Cổ phiếu ngân hàng mất vị thế “vua” của thị trường chứng khoán?

Thu Thuỷ | 16:00 27/09/2022

Thị trường chứng khoán đang trải qua chuỗi ngày giảm điểm mạnh, khối VN30 liên tục phủ sắc đỏ, chiếm số đông trong rổ này. Hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều bị “bốc hơi” giá trị, dần mất đi vị trí là trụ cột dẫn dắt thị trường trong thời gian qua.

Cổ phiếu ngân hàng mất vị thế “vua” của thị trường chứng khoán?
Cổ phiếu ngân hàng đang mất dần vị trí trụ cột thị trường chứng khoán trong những phiên giao dịch gần đây.

Trong 2 năm qua, cổ phiếu nhóm ngân hàng có lượng vốn hóa được xem là đứng đầu thị trường chứng khoán. Do đó, nhóm này luôn dẫn dắt thị trường nhờ vào giá trị cổ phiếu ở mức cao. Nhưng sau những phiên giao dịch vừa qua, giá trị cổ phiếu ngân hàng đã bị sụt giảm mạnh mẽ, kéo theo đà giảm của khối chính VN-Index.

Mới nhất, phiên giao dịch chứng khoán đầu tuần 26/9: VN-Index bốc hơi giá trị vốn hóa và lùi xa ngưỡng 1.200 điểm huyền thoại mất gần 30 điểm, chỉ còn 1.174,35 điểm. Hầu hết cổ phiếu trong rổ VN30 phủ sắc đỏ, hầu hết cổ phiếu ngân hàng đều suy giảm mạnh. Riêng chỉ 2 mã cổ phiếu ngân hàng rớt ngoài đám đông đỏ lửa của thị trường là VIB tăng 1,12% và EIB tăng 1,15%.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng phủ sắc đỏ với độ giảm giá kéo rộng ở hầu hết các mã như CTG mất tới 6% giá trị, NVB mất 5,76%, SHB mất 5,34%, LPB mất 4,71%, BID giảm 3,88% giá trị, VPB giảm 4%, TCB giảm 2,78%, MBB giảm 4,29%, HDB giảm 3,5%, STB giảm 4,43%, MSB giảm 2,56%, OCB giảm 3,67%, BAB giảm 3,14%...

Chỉ một số ít mã cổ phiếu ngân hàng thu hẹp mức giảm nhưng vẫn không tránh khỏi bốc hơi giá trị như VCB mất 1,19%, SSB giảm 1,93%, ACB giảm 1,77%, TPB giảm 0,60%... Hay nhóm “bank” ở UpCOM cũng khó tránh tình cảnh tương tự với PGBank nhuốm đỏ mất 5,45%, ABB giảm 4,7%, VBB mất 3,30%, BVB mất 2,38%; NAB mất 1,54%.

picture12.png

Các mã vốn hóa lớn của nhóm ngân hàng tác động tiêu cực đến chỉ số chung những phiên giao dịch gần đây.

Tính từ cuối năm 2021, đầu năm 2022 đến nay, cổ phiếu ngân hàng đều bị giảm khoảng 40 – 50% giá trị, ngoại trừ mã cổ phiếu EIB.

Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã lùi về mức giá khá rẻ, so với đỉnh giá trước đó như BID hiện giao dịch ở mức 33.400 đồng/CP; STB là 20.500 đồng/CP; TCB là 33.250 đồng/CP; TPB là 24.900 đồng/CP,…

Chưa kể, nhóm ngân hàng hiện có một số mã về dưới mức 20.000 đồng/CP, điển hình MSB còn 17.100 đồng/CP; SHB còn 12.400 đồng/CP; LPB còn 13.150 đồng/CP,…

Đầu tháng 8, nhờ vào thông tin nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, dòng tiền đã đổ về mạnh giúp cho cổ phiếu ngân hàng liên tục dẫn đầu thị trường, góp sức là trụ cột chống đỡ thị trường, nhiều phiên giúp VN-Index thoát khỏi cảnh chạm đáy. Mặt khác, được nhà đầu tư đặt kỳ vọng khá lớn sẽ là nhóm ngành dẫn dắt thị trường giai đoạn cuối năm.

Tuy nhiên, sau đó nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn ngân hàng bỗng quay đầu lao dốc và đang có xu hướng tìm về đáy cũ bằng hồi trung tuần tháng 6. Thậm chí nhiều phiên các siêu vốn thuộc nhóm cổ phiếu này còn trở thành “gánh nặng” lên chỉ số chung như VCB, BID, CTG, VPB, TCB, MBB,...

Theo đó, vốn hóa thị trường toàn ngành ngân hàng đã mất khoảng 364.000 tỷ đồng (~15,6 tỷ USD) xuống dưới 1,54 triệu tỷ đồng, thấp hơn cả thời điểm VN-Index chạm đáy 1.150 điểm phiên ngày 6/7. Trong đó, CTG, VPB, VIB, TPB, SHB đều đã mất hơn 1 tỷ USD vốn hóa từ đầu năm, riêng TCB mất khoảng 2,4 tỷ USD.

Mặt khác, định giá ngành ngân hàng đã xuống mức thấp với PB (giá của cổ phiếu giao dich trên thị trường so với giá trên sổ sách) năm 2022 trung vị 1,3 lần, thấp hơn 35% so với mức trung bình 3 năm là 2 lần với phần lớn các cổ phiếu ngân hàng đều có PB dưới 1,5.

Thị trường chứng khoán vừa trải qua một tuần biến động mạnh về tâm lý do chính sách lãi suất thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng vào cuộc nâng lãi suất, ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm đang tham gia vào một cuộc đua hút vốn với chi phí đắt hơn và các áp lực để giữ ổn định tăng trưởng cũng căng hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Cổ phiếu ngân hàng mất vị thế “vua” của thị trường chứng khoán?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO