi quạt thông gió trên mái nhà phía trên nhà vệ sinh. Chúng tôi phải đội một cái xô trên đầu để chúng rơi vào đó.”
Đau đầu chuyện logistic
Mặc dù hầu hết thời gian sống ở đây khá dễ chịu nhưng người dân lại gặp phải những thách thức. “Khó khăn lớn nhất là chi phí đi lại. Mọi người phải chật vật dể bay vào đất liền,” Amanda Clarke nói với CNN Travel.
Clarke quản lý một ki-ốt bán đồ ăn nhẹ ngoài trời trong rạp chiếu phim có tên Paradise Pizza and Takeaway. Cô chuyển đến hòn đảo này vào năm 2019 cùng người chồng đang làm giám đốc điều hành của sân bay.
Hãng hàng không Virgin Australia chỉ cung cấp hai chuyến bay mỗi tuần giữa Perth và Đảo Christmas.
Clarke than phiền rằng ngoài các vấn đề như không thường xuyên, không đáng tin cậy, thường xuyên bị hoãn hoặc hủy chuyến do thời tiết, các chuyến bay còn đắt đỏ, có giá tới 1.200 USD hoặc 1.400 USD khứ hồi.
Mua sắm quần áo, tã lót và thực phẩm cũng có thể là vấn đề.
Taylor cho biết: "Đối với những dịp đặc biệt như sinh nhật và Giáng sinh, bạn cần lên kế hoạch trước ba tháng để đảm bảo quà sẽ đến kịp thời. Khi bọn trẻ còn nhỏ, chúng tôi luôn đặt mua tã lót cỡ lớn hơn do hàng hóa bị vận chuyển chậm.”
Khi nói đến thực phẩm tươi sống, hòn đảo này chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu. Taylor nói: “Cách chủ yếu để lấy thực phẩm là bằng tàu thủy cách 6-8 tuần/lần. Nhưng khi sóng to, thuyền không thể cập bến. Có một chuyên cơ chở hàng hai tuần một lần, nhưng nó đắt gấp đôi.”
Giáng sinh trên đảo Giáng sinh
Không có gì lạ khi ta tò mò chuyện Giáng sinh trên đảo Christmas sẽ ra sao.
Vào cuối tháng 12, thời tiết dao động giữa những ngày nắng đẹp và mưa lớn, và cuộc di cư của cua thường diễn ra mạnh mẽ.
Năm nay, cộng đồng đã trang trí bùng binh trung tâm gần vịnh nhỏ bằng đèn Giáng sinh và tuần lộc. Sau đó, có Cuộc chạy Lolly của Rock Riders (mọi người hóa trang thành ông già Noel và đi xe đạp "Postie") sẽ phân phát túi quà cho trẻ em.
Taylor cho biết: “Những ngày nghỉ này chúng tôi sẽ dành thời gian trên thuyền để ngắm những con cá mập voi đến…ăn những con cua.”
Cô cũng mong được dành ngày 25/12 trên bãi biển cùng gia đình và tham gia Lễ Giáng sinh cho Trẻ mồ côi trên đảo, tổ chức một bữa trưa cho cộng đồng tại Vịnh Flying Fish.
Tham khảo CNN