Tại chương trình “Phố tài chính: Bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp trong quý I/2023”, phát sóng trên VTV8 mới đây, các chuyên gia từ 2 công ty chứng khoán VNDirect và Yuanta đã chia sẻ những góc nhìn và dự báo về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý I/2023.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối Phân tích CTCP chứng khoán VNDirect cho rằng quý I là một quý khá là khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.
Điều này có thể nhìn thấy rõ trong việc tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,3%, thấp hơn nhiều so với các dự báo. Ngoài ra, tăng trưởng lợi nhuận quý I của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán có thể sẽ chỉ khoảng 2-3%. Đây là mức thấp hơn nhiều so với con số tăng trưởng lợi nhuận đến 30% hồi quý I/2022
“Tuy nhiên, vẫn có một số điểm sáng. Ví dụ như trong quý I này, ngành ngân hàng có thể tiếp tục ghi nhận tăng trưởng trên 2 chữ số, tức khoảng 10-15%. Bên cạnh đó, ngành hàng không ghi nhận lượng khách tăng gấp nhiều lần so với quý I năm trước cũng sẽ chắc chắn ghi nhận mức tăng trưởng rất tốt. Ngoài ra, chúng tôi ước tính các doanh nghiệp đầu tư công có thể sẽ ghi nhận tăng trưởng từ 15-25% trong quý I nhờ những nỗ lực của chính phủ trong việc giải ngân đầu tư công. Bên cạnh đó, nhóm bất động sản khu công nghiệp có thể ghi nhận mức lợi nhuận tốt hơn”, bà Hiền đánh giá.
Chuyên gia từ VNDirect nói thêm, bước sang quý II kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung có thể cải thiện hơn. tăng trưởng lợi nhuận của toàn thị trường có thể lên mức 6-8%. Nửa sau năm 2023 tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết có thể lên mức 2 con số (khoảng 14-16%).
“Chúng tôi vẫn ưa thích các doanh nghiệp, cổ phiếu đầu ngành có tỷ lệ đòn bẩy thấp, quy mô lớn, tỷ lệ chi trả cổ tức cao cũng là một sự lựa chọn an toàn. Trong nửa sau năm 2023, nhà đầu tư có thể lựa chọn các doanh nghiệp có tính tăng trưởng cao hơn trong bối cảnh lãi suất bắt đầu hạ nhiệt”, bà Hiền đánh giá về chiến lược đầu tư thời gian tới.
Ở góc nhìn của ông Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Nghiên cứu, Khối Khách hàng Tổ chức, công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, vừa qua vấn đề lãi suất cao đã khiến cho không ít doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản gặp khó. Ngoài ra, việc sụt giảm đơn hàng đã khiến cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, dệt may sụt giảm mạnh. Nhóm phân bón cũng cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ do giá bán giảm.
“Trong quý I/2023, các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, đòn bẩy tài chính thấp sẽ có sức chống chịu tốt hơn khi lãi suất tăng và nhu cầu tiêu thụ giảm. Thông thường, các doanh nghiệp vốn hóa lớn sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tập trung vào thị trường trong nước sẽ có tình hình khả quan hơn các doanh nghiệp xuất khẩu’, ông Bình nhận định.
Ngoài ra, nhà nước cũng đã có những chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên sẽ phải mất một khoảng thời gian để nền kinh tế có thể hấp thụ các chính sách. Do đó, có thể từ nửa cuối năm 2023, trở đi, tình hình kinh tế mới có thể lạc quan hơn.
“Tôi cho rằng chúng ta vẫn còn dư địa để giảm lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản trong thời gian tới, vì lạm phát cũng đang hạ nhiệt và tỷ giá cũng đang ổn định hơn. Qua đó, hỗ trợ tích cực cho sự hồi phục của nền kinh tế. Tuy nhiên, các chính sách như vậy bao giờ cũng có độ trễ 3-6 tháng. Do đó, tôi cho rằng, kết quả kinh doanh sẽ có sự cải thiện từ nửa cuối năm 2023 trở đi”, ông Bình dự báo.
Đồng thời, chuyên gia cũng cho rằng, thị trường chứng khoán đã bước vào xu hướng tăng, nhà đầu tư nên chú ý nhiều hơn kết quả kinh doanh các quý tiếp theo nhiều hơn là quý I. Vì thị trường chứng khoán thường sẽ đi trước nền kinh tế thực.
“Thị trường sẽ quay lại xu hướng tăng trong thời gian tới và trong dài hạn. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên thực hiện quản trị rủi ro, tránh đòn bẩy tài chính quá cao hay giao dịch tập trung. Chúng ta có thể bắt đầu tích lũy dần cổ phiếu, đặc biệt là các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt ở các nhịp điều chỉnh để chúng ta có thể chuẩn bị cho một xu hướng tăng dài hạn sắp tới”, ông Bình khuyến nghị.