VN-Index tăng mạnh nhất lịch sử, toàn bộ cổ phiếu VN30 “trắng bên bán”, hơn 1.100 cổ phiếu tăng điểm, 700 mã kịch trần là những gì diễn ra trên bảng điện tử. Nhà đầu tư chứng khoán “hồ hơi” trên khắp các mặt trận từ online đến offline. Bầu không khí khác hẳn với cách đây chỉ 1 ngày khi VN-Index giảm mạnh phiên thứ 4 liên tiếp xuống đáy 15 tháng.
Thời điểm đó, áp lực call margin, bán giải chấp vẫn đang đè nặng lên thị trường. Hàng loạt cổ phiếu bị chất bán giá sàn, trong đó có nhiều Bluechips. Tâm lý nhà đầu tư “nặng như chì” với hàng loạt câu hỏi hiện ra trong đầu: “cắt hay nên giữ”, “có nên bình quân giá”, “tiền đâu để nạp vào đỡ margin”,…
Chỉ sau một đêm, cục diện thay đổi hoàn toàn. Thị trường chứng khoán lại “như chưa hề có cuộc chia ly”. Nhà đầu tư chất lệnh giá trần “cao như núi” nhưng khối lượng khớp bán chỉ nhỏ giọt, thanh khoản gần như mất hút sau phiên ATO. Điều gì đã khiến mọi thứ đảo chiều chóng mặt như vậy?
Khó có thể chỉ ra nguyên nhân chính xác dẫn đến những biến động khó lường của thị trường chứng khoán thời gian qua. Tuy nhiên, không thể phủ nhận tâm lý nhà đầu tư là một yếu tố các tác động lớn đến diễn biến thị trường chứng khoán, đặc biệt là tại Việt Nam khi cá nhân chiếm đến 90% giao dịch hàng ngày.

Tâm lý lại bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tin tức. Điều này dẫn đến một thực trạng là nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn thường “hóng” tin tức từ khắp mọi nơi. Xu hướng tìm kiếm lời giải cho một biến động trên thị trường trở nên phổ biến. Bất cứ thứ gì cũng có thể suy diễn trở thành lý do cho cổ phiếu hoặc thị trường tăng hay giảm.
Thêm nữa, tâm lý FOMO (Fear Of Missing Out - Sợ bỏ lỡ điều gì đó) của nhà đầu tư cá nhân cũng là yếu tố khiến các biến động trên thị trường chứng khoán có phần bị thái quá. Không thiếu những trường hợp phiên trước vừa bán bằng mọi giá, phiên sau đã quay lại mua bất chấp. Không có nhiều nhà đầu tư đủ chuyên môn, kinh nghiệm để quản trị rủi ro danh mục một cách kỷ luật.
Trên thực tế, với những cú sập nhanh, mạnh và bất ngờ như vừa qua, ngay cả nhà đầu tư lâu năm trên thị trường, thậm chí cả những người chuyên nghiệp cũng khó tránh khỏi tổn thất. Điều này cho thấy sự khốc liệt của việc lướt sóng chứng khoán và không phải ngẫu nhiên mà nhiều chuyên gia, lãnh đạo công ty chứng khoán từng nhận định 95% nhà đầu tư trên thị trường thua lỗ.
Bản chất việc dự báo thị trường chứng khoán trong ngắn hạn là điều không thể, mang tính may rủi rất cao. Ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capial, nhà quản lý quỹ lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam từng chia sẻ “tôi kinh nghiệm 30 năm còn không biết ngày mai thị trường tăng hay giảm”.
Giao dịch ngắn hạn là một phần không thể thiếu của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên xây dựng cho mình một danh mục cân bằng có cả yếu tố lướt sóng và đầu tư dài hạn. Cùng với đó là một tỷ lệ margin hợp lý tuỳ vào thời điểm để tránh áp lực trong ngắn hạn làm mất đi cơ hội sinh lời hấp dẫn trong dài hạn.
Với thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại, thông báo tạm dừng áp thuế đối ứng của ông Donald Trump có thể coi là một tin tốt trong ngắn hạn. Tuy nhiên, hoạt động đàm phán vẫn đang diễn ra và kết quả cuối cùng vẫn cần thời gian để trả lời. Phiên hồi phục mạnh mẽ vừa qua giúp nhà đầu tư phần nào cởi bỏ được gánh nặng tâm lý. Dù vậy, việc giữ đôi chân trên mặt đất vẫn là điều cần thiết.
Nhìn chung, chứng khoán Việt Nam sẽ khó tránh khỏi tác động từ những yếu tố bên ngoài khi tình hình thế giới còn nhiều bất ổn. Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận là triển vọng tích cực về dài hạn của thị trường với vĩ mô ổn định, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được đánh giá cao, định giá tương đối hấp dẫn so với khu vực và câu chuyện nâng hạng ngày càng rõ ràng.