Tổng giám đốc điều hành Intel, Pat Gelsinger, đã nhận được yêu cầu khẩn trực tiếp từ hội đồng quản trị vào mùa xuân năm ngoái: chú ý hơn đến chiến lược trí tuệ nhân tạo. Họ sợ Intel sẽ bỏ lỡ cơ hội trong một thị trường mới trị giá hàng tỷ USD, trong khi OpenAI đã ra mắt thành công ChatGPT.
Phản ứng của Gelsinger là thành lập AI Acceleration, chịu trách nhiệm điều phối các kế hoạch AI trên nhiều phân khúc. Văn phòng sẽ do Srinivas Lingam, người được luân chuyển công tác từ Ấn Độ, lãnh đạo.
Tuy nhiên, nhà sản xuất chip của Mỹ vẫn còn kém xa đối thủ Nvidia, thậm chí là AMD, trên thị trường toàn cầu về bán chip AI. Intel dự kiến doanh số bán chip Gaudi 3 mới nhất của mình trong năm nay sẽ đạt 500 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với doanh số hàng chục tỷ USD của Nvidia từ các đơn vị xử lý đồ họa. Bản thân công ty cũng đã bị ảnh hưởng bởi sự ra đi của các giám đốc điều hành chủ chốt, sa thải và giá cổ phiếu lao dốc.
Trong năm qua, Nvidia tăng thêm 1,4 nghìn tỷ USD vào vốn hóa thị trường. Ngược lại, Intel mất khoảng 70 tỷ USD và hiện chỉ được định giá ở mức 83 tỷ USD.
CEO Gelsinger được bổ nhiệm vào năm 2021, với tham vọng biến Intel thành một cường quốc sản xuất chip có thể cạnh tranh với Taiwan Semiconductor Manufacturing Company, xây dựng các nhà máy mới tại Mỹ, châu Âu và bắt kịp các quy trình sản xuất tiên tiến nhất. Ông đã tách mảng kinh doanh thiết kế chip của công ty khỏi nhánh sản xuất.
Vào tháng 8, một thành viên chủ chốt trong hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát chiến lược sản xuất chip quan trọng đã từ chức. Ông Gelsinger thừa nhận tại một hội nghị gần đây của Deutsche Bank rằng công ty đã có một vài tuần khó khăn và cần tái cấu trúc, sau nỗ lực cắt giảm chi phí trị giá 10 tỷ USD được công bố vào tháng 8.
Các nhân viên mới nghỉ việc đã mô tả sự thất vọng trước bộ máy quan liêu nội bộ. Các đợt sa thải đang làm giảm tinh thần công nhân viên rất nhiều, nhất là khi Intel còn đang cân nhắc có thêm nhiều sự thay đổi nữa.
Theo một số chuyên gia, vấn đề của Intel là chi tiêu quá nhiều vào việc xây dựng các nhà máy mới. Hoạt động kinh doanh đúc đã tiêu tốn 7 tỷ USD vào năm 2023. Các mục tiêu bán hàng đầy tham vọng được đặt ra vào năm 2022, thời kỳ đỉnh cao của nhu cầu PC, đã không đạt được.
“Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất của Gelsinger hiện tại là ông ấy đang mất đi uy tín”, G. Dan Hutcheson tại TechInsights nói và cho biết nếu Intel có thể vượt qua cơn bão, công ty có thể đạt đến trạng thái có lợi nhuận vào năm 2026 hoặc 2027.
Hội đồng quản trị đã thúc đẩy việc giám sát nhiều hơn đối với chiến lược của Intel. Năm ngoái, Lip-Bu Tan, cựu giám đốc điều hành công ty phần mềm thiết kế chip Cadence, người được bổ nhiệm vào hội đồng quản trị vào năm 2022, đã được giao thêm trách nhiệm chỉ đạo hoạt động kinh doanh đúc quan trọng. Vị trí đi kèm với khoản thưởng cổ phiếu khoảng 1 triệu USD.
Thế nhưng vào tháng 8, Tan từ chức. Stuart Pann, một giám đốc điều hành lâu năm của Intel, cũng rời đi để gia nhập công ty khởi nghiệp sản xuất chip Groq. Kỹ sư thiết kế Shlomit Weiss và người đứng đầu chip trung tâm dữ liệu Lisa Spelman cũng không còn mặn mà với Intel nữa.
Mối quan hệ đối tác sản xuất tiềm năng với SoftBank đã sụp đổ vào đầu năm nay. Thỏa thuận trị giá 5,4 tỷ USD mua Tower Semiconductor cũng thất bại sau khi các cơ quan quản lý Trung Quốc lên tiếng không chấp thuận.
Trước đó, Intel cũng tuyên bố sẽ cắt giảm hơn 15.000 việc làm trên toàn cầu như một phần của kế hoạch phục hồi sau loạt lần vấp ngã. Con số tương đương 15% lực lượng lao động của tập đoàn.
“Đây là tin đau lòng đối với tôi”, Patrick Gelsinger, Giám đốc điều hành của Intel, cho biết trong một lá thư gửi cho nhân viên. “Tôi biết bản thân bạn sẽ còn thấy đau lòng hơn khi đọc những dòng này. Đây là một ngày vô cùng khó khăn đối với Intel khi chúng ta đang phải thực hiện một số thay đổi quan trọng nhất trong lịch sử”.
Được biết trước khi ông Gelsinger trở thành giám đốc điều hành, Intel đã mất vị thế dẫn đầu vào tay TSMC. Vị CEO này đã bắt tay thực hiện một nỗ lực tốn kém để cung cấp 5 thế hệ công nghệ mới trong suốt 4 năm. Đúng là chúng mang lại kết quả, song đi kèm với đó là chi phí rất lớn.
Bên cạnh các vấn đề về sản xuất, Intel gặp khó khăn với sản phẩm. Nhu cầu về máy tính cá nhân sử dụng chip của Intel đã giảm mạnh vào năm ngoái. Khách hàng cũng đang chuyển sang Nvidia để mua chip AI.
CEO Gelsinger cho biết Intel vẫn còn quá quan liêu và kém hiệu quả, bất chấp những nỗ lực trong quá khứ nhằm tinh giản hoạt động. Là một phần của quá trình tái cấu trúc, ông cho biết công ty sẽ cắt giảm số lượng sản phẩm bán ra, dừng các công việc không cần thiết và giảm chi tiêu vốn hơn 24%.
Lần tái cấu trúc lớn gần đây nhất của Intel được công bố vào năm 2016, khi công ty cắt giảm tới 12.000 việc làm, tương đương 11% lực lượng lao động.
“Việc cắt giảm đã thách thức tôi đến tận cùng, và đây là điều khó khăn nhất mà tôi từng làm trong sự nghiệp của mình”, ông Gelsinger viết trong thư và cam kết rằng Intel sẽ ưu tiên văn hóa trung thực, minh bạch và tôn trọng.
Theo: FT, WSJ