Thị trường chứng khoán khởi đầu phiên 24/2 với cú tăng tốc bất ngờ của nhóm cổ phiếu thép. Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG), Nam Kim (NKG), VNSteel (TVN), Tôn Đông Á (GDA)… đều đồng loạt tăng mạnh, thậm chí chạm trần. Diễn biến xảy ra sau khi Bộ Công Thương áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép HRC có xuất xứ Trung Quốc.

Ngày 21/2/2025, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 460 ⁄QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Cộng hòa Ấn Độ (Ấn Độ) và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc). Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng với hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc là từ 19,38% đến 27,83%. Quyết định sẽ có hiệu lực sau 15 ngay ban hành.
Trong quá trình điều tra vụ việc, thực hiện theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tác động của hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu đối với hoạt động của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Ấn Độ và Trung Quốc.
Kết quả điều tra cho thấy, mặc dù có tồn tại hành vi bán phá giá nhưng do tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa bị điều tra từ Ấn Độ ở mức không đáng kể (dưới 3%). Vì vậy, theo quy định tại khoản 3 Điều 78 Luật Quản lý ngoại thương, hàng hóa bị điều tra từ Ấn Độ được loại khỏi phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời.

Nhận định về ngành thép năm 2025, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích ngành và cổ phiếu, Công ty CP Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho biết, xu hướng sẽ tích cực trong năm 2025. Trong đó, kỳ vọng trong năm 2025 về chính sách thuế, bảo hộ thương mại của Việt Nam đối với thép Ấn Độ, Trung Quốc cũng sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho ngành thép.
Bên cạnh đó, chuyên gia VPBankS cho rằng nhu cầu sử dụng thép trong nước sẽ có sự phục hồi đáng kể trở lại trong năm 2025, dựa trên nền thấp của 2023 – 2024 và sự phục hồi của thị trường bất động sản cũng như việc đầu tư công được đẩy mạnh. Ngoài ra, giá đầu vào bao gồm quặng, than cốc… đang có sự điều chỉnh giảm tương đối sâu so với năm 2023. Giá sản phẩm đầu ra cũng giảm, nhưng không sâu như giá đầu vào, giúp cải thiện biên lợi nhuận ngành thép nói chung.
Đồng quan điểm, chuyên gia FPTS dự báo sản lượng bán hàng sản phẩm thép toàn ngành năm 2025 là 32,5 triệu tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Điểm rơi tăng trưởng tiêu thụ thép dự báo trong hai quý đầu năm khi các dự án xây dựng dân dụng khởi công đầu năm cùng tồn kho ngành thấp khiến các đại lý đẩy mạnh gom hàng. Sản lượng nội địa dự báo đạt 23,8 triệu tấn, tăng 13,6% so với cùng kỳ và chiếm 73,3%. Đối với kênh xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng năm 2025 dự báo ở mức 3,1% so với cùng kỳ, giảm tốc so với thực hiện cùng kỳ và tương đương 8,7 triệu tấn.

Cụ thể hơn, theo FPTS, thép xây dựng và HRC chiếm tỷ trọng chính năm 2025 với lần lượt 40,9% và 24,0%. Sản lượng tiêu thụ các sản phẩm thép đều tăng trưởng tích cực. Mức tăng trưởng tích cực nhất là thép xây dựng (tăng 11,1% so với cùng kỳ), HRC (tăng 16,2% so với cùng kỳ) và ống thép (tăng 11,0% so với cùng kỳ) nhờ thị trường nội địa tích cực khi xây dựng trong nước tăng trưởng cùng ngành được bảo hộ.