Clean the World: Tổ chức đặc biệt "tái sinh" hàng triệu cân xà phòng "vứt đi" từ các khách sạn khắp thế giới để cứu mạng người

Thanh Sang | 08:49 19/12/2022

Kể từ năm 2009, Clean the World đã tái chế gần 6 triệu kilogam xà phòng “vứt đi” thành 70 triệu bánh xà phòng mới, phân phối khắp 127 quốc gia và cứu sống hàng triệu người.

Clean the World: Tổ chức đặc biệt "tái sinh" hàng triệu cân xà phòng "vứt đi" từ các khách sạn khắp thế giới để cứu mạng người

Những cục xà phòng bị lãng phí

Xà phòng là tiện nghi được sử dụng nhiều nhất tại khách sạn, với 86% khách lưu trú sử dụng xà phòng, hơn cả TV trong phòng (84%), Tủ quần áo (81%) , và Máy sấy tóc (61%)

Các chuỗi khách sạn thường đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc vào các gói vệ sinh cá nhân. Nhưng khoản đầu tư này lại tạo ra một vấn đề môi trường lớn hơn vì hầu hết khách lưu trú sẽ bỏ lại những cục xà phòng đã dùng khi checkout.

Lập một bài toán đơn giản, với 5 triệu phòng khách sạn trên khắp nước Mỹ và tỷ lệ phòng được sử dụng trung bình rơi vào khoảng 66%, mỗi ngày có tới hơn 3 triệu cục xà phòng được xài một phần. Theo nghiên cứu mới nhất, mỗi năm ngành dịch vụ khách sạn tại Mỹ sẽ thải ra gần 200 tỷ kilogram rác thải, trong đó đa phần là các gói vệ sinh cá nhân đã qua sử dụng.

"Khách sạn sẽ xử lý xà phòng xài dở như thế nào?" là một câu hỏi xuất hiện trong đầu Shawn Seipler vào năm 2008. Là một chuyên viên kỹ thuật hiện trường, Shawn phải đi công tác đến 150 ngày mỗi năm, trải nghiệm mọi loại khách sạn từ bình dân đến cao cấp nhất Hoa Kỳ.

Sau một vài ly cocktail vào năm 2008, Shawn nhận ra rằng hàng triệu cục xà phòng trong nhà tắm sẽ bị vứt bỏ không thương tiếc.

Theo các tổ chức phi chính phủ, gần 9.000 trẻ em dưới 5 tuổi đang đối mặt với cái chết mỗi ngày do các bệnh liên quan đến vệ sinh, và nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc rửa tay thường xuyên sẽ giảm được ít nhất 50% số lượng trẻ em qua đời.

Căn nhà kho "cứu người"

Vài tuần sau chuyến công tác đó, Shawn trở về quê nhà ở Orlando và đi thẳng vào một khách sạn Holiday Inn, hỏi rằng họ cần người "thu gom" xà phòng đã qua sử dụng không. Sau vài chục phút giải thích và chờ đợi, Shawn đã nhận được sự đồng ý của Quản lý và ra về với một bao tải xà phòng qua sử dụng.

"Sau đó tôi quyết định ghé 6 khách sạn khác trong khu vực, và tất cả bọn họ đều đồng ý" – Với sự giúp đỡ của vài người bạn, Shawn đã mở một "dây chuyền tái chế" trong căn nhà kho cũ, với dao gọt để cắt phần vỏ dơ bên ngoài, máy xay thịt để nghiền, vài nồi nấu chậm để đun và khung để tạo ra bánh xà phòng mới.

Sau một thời gian hoạt động, Shawn cùng đội của mình có thể làm ra đến 500 cục xà phòng mới mỗi ngày, và từ đó Tổ chức Clean the World đã được thành lập, với nhiệm vụ phân phối xà phòng tới những người cần thiết.

Cảm thấy giấc mơ đã nằm trong tầm tay, Shawn tự tin xin trợ cấp từ Quỹ Bill & Melinda Gates nhưng ngay lập tức bị dội một gáo nước lạnh: "Tôi đã tưởng tượng rằng Bill Gates sẽ chạy xe tới và đưa chúng tôi 1 triệu USD, nhưng chỉ sau 8 giờ nộp đơn, chúng tôi không chỉ bị từ chối mà còn bị yêu cầu không nộp lại đơn xin trợ cấp trong 3 năm nữa." – theo Shawn.

Hiểu rằng mô hình của mình đang có vấn đề, Shawn ngay lập tức thay đổi phương thức hoạt động theo hướng mới:

- Khách sạn sẽ trả một khoản phí nhỏ (0,5 đến 1 USD trên mỗi phòng) để tham gia vào chương trình "tái chế xà phòng".

- Khách sạn sẽ được hỗ trợ thùng lưu trữ, xà phòng sẽ được lấy tận nơi, và nhân viên sẽ được huấn luyện các quy trình của Clean the World.

- Khách sạn còn nhận được chứng chỉ bảo vệ môi trường, chứng nhận số xà phòng được tái chế, và từ đó nhận được không ít ưu đãi từ chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận.

Với mô hình "hai bên cùng có lợi", Clean the World nhanh chóng thuyết phục được hơn 8.000 thương hiệu khách sạn với 1,4 triệu phòng tham gia.

Tương lai của Clean the World

Sau một thời gian hoạt động, Clean the World đã hợp tác được với những chuỗi khách sạn lớn như Hyatt, Marriott, InterContinental, Hilton, và còn mở rộng ra các doanh nghiệp kinh doanh du thuyền, sòng bạc và các hãng bay.

Kể từ năm 2009, Clean the World tự hào đã tái chế được gần 6 triệu kilogam xà phòng, chuyển đổi chúng thành 70 triệu bánh xà phòng mới để phân phối khắp 127 quốc gia.

Để đáp ứng quy mô khổng lồ này, Clean the World đã xây dựng một dây chuyền trị giá 750.000 USD tại Orlando và nhiều trung tâm vệ tinh ở Las Vegas, Hong Kong, Montreal, và Amsterdam.

Theo Shawn: "Không còn đồ gọt cầm tay và máy xay thịt nữa, chúng tôi đã trở nên chuyên nghiệp hơn." Quy trình Clean the World hoạt động như sau:

- Cung cấp thùng chứa cho đối tác, một khi thùng đã đầy, Clean the World sẽ tập hợp chúng về xưởng.

- Xà phòng được đưa vào một cỗ máy tinh luyện khổng lồ, lọc sạch tóc, bụi bẩn và các mảnh vụn khác, đồng thời được nghiền nát.

- Sản phẩm trên tiếp tục đi vào máy trộn và được khử trùng bằng thuốc tẩy pha loãng, sau đó được nghiền một lần nữa và ép thành những bánh xà phòng thành phẩm.

Sau đó, Clean the World sẽ hợp tác với các tổ chức như UNICEF để phân phối thành phẩm. Các cục xà phòng "tái sinh" này đã hỗ trợ rất nhiều cho làn sóng dân tị nạn của Syria cũng như có mặt sau trận động đất Haiti 2010, những nơi có 60% nguy cơ trẻ em qua đời do không tiếp cận được công cụ vệ sinh.

Nhờ những nỗ lực này, đồ vệ sinh "vứt đi" của khách sạn đã có cơ hội thứ hai, thay vì được vứt vào bãi rác như trước.

Shawn từng chứng kiến những bà mẹ khóc vì sung sướng khi được tặng xà phòng. Ông nói, những điều nhỏ nhặt, bình thường mà chúng ta thường coi là hiển nhiên có thể tạo ra một thế giới khác biệt: "Tôi biết nghe có vẻ buồn cười, nhưng cục xà phòng nhỏ trong toilet khách sạn, thứ đó thực sự có thể cứu sống một mạng người."


(0) Bình luận
Clean the World: Tổ chức đặc biệt "tái sinh" hàng triệu cân xà phòng "vứt đi" từ các khách sạn khắp thế giới để cứu mạng người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO