‘Cú sốc’ văn hóa của Foxconn tại Ấn Độ: Công nhân địa phương khó giao tiếp, ghét chịu áp lực, kỹ sư nước ngoài phải ăn KFC, McDonald's vì không hợp khẩu vị

Huệ Anh | 09:16 02/12/2023

Phóng viên trò chuyện với hơn 20 công nhân dây chuyền lắp ráp, kỹ thuật viên, kỹ sư và quản lý - tất cả đều yêu cầu được giấu tên vì lý do riêng tư. Mọi khó khăn, xung đột văn hóa trong hơn 1 năm qua dần được hé lộ.

‘Cú sốc’ văn hóa của Foxconn tại Ấn Độ: Công nhân địa phương khó giao tiếp, ghét chịu áp lực, kỹ sư nước ngoài phải ăn KFC, McDonald's vì không hợp khẩu vị
cover-2.png

Ngày rời quê nhà tới Tamil Nadu, Ấn Độ, kỹ sư người Trung Quốc Li Ha không biết điều gì sẽ xảy ra. Quản lý nhà máy iPhone Foxconn lúc bấy giờ khuyến khích các tình nguyện viên đi công tác tạm thời ở Ấn Độ và Li nhanh chóng xung phong. 

“Tôi muốn ra ngoài và thăm thú mọi thứ”, Li nói với Rest of World.

Foxconn tổ chức một buổi đào tạo ngắn về văn hóa. Tại đây, Li được dạy một số kiến thức về tôn giáo, chẳng hạn như phải nói “làm ơn” khi giao tiếp với các đồng nghiệp Ấn Độ.

Vừa lo lắng vừa phấn khích, Li mang theo hộ chiếu đặt chân lên chuyến bay đầu tiên trong đời. Điểm đến là Sunguvarchatram - trung tâm công nghiệp đặt tại ngoại ô Ấn Độ. 

Foxconn từ lâu đầu tư rất nhiều vào nhà máy iPhone đặt tại Sunguvarchatram. Tuy nhiên, do chi phí nguyên vật liệu cao, cộng thêm tỷ lệ điện thoại bị lỗi không hề nhỏ, những chiếc iPhone sản xuất tại Sunguvarchatram mang lại lợi nhuận tương đối thấp.

Đầu năm nay, trong nỗ lực cải thiện sản xuất cũng như tăng năng lực tạo ra iPhone 15, Foxconn cử thêm nhân lực từ Trung Quốc đến Sunguvarchatram giúp sức. Anh Li nằm trong nhóm tình nguyện này. 

Dưới sự hỗ trợ của các ứng dụng ngôn ngữ, Li và hàng trăm đồng nghiệp Trung Quốc khác được giao nhiệm vụ giúp lực lượng lao động Ấn Độ hiểu sâu hơn về quy trình vận hành cũng như sự phức tạp của ngành sản xuất điện tử.

Cuối tháng 8, phóng viên Rest of World đã đến Sunguvarchatram, nơi Foxconn và các nhà cung cấp khác của Apple đang làm việc hết công suất trước khi ra mắt iPhone 15. Họ trò chuyện với hơn 20 công nhân dây chuyền lắp ráp, kỹ thuật viên, kỹ sư và quản lý - tất cả đều yêu cầu được giấu tên vì lý do riêng tư. Mọi khó khăn, xung đột văn hóa trong hơn 1 năm qua dần được hé lộ. 

quote-4-1.png
tit-1.png

Cứ sau 8 giờ tối , đường phố Sunguvarchatram lại trở nên đông đúc lạ thường khi những chiếc xe buýt lớn tới đón công nhân nhà máy. Một số chọn lên xe, số khác nhảy xe máy hoặc xe kéo 3 bánh. 

Được biết, các nhà sản xuất ô tô nước ngoài đã tới Sunguvarchatram mở nhà máy. Bắt đầu từ những năm 2000, nhiều hãng sản xuất công nghệ Đài Loan bắt đầu hoạt động, trong đó có Foxconn và đối thủ cạnh tranh Wistron.

Hiện khu vực vẫn đang trong quá trình chuyển đổi từ một thị trấn nông nghiệp sang trung tâm sản xuất toàn cầu. Những cánh đồng bỏ hoang nằm xen kẽ khuôn viên nhà máy công nghệ cao lẫn ký túc xá phục vụ hàng nghìn công nhân dây chuyền lắp ráp.

Sự phát triển của Sunguvarchatram chính là niềm vui của Thủ tướng Narendra Modi. Vào năm 2014, trong một bài phát biểu của mình, ông nói: “Tôi muốn kêu gọi mọi người trên khắp thế giới, hãy đến đây và sản xuất tại Ấn Độ”. 

quote-1-1.png

Theo Bloomberg, kế hoạch đầu tư của Foxconn bao gồm nhà máy sản xuất rộng hơn 120ha nằm gần sân bay ở Bengaluru (Ấn Độ). Nhà máy này nhiều khả năng sẽ lắp ráp iPhone cho Apple và có thể tạo ra 100 nghìn việc làm.

Tháng 8 vừa qua, Chủ tịch Foxconn Young Liu cũng tiết lộ công ty đang lên kế hoạch đầu tư thêm “vài tỷ USD” vào quốc gia tỷ dân và bắt đầu sản xuất các bộ phận quan trọng cho thiết bị điện tử tiêu dùng và một số bộ phận xe điện vào năm tới tại Karnataka, Telangana và Tamil Nadu.

Theo chính phủ, đầu tư nước ngoài hàng năm đã tăng gấp đôi kể từ khi chính sách Make in India được ban hành. Lĩnh vực sản xuất tăng nhẹ trong khoảng thời gian từ 2003 đến 2018, trong khi sản xuất công nghệ một lần nữa trở thành điểm sáng. Các công ty như Foxconn, Samsung và Salcomp đều tới đây mở rộng hoạt động. 

Kể từ sau cuộc khủng hoảng ở Trịnh Châu, Apple đa dạng hóa đối tác sản xuất và đẩy nhanh kế hoạch mở rộng sang Ấn Độ. Foxconn cũng đang trong quá trình tăng gấp đôi nhân lực lao động tại nước này để đáp ứng đủ nhu cầu. 

Foxconn bắt đầu sản xuất iPhone XR tại Sunguvarchatram từ năm 2019. Ngày Li đến vào đầu năm 2023, nhà máy này đã chuyển sang làm iPhone 14 và hiện đang nằm gọn trong một khuôn viên rộng 60ha - nơi Foxconn sản xuất điện thoại cho rất nhiều các thương hiệu khác. 

Khi ngành sản xuất điện tử bắt đầu phát triển ở Trung Quốc vào những năm 1980, phụ nữ nông thôn chiếm phần lớn lực lượng lao động tại các nhà máy. Theo Jenny Chan, nhà xã hội học tại Đại học Bách khoa Hồng Kông (Trung Quốc), các công ty như Foxconn thích thuê phụ nữ bởi tin rằng họ dễ bảo.

Sau 30 năm, thực tế trên thay đổi. Hầu hết các công nhân lắp iPhone ngày nay ở Trung Quốc đều là nam giới. Phụ nữ đã chuyển sang làm các công việc trong lĩnh vực dịch vụ ít vất vả hơn. 

Tuy nhiên, tại Ấn Độ, Foxconn và các nhà sản xuất điện tử khác lại quay về tuyển dụng lực lượng lao động là nữ giới. Công ty hỗ trợ thức ăn, chỗ ở và xe buýt miễn phí để đảm bảo việc đi lại được an toàn và đổi lại, phụ nữ sống trong ký túc xá Foxconn phải xin phép nếu muốn qua đêm ở nơi khác. 

quote-5-1.png

 “Nếu họ ra ngoài và không trở về đúng giờ đã xin phép, cha mẹ họ sẽ được thông báo”, một cựu giám đốc nhân sự của Foxconn nói.

Padmini là một ví dụ điển hình. Lớn lên là một trong năm anh chị em, cô nhận công việc tại Foxconn vào năm 2021. Thời gian đầu, mọi thứ thật choáng ngợp. “Tôi thậm chí còn không biết nhíp là gì. Tôi không biết cách sử dụng nó”, Padmini nói và cho biết mình hiện đang ở trong một căn hộ một phòng ngủ khiêm tốn ở Sunguvarchatram với 8 người phụ nữ khác. Mỗi người phải trả 1.250 rupee (15 USD) tiền thuê nhà. 

“Có một chút khó khăn,” Padmini nói và cho biết mình hiếm khi gặp các bạn cùng phòng bởi họ được phân chia lịch ca kíp khác nhau.

t2.png

Khi mới đến Ấn Độ, Li và các đồng nghiệp gặp khó khăn trong giao tiếp. Tiếng anh được sử dụng thường xuyên song phía người dân địa phương lại không thể phát âm những từ đơn giản. Li đã phải luôn mang theo bên mình cuốn sổ để ghi lại những từ đồng nghiệp Ấn muốn nói. 

Rào cản ngôn ngữ trở nên rõ ràng nhất khi công nhân nhà máy phải làm việc với thiết bị - thứ vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc. 

“Tất cả các máy đều có tiếng Trung Quốc. Quy trình vận hành tiêu chuẩn, hướng dẫn công việc - tất cả đều bằng tiếng Trung. Ngay cả phần mềm cũng vậy”, một quản lý cấp cao người Ấn Độ nói. “Ngay cả ‘nút khẩn cấp’ cũng sẽ được viết bằng tiếng Trung Quốc”. 

quote-2-1.jpg

Chính vì vậy, nhiệm vụ của các kỹ sư Trung Quốc là hỗ trợ đồng nghiệp người Ấn hiểu cách vận hành và sửa chữa máy móc thông qua sự trợ giúp của các ứng dụng dịch thuật. Tuy nhiên, điều này không dễ thực hiện chút nào. 

Một công nhân Foxconn Trung Quốc từng tỏ ra rất thất vọng với một kỹ thuật viên cấp dưới người Ấn Độ bởi anh này liên tục không thể xử lý các trục trặc kỹ thuật. Các công nhân Ấn Độ ban đầu không thể hiểu vì sao đồng nghiệp Trung Quốc lại buồn bực và khó chịu đến vậy.

Năm nay, lần đầu tiên, Apple muốn sản xuất mẫu iPhone mới đồng thời ở cả Trung Quốc và Ấn Độ. Sản xuất thử nghiệm – giai đoạn đặc biệt khó khăn trong chu trình sản xuất iPhone – sẽ bắt đầu vào khoảng tháng 4. 

Cùng tháng đó, chính quyền Tamil Nadu gửi tín hiệu chào đón Foxconn và các nhà sản xuất khác bằng quy định mới: tăng thời gian làm việc từ 8 tiếng lên 12 tiếng mỗi ngày. Điều này có lợi cho Foxconn song với công nhân địa phương thì chẳng khác nào ‘ác mộng’. 

“Tôi sẽ chết nếu phải làm việc 12 giờ mỗi ngày”, một công nhân nói. 

quote-6-1.png

Trong khi đó, đối với những người lao động nước ngoài, tốc độ hoạt động chậm chạp tại nhà máy Ấn Độ là một ‘cú sốc văn hóa’. Một quản lý cho biết ca làm việc 8 giờ theo tiêu chuẩn toàn ngành là lực cản đối với hoạt động sản xuất. “Bạn vừa mới ổn định chỗ ngồi thì giờ nghỉ giải lao tiếp theo đã đến”, người quản lý than thở.

Tại Trung Quốc, Foxconn đưa ra các khoản thưởng hấp dẫn để nhân viên làm việc 11 giờ mỗi ngày. Trái lại, các đồng nghiệp người Ấn từ chối cống hiến quá mức. Họ muốn được nghỉ ngơi nhiều hơn. 

“Họ dễ hài lòng với cuộc sống”, một kỹ sư nói. “Họ không thể chịu được áp lực nhưng nếu cứ tiếp diễn như thế này, chúng ta sẽ không thể giải quyết ổn thỏa mọi việc và chuyển hoạt động sản xuất về đây”. 

quote-3-1.png

Theo lời kể của một số quản lý nước ngoài, công nhân Ấn Độ thường xuyên xin nghỉ phép. Bản thân họ cũng hay đến muộn trong các cuộc họp. 

“Họ biết cách làm nhưng họ làm chậm”, một nhân viên nói. “Họ thậm chí còn đi bộ chậm nữa”.

Trong khi đó, tại các nhà máy của Foxconn ở Trung Quốc, mọi người cố gắng hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, hy sinh ngày nghỉ phép và ở lại muộn để gây ấn tượng với quản lý. 

Theo Rest of World, hầu hết các kỹ sư nam người Trung Quốc sẽ sống biệt lập với cộng đồng địa phương. Foxconn thuê cho họ khu chung cư cao cấp có tên Hiranandani Parks - một tòa tháp 27 tầng.

Vào buổi tối, những người này thường xuyên tới nhà hàng, chạy bộ quanh khu hoặc gọi điện về cho con cái, cha mẹ ở quê. Vào Chủ nhật, Foxconn sẽ cử xe buýt đưa đón nhân viên tới trung tâm mua sắm ở Chennai để giải trí. 

Chia sẻ với phóng viên, Li thừa nhận mình không đồ ăn Ấn Độ. Anh đã thử một vài món ăn địa phương nhưng nhanh chóng từ bỏ, quyết định sẽ ăn KFC và McDonald's tới khi hoàn thành chuyến công tác. 

quotee-7-1.png

Rất may, tại nhà máy, Foxconn có một căng tin thực phẩm đồ Trung hoa. Các đầu bếp Ấn Độ sẽ được đào tạo đặc biệt chế biến các món ăn truyền thống như thịt lợn hầm hoặc cà chua xào trứng. Giá 3 bữa ăn mỗi ngày là 60 USD. 

Bất chấp những tranh cãi đôi khi xảy ra trong ca làm việc, các đồng nghiệp Trung Quốc và Ấn Độ vẫn vui vẻ giao lưu với nhau ngoài giờ làm việc. Họ thường đến Công viên Hiranandani để dự lễ hội, tham gia tiệc cuối tuần hoặc cùng gọi điện về cho gia đình để hỏi thăm sức khỏe. 

Theo: Rest of World 


(0) Bình luận
‘Cú sốc’ văn hóa của Foxconn tại Ấn Độ: Công nhân địa phương khó giao tiếp, ghét chịu áp lực, kỹ sư nước ngoài phải ăn KFC, McDonald's vì không hợp khẩu vị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO