Chuyên gia chỉ ra 6 thách thức với ngân hàng Việt Nam năm 2023

Minh Vy | 11:03 17/12/2022

Tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam sáng 17/12, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết, năm 2023, ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với 6 thách thức đến từ môi trường quốc tế cũng như nội tại nền kinh tế Việt Nam.

Chuyên gia chỉ ra 6 thách thức với ngân hàng Việt Nam năm 2023

Thứ nhất, một số văn bản pháp lý về chuyển đổi số chậm ban hành hoặc gặp nhiều khó khăn khi triển khai như gói hỗ trợ lãi suất 2% thuộc Chương trình phục hồi. Dự thảo Nghị định của Chính phủ về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng đã gửi xin ý kiến lần 2 vào năm 2022 (lần 1 vào năm 2020) nhưng vẫn chưa được ban hành. Ngoài ra, dự thảo sửa đổi Thông tư 39/2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay qua phương thức điện tử cũng chưa được ban hành, hạn chế khả năng phê duyệt tín dụng online,…

Các TCTD đã thực hiện giải ngân gói hỗ trợ 2% của Chính phủ nhưng với tiến độ rất chậm. Tính đến hết tháng 10/2022, gói hỗ trợ lãi suất mới chỉ giải ngân được khoảng 23/16.035 tỉ đồng phân bổ năm 2022. Nguyên nhân xuất phát từ: (i) Theo khảo sát của NHNN, khách hàng chưa thực sự quan tâm đến gói hỗ trợ do e ngại thanh, kiểm tra sau này, (ii) Khó xác định chính xác đối tượng hỗ trợ vì có nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động đa ngành nghề hoặc chưa đăng ký kinh doanh, và (iii) Khó xác định được tiêu chí “có khả năng phục hồi” trong bối cảnh môi trường kinh doanh khó lường như hiện nay.

Thứ hai, dư địa chính sách tiền tệ đã bị thu hẹp. Đến hết tháng 11/2022, NHNN đã phải tăng lãi suất 2 đợt (1%/đợt) để ổn định tỷ giá, trong khi các công cụ khác gần như đã sử dụng hết dư địa. Dự trữ ngoại hối hiện nay vừa mức khuyến nghị của IMF (3 tháng nhập khẩu). Cùng với đó, theo nhóm nghiên cứu, việc điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng/giảm sẽ không đạt hiệu quả như kỳ vọng vì các ngân hàng thương mại (NHTM) còn phải tuân thủ các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động theo Thông tư 22/2019 của NHNN và biện pháp này thường áp dụng khi nền kinh tế gặp các cú sốc lớn. Biên độ giao dịch tỷ giá trung tâm cũng đã nới lên mức 5%...

Do vậy, với khả năng FED tiếp tục tăng lãi suất 50 điểm % trong tháng 12/2022 và quý 1/2023, áp lực lãi suất và tỷ giá tăng còn khá lớn. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục duy trì công cụ hạn mức tín dụng trong năm 2022-2023 để kiểm soát lạm phát mục tiêu và thanh khoản hệ thống ngân hàng, trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ảm đạm, giải ngân đầu tư công còn chậm, khiến việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn khó khăn.

Thứ ba, hệ số an toàn vốn (CAR) của các NHTM Việt Nam cải thiện chậm và ở mức thấp so với khu vực. Tính đến tháng 6/2022, xét các NH áp dụng Thông tư 41/2016, hệ số an toàn vốn của của các NHTM nhà nước giảm nhẹ so với cuối năm 2021 từ mức 9% xuống 8,9%; ngược lại, các NHTMCP tăng từ 11,9% lên 12%, và mức an toàn vốn này tương đối thấp khi so sánh với các nước trong khu vực.

Chưa kể các nước trong khu vực đã thực hiện áp dụng Basel 3 hoặc một phần của Basel 3, trong khi các NHTM Việt Nam mới đang trong giai đoạn triển khai Basel 2. Mức đệm vốn của các TCTD ở mức thấp làm hệ thống ngân hàng dễ bị tác động tiêu cực từ các cú sốc bất lợi từ môi trường kinh doanh. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc tăng vốn của các NHTM (đặc biệt là các NHTMNN) còn gặp nhiều khó khăn (do thị trường vốn suy giảm, việc tìm kiếm nhà đầu tư ngoại khó hơn trong bối cảnh kinh tế thé giới suy thoái nhẹ, khâu phê duyệt cho phép giữ lại cổ tức Nhà nước và lựa chọn Nnhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư tài chính còn lâu.

Thứ tư, dự báo nợ xấu của nền kinh tế năm 2023 sẽ gia tăng cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ của NHNN. Triển vọng năm 2023, lãi suất tăng sẽ làm tăng nghĩa vụ trả nợ của bên vay (cá nhân và doanh nghiệp), trong khi kinh tế phục hồi chậm lại, tăng trưởng thấp hơn như nêu trên, dẫn đến nợ xấu tiềm ẩn gia tăng. Dự báo, năm 2023, nợ xấu nội bảng ở mức 2%, nợ xấu gộp khoảng 4%. Trong khi đó, mức nợ xấu gộp của hệ thống TCTD Việt Nam khoảng 4,99%, ở mức cao khi so sánh với các nước trong khu vực.

Thứ năm, sở hữu chéo của hệ thống ngân hàng đã cơ bản được loại bỏ, tuy nhiên hiện tượng cổ đông, nhóm cổ đông lớn có tác động nhất định đến hoạt động đầu tư hoặc tín dụng. Các TCTD luôn đảm bảo tuân thủ các tỷ lệ an toàn (bao gồm hạn chế, giới hạn cấp tín dụng; giới hạn góp vốn mua cổ phần.) tại Thông tư 22/2019 của NHNN, nhưng tình trạng công ty liên kết, có liên quan hoạt động tinh vi, có tác động nhất định đến hoạt động đầu tư hoặc tín dụng. Mặc dù khó có thể đưa ra bằng chứng xác thực về hành vi này nhưng những vụ việc vi phạm của một số tập đoàn bất động sản vừa qua đã bộc lộ tính chất liên quan này.

Thứ sáu, thanh khoản của hệ thống ngân hàng không còn dồi dào như 2 năm qua. Sau giai đoạn giảm liên tiếp từ mức 34,5% năm 2016 xuống 24% năm 2021, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của hệ thống tăng dần lên mức 25,2% vào tháng 6/2022; tỷ lệ dư nợ cho vay/huy động vốn tăng từ 72,1% năm 2021 lên 74,1% vào tháng 6/2022. Đồng thời, tài sản mang tính thanh khoản cao như tiền gửi của TCTD tại NHNN giảm, trong 9 tháng/2022, các NHTM rút mạnh tiền gửi tại NHNN với tổng lượng tiền gửi tại NHNN của 28 NHTM quan sát là 176 nghìn tỷ đồng, giảm 48% so với đầu năm.

Ngoài ra, tín dụng đã tăng cao trong năm 2022 so với năm 2020-2021 trong xu hướng phục hồi của nền kinh tế. Tính đến ngày 30/11/2022, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tăng 12,2%, cao hơn mức 11,5% cùng kỳ năm 2021. Lý do NHNN điều tiết thận trọng tăng trưởng tín dụng năm 2022 vì: (i) Hạn mức tăng trưởng tín dụng là giải pháp kiểm soát cung tiền, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát, (ii) Lo ngại rủi ro thanh khoản hệ thống, ảnh hưởng mục tiêu ổn định lãi suất và an toàn hệ thống. Tuy nhiên, NHNN cũng đang có kế hoạch, lộ trình bỏ đi công cụ hạn mức này ở thời điểm phù hợp; TS Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia cho rằng nên là 1-2 năm tới.

Trong khi đó, huy động vốn năm 2022 của TCTD tăng chậm lại so với năm 2020-2021, do dòng tiền đổ vào sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và trang trải chi phí đầu vào tăng. Theo Tổng cục thống kê, tính đến hết tháng 11/2022, huy động vốn của các TCTD ước tăng 5,5%, thấp hơn cùng kỳ năm trước (6%); theo đó, cung tiền M2 chỉ tăng khoảng gần 7%, thấp so với mức 9% cùng kỳ năm 2021.

Nguyên nhân chính của việc huy động vốn của các TCTD tăng thấp bao gồm: (i) Lạm phát, giá cả và chi phí tăng, DN cần nhiều vốn hơn để trang trải chi phí tăng thêm; lãi suất và tỷ giá tăng cũng làm tăng chi phí tài chính của DN; (ii) Vốn tín dụng ngân hàng kiểm soát mức tăng 15,5% trong khi phát hành TPDN khó khăn hơn, buộc DN dùng vốn tự có nhiều hơn; (iii) Giải ngân đầu tư công chậm, khiến vòng quay tiền chậm, nợ lẫn nhau giữa các DN tăng; (iv) Thị trường BĐS, chứng khoán trầm lắng và đang trong giai đoạn lành mạnh hóa, cũng kéo theo một phần vốn trên hai thị trường này bị tồn đọng; (v) dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài chỉ tăng nhẹ trong điều kiện lãi suất USD tăng và TTCK suy giảm, môi trường đầu tư rủi ro răng.


(0) Bình luận
Chuyên gia chỉ ra 6 thách thức với ngân hàng Việt Nam năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO