Tuần qua thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận áp lực bán sau khi tiếp cận khu vực 1.115 điểm. Thanh khoản bán chủ động gia tăng vào những phiên cuối tuần đã khiến thị trường hụt hơi, về quanh vùng 1.100 điểm. VNIndex đóng cửa ngày 9/6 ở mức 1.107,53.
Diễn biến cổ phiếu ngân hàng tuần qua (5-9/6/2023) khá phân hóa với 12 mã giảm giá và 13 mã tăng giá.
Trong đó, cổ phiếu NVB của ngân hàng Quốc dân (NCB) tăng mạnh nhất ngành (6%), đóng cửa ngày 9/6 ở giá 15.800 đồng/cp. Từ đầu tháng 5 đến nay, cổ phiếu này đã tăng giá hơn 20%. Vừa qua nhà băng này đã kết thúc việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, theo đó thông qua việc chuyển nhượng 203 triệu cổ phần BAV của Bamboo Airways.
Cổ phiếu tăng mạnh tiếp theo là VCB của Vietcombank (5,9%). Với đà tăng mạnh tuần qua, cổ phiếu VCB tiếp tục lập đỉnh mới, vượt mốc 100.000 đồng/cp. Vốn hóa của Vietcombank đã lên hơn 475 nghìn tỷ đồng, tương đương với hơn 20 tỷ USD. Diễn biến tích cực của VCB cũng góp phần lớn kéo lại VNIndex, giúp chỉ số chung không bị giảm quá mạnh tuần này.
Các mã tăng mạnh tiếp theo chủ yếu là cổ phiếu nhỏ trên UPCoM như PGB (5,5%), KLB (3,6%), SGB (2,9%),…Một số mã niêm yết trên HoSE cũng có diễn biến tích cực như MSB (3,1%), MBB (2,8%), VIB (1,5%),…
Chiều ngược lại, có khá nhiều cổ phiếu ngân hàng giảm giá, trong đó có những cổ phiếu lớn như BID (-2,8%), VPB (-1,8%), CTG (-1%).
Thanh khoản toàn ngành vẫn đang duy trì tương đương tuần trước, với giá trị giao dịch khớp lệnh hơn 16.300 tỷ, tương đương hơn 3.200 tỷ đồng/phiên. Trong đó, SHB có thanh khoản cao nhất đạt 2.300 tỷ đồng. STB cũng có có thanh khoản trên 2.000 tỷ trong tuần qua.
Khối ngoại bán ròng khá nhiều cổ phiếu ngân hàng như CTG, LPB, TPB, BID, STB. Trong đó, CTG bị bán mạnh nhất (giá trị giao dịch ròng 193 tỷ đồng). Đồng thời, CTG ghi nhận chuỗi 28 phiên bán ròng liên tiếp của khối ngoại. Kể từ ngày 28/4 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại VietinBank (CTG) giảm từ 28,05% xuống 27,36%.
Các cổ phiếu khác ghi nhận giá trị bán ròng lần lượt là BID (hơn 75 tỷ đồng), LPB (hơn 50 tỷ đồng), TPB (hơn 34 tỷ đồng),…
Tuần qua, HDBank và OCB đã thông báo về việc được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ. Dự kiến trong thời gian tới các ngân hàng này sẽ tiến hành trả cổ tức bằng cổ phiếu, chia cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ. Trong đó, OCB dự kiến chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 50%, HDBank chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%.
Đáng chú ý, ngày 9/6 vừa rồi là ngày giao dịch không hưởng quyền của cổ phiếu TPB để chuẩn bị phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 39,19%. Ngày đăng ký cuối cùng là 12/6. Theo đó, TPBank sẽ sẽ phát hành gần 620 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông, tăng vốn điều lệ thêm tối đa 6.198 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành việc phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng từ 15.817 tỷ đồng lên 22.016 tỷ đồng.