Trong talkshow mới đây do FIDT tổ chức, ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Khối Nghiên cứu Đầu tư FIDT cho thị trường đã tăng xấp xỉ 5% từ mức đáy hồi đầu năm lên sát mốc 1.300 điểm. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng vì thị trường từng nhiều lần thất bại trong việc chinh phục hoàn toàn ngưỡng điểm này trong năm 2024.
Theo chuyên gia, thị trường đang ở trong giai đoạn tích luỹ chặt chẽ và chưa thoát khỏi xu hướng đi ngang trước nhiều biến số như thương chiến, khối ngoại bán ròng. Tuy nhiên chứng khoán năm 2025 dự báo dễ thở hơn năm trước với xu hướng “tiền hung hậu cát” đóng vai trò chủ đạo.
Trong nửa đầu năm, khả năng vượt mốc 1.300 không chắc chắn, song cuối năm thị trường sẽ vượt qua mốc cản này.

Động lực đầu tiên đến từ định giá. Chuyên gia FIDT cho rằng thị trường đang ở vùng định giá rất hấp dẫn với tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường dự báo ở mức 15-17% (lực đỡ từ nhóm ngân hàng). Nếu VN-Index vẫn duy trì mốc 1.300 điểm vào cuối năm thì đây vẫn là mức định giá rẻ so với tăng trưởng lợi nhuận và chưa tính đến những yếu tố hỗ trợ khác.
Động lực tiếp theo đến từ khả năng nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi. Thực tế, câu chuyện nâng hạng đã được kỳ vọng hơn chục năm nay và đến 2025 yếu tố này được nhắc đến nhiều hơn. Với việc đáp ứng gần như đầy đủ những tiêu chí nâng hạng, kỳ vọng chứng khoán Việt Nam sẽ được sẽ được FTSE nâng hạng trong thời gian tới. Đây sẽ là một trong những động lực chính để thúc đẩy dòng vốn ngoại quay trở lại thị trường.
Bên cạnh đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Ngoài câu chuyện tăng trưởng tín dụng thì câu chuyện triển vọng kinh tế tăng trưởng được dẫn dắt rất nhiều bởi đầu tư công. Đây là những động lực chính để lạc quan hơn về thị trường trong năm 2025.
Mặc dù có nhiều động lực lớn như tăng trưởng kinh tế, định giá rẻ nhưng thị trường vẫn chưa thể bứt phá, ông Huy cho rằng áp lực bán mạnh mẽ của khối ngoại cũng là một trong những yếu tố đáng quan ngại.
“Chúng ta hay đổ lỗi cho DXY, thế nhưng khi DXY hạ nhiệt khối ngoại vẫn bán kịch liệt. Thực tế, khối ngoại bán mạnh vì Tổng thống Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ khiến dòng tiền rút về Mỹ rất mạnh. Đó là xu hướng chung trên toàn cầu và xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian tới cho đến khi thị trường có một câu chuyện riêng mới”, ông Bùi Văn Huy đánh giá.
Câu chuyện riêng được chuyên gia kỳ vọng có thể đảo chiều dòng vốn ngoại đó là nâng hạng thị trường. Khi thị trường chính thức được nâng hạng kéo VN-Index vượt 1.300, yếu tố tâm lý sẽ được gỡ bỏ. Bên cạnh đó, nền kinh tế nếu theo đúng kỳ vọng của cơ quan quản lý bước thời kỳ tăng trưởng nhanh với GDP trên 8% và những năm sau đạt mức hai chữ số thì thị trường chung sẽ sớm “vào sóng” và nhóm ngân hàng sẽ là dòng dẫn dắt.