Theo đó, kết phiên 06/9, giá cổ phiếu VNZ của Công ty CP VNG ở mức 480.000 đồng/cổ phiếu, giảm 6,8% so với phiên giao dịch trước, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh đạt hơn 16 nghìn đơn vị - tăng đột biến lên hơn 15,3 lần trung bình 10 phiên giao dịch gần nhất.
Như vậy, chỉ trong phiên giao dịch hôm nay, giá cổ phiếu VNZ đã “bốc hơi” 35.000 đồng/cổ phiếu.
Trong 10 phiên giao dịch gần nhất, thị giá cổ phiếu VNZ đi xuống dù có đến 4 phiên tăng điểm. Bất ngờ trong phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu “kỳ lần công nghệ” này lao dốc thẳng đứng vào cuối phiên sáng. Đà bắt đáy xuất hiện ở phiền chiều chỉ kịp giúp mã cổ phiếu này thu hẹp đà giảm.
Đáng chú ý, đây là phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ phiên 08/1, cổ phiếu VNZ giảm 10,16%, tương ứng giảm 70.600 đồng/cổ phiếu xuống 624.000 đồng/cổ phiếu.
Đầu năm 2023, cổ phiếu VNZ của Công ty CP VNG chính thức giao dịch trên sàn UPCoM với giá 240.000 đồng/cổ phiếu. Những phiên sau đó thị giá cổ phiếu “kỳ lân công nghệ” này liên tục tăng phi mã, lên mức giá kỷ lục 1.434.700 đồng/cổ phiếu, chỉ sau chưa đầy 1,5 tháng sau khi lên sàn.
Tuy nhiên, sau đó thị giá cổ phiếu VNZ liên tục biến động mạnh theo hướng đi xuống ở mức 650.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm cuối năm 2023.
Từ đầu năm tới nay, thị giá cổ phiếu VNZ cũng liên tục biến động theo hướng đi xuống, tính đến kết phiên 06/9, thị giá đã “bốc hơi” 26,2%, tương ứng giảm 170.000 đồng/cổ phiếu.
Về tình hình kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2024, VNG đạt doanh thu thuần 4.314 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ.
Sau khi trừ các chi phí, VNG báo lỗ sau thuế 585,7 tỷ đồng, con số này ở cùng kỳ năm trước là lỗ hơn 1.205 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là quý lỗ thứ 11 liên tục của công ty “kỳ lân công nghệ” này.
Công ty CP VNG được thành lập năm 2004 và hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh trò chơi trực tuyến. Đặc biệt, doanh nghiệp này được biết đến là một "kỳ lân công nghệ" của Việt Nam và là một trong những nhà phát hành sản phẩm công nghệ trực tuyến hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Hiện, VNG vẫn là đơn vị kinh doanh trò chơi điện tử, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng lớn ở Việt Nam. Ngoài ra, “kỳ lân công nghệ” này còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực công nghệ khác như lập trình máy vi tính, sản xuất phần mềm, quảng cáo thương mại...
Đặc biệt, VNG cũng là chủ của Zalo - ứng dụng nhắn tin, gọi điện phổ biến nhất ở nước ta hiện nay.