Chuyên gia chỉ ra những hạn chế trong việc cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước thời gian qua

Phạm Minh | 08:26 17/10/2023

Các chuyên gia cho rằng, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thời gian qua còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo cả về lượng và chất. Tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm, chưa phát huy tốt vai trò của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty của nhà nước tham gia vào các công trình, dự án lớn.

Chuyên gia chỉ ra những hạn chế trong việc cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước thời gian qua
Nhiệt điện Hải Phòng trong danh sách thoái vốn của SCIC năm 2022. (Ảnh: Int)

Theo báo cáo của Chính phủ, cổ phần hoá (CPH), thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020 đã hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Tiến độ CPH năm 2021 đã ghi nhận 4 doanh nghiệp CPH với tổng giá trị doanh nghiệp là 333 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 196 tỷ đồng. Năm 2022, ghi nhận bổ sung 1 doanh nghiệp nhà nước thực hiện CPH với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng.

Tính đến ngày 25/4/2023, đã có 27 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp. Lũy kế năm 2021-2022, số thu từ bán vốn nhà nước của Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp đã nộp về ngân sách nhà nước năm 2021 là 1.000 tỷ đồng; số thu từ bán vốn nhà nước năm 2022 là 3.848 tỷ đồng. Kế hoạch thu hồi vốn nhà nước tại một số tổ chức kinh tế do Trung ương quản lý là 3.000 tỷ đồng.

Đánh giá về CPH tại một buổi toạ đàm mới đây, ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên thường trực UBKT của Quốc hội cho rằng, bức tranh CPH khá nhiều màu sắc, phản ánh thực tế. Soi lại giai đoạn 2015 – 2020, số lượng doanh nghiệp CPH, thoái vốn ngoài kế hoạch nhiều hơn số lượng đưa trong kế hoạch. Bên cạnh yếu điểm, nhưng trong một số trường hợp lại rất thành công.

Ông Hiếu lấy ví dụ trường hợp Sabeco, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn khoảng vài nghìn tỉ đồng nhưng bán được hơn 100.000 tỉ đồng.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế đánh giá những kết quả tích cực của tiến trình CPH. “Một số doanh nghiệp sau CPH đã làm ăn có lãi, đóng góp cho ngân sách và tạo nhiều việc làm; đồng thời, tạo ra được một “làn sóng” thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân”, TS. Phong nói.

Một số chuyên gia kinh tế nhìn nhận, quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thời gian qua còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo cả về lượng và chất. Theo đó, tiến độ CPH, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm; chưa phát huy tốt vai trò của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty của nhà nước tham gia vào các công trình, dự án lớn.

Bên cạnh đó, quản lý vốn tại các doanh nghiệp có phần vốn nhà nước không chi phối khó khăn, đặc biệt là tại các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thuộc diện giám sát tài chính hoặc có cổ đông lớn thiếu hợp tác.

Nguyên nhân dẫn đến CPH, thoái vốn chậm, một số chuyên gia cho rằng, có vấn đề pháp luật và thực thi pháp luật; đồng thời, chất lượng thông tin, chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước chưa rõ ràng, chưa tạo sự tin cậy cho nhà đầu tư; cùng với đó là những lúng túng trong các vấn đề pháp lý về đất đai, về quyền sở hữu tài sản vô hình, các báo cáo về tài chính…

Theo ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên thường trực UBPL của Quốc hội, hệ thống pháp luật liên quan đến CPH có liên quan đến rất nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau, từ Luật Doanh nghiệp cho đến Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Đấu giá...

Để tiếp tục đẩy mạnh quá trình thoái vốn, CPH doanh nghiệp nhà nước, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện nhấn mạnh, cần bám sát mục tiêu CPH đã đề ra. Cùng với đó, cần tăng cường công khai, minh bạch thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trước khi triển khai công tác CPH, thoái vốn.

Để có thể sử dụng nguồn vốn thu được từ thoái vốn, một số chuyên gia cho rằng, cần có kế hoạch cụ thể, trong đó ưu tiên vào các công trình quan trọng quốc gia để tạo động lực phát triển và sức lan tỏa cho nền kinh tế, phát huy vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

Các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần đánh giá cụ thể các vướng mắc về pháp luật trong thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm tránh thất thoát vốn nhà nước, nhất là các biện pháp liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu và giá trị truyền thống của doanh nghiệp CPH.

Theo ông Phan Đức Hiếu, song hành với minh bạch về mặt pháp lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính đất đai, quy hoạch, đấu giá thì cần nâng cao chất lượng thông tin hoạt động doanh nghiệp nhà nước từ sớm, từ xa, không đợi đến khi xác định CPH mới bắt tay vào xử lý…

Năm 2022, SCIC từng có kế hoạch thoái vốn tại 101 đơn vị thành viên. Trong danh sách, có nhiều công ty đáng chú ý như CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (mã HND), CTCP Nhựa Bình Minh (mã BMP), CTCP Nhựa Việt Nam (mã VNP), CTCP Seaprodex (mã SEA), CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (mã QTP), Tổng CTCP Điện tử và Tin học Việt Nam (mã VEC), CTCP Công trình giao thông vận tải Quảng Nam (mã QTC), CTCP Tập đoàn Vinacontrol (mã VNC)… Tuy nhiên, diễn biến không thuận lợi, đà lao dốc của thị trường chứng khoán đã khiến những thương vụ này bị đình lại.

Từ khi thành lập đến nay, SCIC đã tổ chức bán vốn tại 1.040 doanh nghiệp, bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp, với tổng giá vốn 12.410 tỷ đồng, thu về 51.062 tỷ đồng, kết quả thu được gấp 4,1 lần giá vốn.

Trong đó, có những thương vụ bán vốn tại các doanh nghiệp quy mô lớn như CTCP Sữa Việt Nam (thu về 20.276 tỷ đồng), CTCP Nhựa Bình Minh (thu về 2.330 tỷ đồng), CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (thu về 7.366 tỷ đồng). Tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước là 48.319 tỷ đồng, chiếm gần 60% giá trị nộp ngân sách nhà nước của SCIC từ khi thành lập đến nay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chuyên gia chỉ ra những hạn chế trong việc cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước thời gian qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO