'Cơn sốt' gom vàng vẫn khuấy đảo thế giới: Các ngân hàng trung ương 'không hứng thú' với vàng nay cũng mua mạnh, có kế hoạch dùng vàng để mua dầu

An Chi | 15:06 12/09/2024

Kitco News cho biết, ngoài ngân hàng trung ương của các thị trường mới nổi và đang phát triển, một số quốc gia châu Phi cũng đang tăng dự trữ vàng nhằm đa dạng hoá và có sự ứng phó trước những bất ổn kinh tế, địa chính trị.

'Cơn sốt' gom vàng vẫn khuấy đảo thế giới: Các ngân hàng trung ương 'không hứng thú' với vàng nay cũng mua mạnh, có kế hoạch dùng vàng để mua dầu

Ghana và Uganda đã mua vàng từ các công ty khai thác trong nước để tăng lượng dự trữ ngoại tệ đang sụt giảm. 

Ghana là quốc gia sản xuất vàng lớn nhất châu Phi. Phần lớn sản lượng của quốc gia này được khai thác và bán với các công ty khai thác đa quốc gia. Song, nước này đang có kế hoạch thanh toán cho các giao dịch mua dầu từ các nước khác bằng vàng được khai thác trong nước, nhằm giảm áp lực với đồng nội tệ và kiềm chế giá nhiên liệu tăng cao. 

Tháng trước, quan chức lãnh đạo cơ quan quản lý khai thác của Ghana thông báo mỏ khai thác mới quy mô lớn sẽ đi vào hoạt động sau hơn 1 thập kỷ vào tháng 11, với sản lượng dự kiến hàng năm là hơn 350.000 USD/ounce. Mỏ Cardinal Namdini thuộc sở hữu của Cardinal Resources, một công ty thuộc Shandong Gold, đã nhận được giấy phép cho cơ sở này vào năm 2020. 

Carlos Lopes, giáo sư tại Trường Quản trị Công Nelson Mandela, ở Nam Phi cho biết các ngân hàng trung ương châu Phi mua vàng vì họ muốn bảo vệ đồng nội tệ. Lopes nói: “Trong vài năm qua, do lạm phát và ảnh hưởng của các biện pháp kích thích, lợi nhuận đầu tư nói chung là rất thấp. Hơn nữa, giá vàng tăng vì các ngân hàng trung ương lớn mua tài sản này, nên vàng là khoản đầu tư tốt.” 

Trong những năm gần đây, giá vàng đã tăng đáng kể. Năm 2020, giá vàng là 1.500 USD/ounce, nay giao dịch trên 2.500 USD/ounce, tức là tăng 69%. 

Sản lượng vàng của châu Phi cũng đang tăng lên. Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), sản lượng vàng của châu lục tăng 60% kể từ năm 2010, cao hơn gấp đôi so với trung bình toàn cầu là 26%. Tuy nhiên, không nhiều trong số vàng này được đưa vào các ngân hàng trung ương châu Phi, đặc biệt là ở khu vực cận Sahara. 

Ngân hàng Dự trữ Nam Phi (SARB), nắm giữ 125,44 tấn vàng thỏi trị giá 9,4 tỷ USD, chiếm 15,13% tổng dự trữ ngoại tệ và Ngân hàng trung ương Mauritius có 12,42 tấn vàng thỏi trị giá 930,5 triệu USD, tương đương 11,36% tỷ trọng kho dự trữ. Song, đây là những quốc gia ngoại lệ. Theo WGC, không có quốc gia cận Sahara nào nắm giữ vàng ở mức 1%.

Ngay cả các quốc gia phát triển và hội nhập kinh tế nhiều hơn ở Bắc Phi cũng chỉ có 2 quốc gia có trữ lượng vàng ở mức đáng kể. Ngân hàng trung ương Ai Cập có 126,57 tấn vàng trị giá 9,5 tỷ USD, tương đương 21,43% tổng trữ lượng. Tunisia nắm giữ 6,84 tấn vàng, tương đương 6,14%. Morocco, Libya và Algeria không có vàng. 

Bright Oppong Afum, giảng viên cao cấp tại Đại học Mỏ và Công nghệ ở Ghana, cho biết các quốc gia châu Phi đang tìm đến vàng để giảm sự phụ thuộc của họ vào hệ thống tài chính toàn cầu. Theo ông, nếu các lệnh trừng phạt được áp dụng, các quốc gia châu Phi sẽ phải chịu hậu quả rất lớn. 

WGC cho biết các nước nên duy trì dự trữ vàng để nắm giữ giá trị lâu dài, có thanh khoản trong thời kỳ khủng hoảng và vai trò của kim loại này như công cụ đa dạng hoá. 

Tham khảo Kitco News


(0) Bình luận
'Cơn sốt' gom vàng vẫn khuấy đảo thế giới: Các ngân hàng trung ương 'không hứng thú' với vàng nay cũng mua mạnh, có kế hoạch dùng vàng để mua dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO