Theo báo cáo Phong cách sống và sự giàu có toàn cầu năm 2023 của Tập đoàn ngân hàng Julius Baer có trụ sở ở Thụy Sĩ, Singapore lần đầu tiên trở thành thành phố đắt đỏ nhất về hàng hóa và dịch vụ dành cho người giàu, vượt qua Hong Kong (Trung Quốc), London (Anh) và New York (Mỹ). Báo cáo cho biết, xe hơi và bảo hiểm y tế cơ bản tại Singapore đắt hơn mức trung bình của thế giới lần lượt là 133% và 109%, nằm trong số 12 hàng tiêu dùng và 8 dịch vụ phản ánh các loại chi tiêu của người giàu.
Tuy nhiên một mặt hàng trái cây lại đang có xu hướng đi ngược lại. Người dân Singapore có niềm yêu thích đặc biệt đối với sầu riêng và năm nay, loại trái cây vốn có giá đắt đỏ này đang có giá rẻ chưa từng có, thậm chí chưa đến với 1 USD cho 1 quả sầu riêng.
Thặng dư tại Malaysia - nhà cung cấp sầu riêng lớn nhất của Singapore đã đẩy giá tại quốc gia này xuống mức chưa từng thấy trước đây. Ngay cả khi nhu cầu vẫn ở mức cao, các loại sầu riêng cao cấp như Musang King đang được bán với giá rẻ chỉ với 3 SGD/kg, tương đương 2,24 USD/kg vào đầu tháng 6.
“Đây là mức giá thấp nhất mà tôi từng thấy”, ông Sam Tan, Giám đốc điều hành của MAPC - một nhà cung cấp sầu riêng lớn tại Singapore cho biết. “Thông thường, một quả sầu loại Musang King sẽ có giá từ 12 đến 13 SGD/kg,” ông Tan đồng thời cũng là chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu sầu riêng Malaysia và đã làm việc trong ngành này được 12 năm, cho biết.
Những người nông dân ở Malaysia, nơi cung cấp hơn 85% nguồn cung sầu riêng cho Singapore đã thực hiện đa dạng hóa loại trái cây này kể từ năm 2016 – thời điểm giá sầu riêng tăng vọt bằng cách chỉ tập trung vào cây sầu riêng thay vì dầu cọ và cao su như trước đây. Cây sầu riêng phải mất ít nhất từ 5 – 7 năm mới bắt đầu cho quả, chính vì vậy nguồn cung bắt đầu thặng dư từ năm nay.
Đợt nắng nóng kỷ lục vào đầu năm nay cũng đã ảnh hưởng đến chất lượng trái cây, đẩy giá xuống thấp hơn. Đó là một tin tốt cho những người đam mê sầu riêng ở Singapore, nơi nhập khẩu hơn 100.000 kg trái cây mỗi ngày từ Malaysia vào mùa cao điểm.
Tuy nhiên, không chỉ Malaysia tăng sản lượng. Nông dân ở Thái Lan và Việt Nam cũng đã chuyển sang trồng sầu riêng từ các loại cây trồng như cao su và cà phê.
Khách hàng mục tiêu chính của 2 nhà sản xuất này là Trung Quốc, nơi sầu riêng đang nhanh chóng trở thành loại trái cây nhập khẩu phổ biến nhất.
Theo Lim Chin Khee, một nhà tư vấn sầu riêng có trụ sở tại Pahang, người đã có hơn hai thập kỷ trong ngành cho biết sự gia tăng đầu tư vào Malaysia là do nhu cầu của Trung Quốc đang bùng nổ. Ông đổ lỗi cho các vấn đề chất lượng cho việc giảm giá trong năm nay.
Thời tiết nóng và khô dẫn đến 50% đến 60% sầu riêng bị cháy hạt và ít cơm sầu, ông Tan của MAPC cho biết.
Với kết cấu giống kem sữa trứng, hương vị xạ hương và mùi thơm nồng đến nỗi chúng bị cấm sử dụng trên các phương tiện giao thông công cộng ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, sầu riêng có một thứ gì đó được nhiều người sùng bái.
Người hâm mộ sầu riêng người Singapore, bà Melissa Yap, 55 tuổi, cho biết bà và chồng đã ăn loại trái cây này tới 3 lần/tuần do giá quá rẻ. “Chúng tôi thực sự vui mừng khi sầu riêng hiện có giá phải chăng hơn và chắc chắn sẽ được ăn nhiều hơn trong những tuần tới.”
Theo Bloomberg