Mơ về cuộc sống màu hồng khi mua chung căn hộ với bạn thân
Không ít những đôi bạn thân thường có ước mơ dọn về ở chung trong một căn nhà. Song thực tế, đó không phải là cuộc sống màu hồng như những gì nhiều người vẫn thường nghĩ. Trường hợp của đôi bạn thân Tiểu Lý và Tiểu Quyên (Vũ Hán, Trung Quốc) là một ví dụ.
Sau 8 năm sống ở thành phố, Tiểu Lý có mong ước mua một căn hộ 2 phòng ngủ vì đã chán cảnh ở thuê. Chỉ có một khoản tiền tiết kiệm nhỏ trong tay, cô chẳng đủ tiền đặt cọc.
Lúc này cô đã nghĩ đến chuyện góp tiền mua chung một căn hộ với Tiểu Quyên. Vốn dĩ là mong ước lâu nay của cả 2, Tiểu Quyên không suy nghĩ nhiều mà đồng ý ngay khi đó. Sau khi khảo sát, họ quyết định mua trả góp căn hộ 2 phòng ngủ với giá 900.000 NDT (khoảng 2,9 tỷ đồng).
Trong 6 tháng đầu, cuộc sống ở chung diễn ra theo đúng như như những gì cả 2 mong ước. Thậm chí, ở thời điểm đó, Tiểu Lý còn cho rằng đây là quyết định sáng suốt nhất mình từng đưa ra. Tuy nhiên, mọi chuyện dần khác khi 1 trong 2 người có bạn trai và đi đến kết hôn.
Lợi ích ảnh hưởng mâu thuẫn nảy sinh
Sau một thời gian yêu nhau, Tiểu Quyên đăng ký kết hôn và dọn đến căn hộ chồng mình đã mua. Còn ngôi nhà cô mua cùng Tiểu Lý là một khoản vay thế chấp nên cả 2 cần phải có trách nhiệm trả gốc và lãi cho ngân hàng hàng tháng.
Có cuộc sống ở căn nhà mới, căn phòng trước đây cô từng ở hoàn toàn để trống. Nhận thấy bản thân vẫn phải trả tiền nhà nhưng không ở, cô đã nghĩ đến chuyện cho thuê căn phòng của mình để bù đắp khoản vay.
Đề xuất ý kiến này với Tiểu Lý, cô bị từ chối. Tiểu Lý cho rằng cô không thể sống chung trong căn nhà có người lạ bởi mọi thứ sẽ bị đảo lộn. Tuy nhiên Tiểu Quyên cũng có cái lý của mình khi cho rằng bản thân góp tiền mua căn nhà đến khi không ở cô lại chẳng được cho thuê.
Cảm thấy khó xử, Tiểu Lý đề xuất bán nhà để cả 2 sẽ không còn phải lo lắng về khoản tiền phải trả hàng tháng. Tuy nhiên, Tiểu Quyên lại không đồng ý. Vì cô mong muốn giữ lại căn nhà này như một loại tài sản nhằm đảm bảo an toàn cho tương lai.
Trong hợp đồng giao kèo mua bán nhà gồm cả tên của 2 người được kí kết. Điều đó đồng nghĩa căn nhà sẽ không thể bán cho người thứ 3 nếu một trong 2 người là Tiểu Quyên và Tiểu Lý không đồng ý.
Dường như không còn cách nào, Tiểu Lý đã đề xuất người bạn thân mua lại toàn bộ căn nhà. Từ đây cô có thể toàn quyền quyết định về việc cho thuê. Tuy nhiên, Tiểu Quyên không đồng ý bởi số tiền để sở hữu căn nhà này quá lớn so với khả năng chi trả.
Ai cũng mong muốn tối đa hoá lợi ích của mình. Tiểu Quyên muốn tận dụng phòng trống để cho thuê nhằm bù đắp khoản vay. Trong khi đó, Tiểu Lý lại không muốn có người lạ vào nhà vì lo lắng đảo lộn cuộc sống.
Không thể dung hoà, mối quan hệ của cả 2 dần trở nên lạnh nhạt. Những cuộc hẹn đi chơi cũng không còn. Cả hai luôn cố gắng lảng tránh và không muốn gặp gỡ. Họ chỉ nhắn tin chuyển tiền mỗi khi đến ngày phải trả tiền ngân hàng.
“Chúng tôi từng chung sống hạnh phúc trong căn nhà này. Ở thời điểm đó, mỗi dịp cuối tuần, cả 2 thường tổ chức những bữa tiệc nhỏ rồi cùng nhau xem phim đến khuya. Tuy nhiên, bây giờ, chúng tôi không thể làm được như vậy”, Tiểu Lý chia sẻ.
Ngôi nhà từng khiến cả 2 vô cùng hạnh phúc và mang đến cảm giác an toàn. Tuy nhiên, giờ đây, nó khiến đôi bạn thân này rơi vào những rắc rối không đáng có.
Nhiều người cho rằng hùn hạp làm ăn hay chung tiền đầu tư, mua bán với bạn bè là lựa chọn khôn ngoan. Bởi cả hai đã có sự tin tưởng và hiểu ý nhau. Ngay cả khi gặp bất kỳ khó khăn nào họ cũng không quá hoảng sợ. Bởi cả hai đều đặt niềm tin rằng người ngồi chung thuyền với mình sẽ đi đến cùng để cập bến an toàn.
Tuy nhiên, thực tế, khi hợp tác có lãi, mối quan hệ sẽ được duy trì. Nhưng khi lợi ích bị ảnh hưởng, mối quan hệ khó có thể bền chặt. Bởi, bản chất con người là ích kỷ. Ai cũng ưu tiên lợi ích của mình lên hàng đầu thay vì nhún nhường trước đối phương.
Theo Toutiao