BAPI HAGL – THÀNH QUẢ ‘SONG KIẾM HỢP BÍCH’ GIỮA HAGL VÀ DƯỢC PHẨM ĐÔNG Á
Với sự đồng hành nhiệt tình từ đối tác Dược phẩm Đông Á, dự án phát triển heo anh chuối BAPI của Hoàng Anh Gia Lai đang được triển khai khá nhanh.
Câu chuyện HAGL sẽ nhảy vào thị trường bán lẻ thịt heo đã được quan tâm lớn từ tháng 4/2022 – sau những chia sẻ đầy hào hứng của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức tại buổi ĐHCĐ của doanh nghiệp.
Vào tháng 6/2022, Công ty Cổ phần BAPI Hoàng Anh Gia Lai được thành lập với vốn điều lệ của công ty là 50 tỷ đồng. BAPI Hoàng Anh Gia Lai đặt trụ sở tại tòa nhà của Tập đoàn HAGL ở Pleiku - Gia Lai và đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn thực phẩm.
HAGL góp 27,5 tỷ đồng, tương đương 55% vốn điều lệ của BAPI, Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Đông Á chiếm 40% cổ phần, còn bà Hoàng Thị Kim Nhung góp 5% vốn điều lệ BAPI. Như vậy, doanh nghiệp mới thành lập này sẽ trở thành công ty con trực tiếp, kết quả kinh doanh được hợp nhất vào báo cáo tài chính của Hoàng Anh Gia Lai.
Ngoài ra, Dược sỹ Đinh Văn Lộc – Chủ tịch của Dược phẩm Đông Á sẽ đồng thời làm Tổng Giám đốc của BAPI Hoàng Anh Gia Lai.
Dược phẩm Đông Á là thành lập từ tháng 12/1996, hoạt động tích cực trong mảng thực phẩm chức năng, thuốc cổ truyền, dược liệu và cũng được biết đến là đơn vị sở hữu nhà máy sản xuất tỏi đen có diện tích lớn nhất Việt Nam.
Trên trang chủ, Dược phẩm Đông Á tự giới thiệu có hệ thống phân phối trên cả nước, gồm hơn 600 bệnh viện và gần 20.000 nhà thuốc bán lẻ. Cùng với đó, công ty này cũng tham gia hoạt động ở các lĩnh vực logistics, đầu tư kho bãi và hạ tầng.
Bên cạnh đó, HAGL cũng vừa bổ nhiệm ông Trần Văn Giai - chuyên gia có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dinh dưỡng cho heo - vào vị trí Thành viên HĐQT. Ông Giai được xem là ‘công thần’ hiện thực hoá được ý tưởng heo ăn chuối BAPI.
Ông Trần Văn Giai là kỹ sư nông nghiệp, từng công tác tại tập đoàn thức ăn chăn nuôi CP Group của Thái Lan trước năm 1999. Ông cũng từng làm chuyên gia dinh dưỡng cho Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát thuộc Tập đoàn Hòa Phát. Hiện ông là chuyên gia dinh dưỡng, kỹ thuật chăn nuôi tại CTCP Xuất nhập khẩu Dược thú y NASA.
"Tiếc khi hàng trăm ngàn tấn chuối HAGL phải bỏ đi hàng năm, bầu Đức tìm đến và đặt hàng tôi. Trước ý tưởng của bầu Đức, tôi tìm cách xử lý chuối thải, tạo ra loại thức ăn dinh dưỡng cho heo và từ đó cho ra đời heo BAPI ăn chuối", ông Giai kể lại.
Theo đó, một phần chuối chín được sử dụng để cho heo nái ăn trực tiếp. Phần chuối thải còn lại được BAPI HAGL tận dụng làm bột chuối với quy trình bao gồm cạo vỏ, cắt, phơi khô và nghiền thành bột. Bột chuối được dùng để trộn thức ăn cho heo, chiếm khoảng 40%; 60% thức ăn còn lại là bắp, đậu nành, vi chất, thảo mộc…
Tháng 9/2022, BAPI Hoàng Anh Gia Lai đã chính thức đã khai trương cửa hàng đầu tiên của mình tại Đà Nẵng và cái thứ 2 tại TP.HCM. Mô hình BAPI Mart tại Đà Nẵng không chỉ bán thịt heo BAPI mà còn bán trái cây và những loại thực phẩm tiêu dùng hằng ngày. BaPi Mart khá giống 1 siêu thị tiện lợi giống WinMart. Mô hình BAPI Food tại TP.HCM là cửa hàng nhỏ chuyên bán thịt heo.
Ngoài ra, thương hiệu BAPI còn có danh mục sản phẩm chế biến từ thị heo khoảng 10 loại. Trong giai đoạn đầu, BAPI Hoàng Anh Gia Lai sẽ thuê đối tác sản xuất các sản phẩm ăn ngay như xúc xích/chả chứ chưa tự sản xuất.
Về khâu giết mổ, trước mắt, HAGL đang hợp tác sản xuất tại hai nhà máy, gồm: Nhà máy Mavin tại phía Bắc và một dây chuyền sản xuất của Nhật tại Đà Nẵng. Riêng nhà máy tại TP.HCM đang trong quá trình làm việc và sẽ nhanh chóng đưa vào phục vụ với thời gian gần nhất.
Định hướng lâu dài, BAPI HAGL đang triển khai kế hoạch xây dựng nhà máy riêng tại Gia Lai do chính công ty vận hành, giám sát, kiểm nghiệm nhằm chuẩn hóa quy trình khép kín, chủ động kiểm soát chất lượng. Dự kiến nhà máy giết mổ heo này sẽ có công suất 3.000 con/ngày.
BAPI HAGL – ‘CỨU CÁNH’ MỚI CỦA BẦU ĐỨC
“Chúng tôi đang được tiếp cận trực tiếp với thị trường thịt heo Việt Nam cực lớn – dự đoán đâu đó trị giá khoảng 10 tỷ USD.
Trong quá trình làm BAPI, chúng tôi có rất nhiều trăn trở. Hiện chúng tôi đã cung cấp thịt mát và danh mục thực phẩm chế biến sẵn từ thịt heo mang thương hiệu Bapi; vậy chúng tôi phải lựa chọn tiêu chí nào để tập trung? Lựa chọn cuối cùng của chúng tôi chính là chất lượng phải tiên quyết. Phải làm sao để tất cả sản phẩm của BAPI đều đạt chuẩn chất lượng cao – hương vị thơm ngon. Thịt heo của BAPI phải có sự đặc biệt.
Hiện tại BAPI đã có đủ đội ngũ kỹ sư nuôi trồng – dinh dưỡng, đối tác nhà máy giết mổ cũng như đối tác sản xuất thực phẩm nguội.
Dù bước đầu chúng tôi đã có sự ủng hộ nhiệt tình của người dân, nhưng chúng tôi vẫn phải tìm cách để tiếp cận được nhiều người tiêu dùng hơn nữa, xây dựng thương hiệu BAPI. Sắp tới, BAPI có thể không chỉ bán thịt heo, mà còn bán cả thịt bò và gà.
Chúng tôi cần phải liên tục đa dạng hóa sản phẩm, huấn luyện khả năng sơ chế cho các nhân viên trong cửa hàng, để giúp người tiêu dùng giảm bớt thời gian nấu nướng ở nhà. BAPI Food phải làm sao để định vị mình là cửa hàng chuyên về thịt trong mắt người tiêu dùng cũng như đáp ứng được sứ mệnh của mình. Có thể, trong thời gian đầu, BAPI gặp nhiều sơ suất khi phục vụ, nhưng tương lai sẽ phải phục vụ khách hàng tốt hơn nữa”, Tổng Giám đốc BAPI HAGL chia sẻ trong buổi lễ ra mắt thương hiệu BAPI HAGL.
Trong tháng 10 này, họ cũng sẽ khai trương app đặt hàng với mục tiêu là công cụ bán hàng mới này có thể giúp doanh nghiệp xử lý hàng trăm đơn hàng/ngày. Trong tương lai, hệ thống của BAPI phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa, các khâu phải làm việc hiệu quả và phải làm sao để có thể phục vụ bà con nhanh chóng trong bán kính 1km – có như thế thì việc giao hàng online mới khả thi.
“Để làm được điều này, BAPI đang có kế hoạch mở 1.000 cửa hàng thị tại Hà Nội và TP.HCM trong tương lai. Nói chung là chúng tôi phải triển khai dự án nhanh với chi phí hợp lý, hoạt động hiệu quả”, ông Đinh Văn Lộc bày tỏ.
Khác với sự điềm tĩnh của ông Đinh Văn Lộc, Bầu Đức khá hào hứng khi nói đến con heo ăn chuối BAPI của mình. Bởi ông cho rằng: heo ăn chuối và gà đi bộ sẽ là cứu tinh giúp HAGL đi lên từ ‘vực sâu’.
Cũng như mọi lần trước đó, Bầu Đức lại bắt đầu nhớ về chuyện cũ với giọng nghẹn ngào: “Năm 2008 - giai đoạn đó HAGL chính là công ty bất động sản lớn nhất Việt Nam. Nhiều người không tin cho rằng tôi nổ, tôi chỉ nói, ‘vậy bạn có tìm được công ty nào tại Việt Nam to bằng hoặc hơn HAGL hay không?’. Tất nhiên là người đó tìm không được.
Sau đó, chúng tôi lại chuyển hướng qua Lào và Campuchia, đầu tư gần 2 tỷ USD để trồng cao su. Và như các bạn biết, sau vài năm – khi cây cao su của HAGL lớn đủ để có thể thu hoặc thì giá cao su rớt thê thảm, nên chúng tôi buộc phải giơ tay đầu hàng, còn Tập đoàn thì mất thanh khoản. Hơn nữa, thời điểm đó ngân hàng không cho HAGL vay nữa, tức chúng tôi gần như không có quan hệ với ngân hàng.
Dù thất bại bởi cao su, nhưng việc chuyển hướng từ bất động sản qua nông nghiệp là một sự dũng cảm mà không phải doanh nhân hoặc doanh nghiệp nào cũng dám làm.
Thật xui thay, HAGL cứ làm xong thì thị trường lại xuống. Nhiều người bảo do tôi không biết cách quản trị, quản lý thế này thế kia; đúng hay sai không cần biết nhưng thua thì phải chịu, tôi không nói năng gì.
Sau này, may HAGL được Nhà nước hỗ trợ, nếu không sẽ phải tuyên bố phá sản. Nhờ vậy, HAGL có cơ hội tái cấu trúc, chuyển từ cao su sang trồng cây nông nghiệp như ớt, chanh dây, xoài… Năm 2018 anh Dương gặp tôi và đồng ý cùng làm nông nghiệp, nhờ vậy Tập đoàn mới dần khá lên.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải chọn 1 cây hoặc 1 con gì làm trụ cột để bật lên, nếu không quá 3 năm sẽ không chịu nổi. Sau đó chúng tôi đã chọn chuối để thử sức. Rồi khi thấy mỗi năm tập đoàn phải thải ra rất nhiều chuối do không đạt chỉ tiêu xuất khẩu và hao mòn lúc thu hoạch vận chuyển, tôi đã nhờ anh Giai làm sao kết hợp được giữa heo và chuối vì người ăn được chuối thì heo cũng ăn được”.
Ông cũng kể thêm: trong những ngày đầu làm heo ăn chuối BAPI, HAGL có mời các lãnh đạo của các tập đoàn nuôi heo lớn như CP đến để tham quan và thử sản phẩm.
“Sau đó, hầu hết mọi người đều bảo ‘anh Ba ơi, heo ngon quá’. Nhờ heo BaPi, bây giờ tình hình kinh doanh của HAGL đang tốt dần lên, minh chứng ở tỷ suất lợi nhuận tốt. Nhờ giá thành sản xuất của heo BAPI chỉ vào khoảng 6.500 đồng/kg đã giúp HAGL năm đầu tiên có lãi. Sắp tới, HAGL có thể cho ra mắt thị trường thêm gà đi bộ có ăn chuối. Và tôi tin heo ăn chuối và gà đi bộ sẽ giúp HAGL dần khởi sắc và trở lại thời kỳ hoàng kim như trước kia.
Mỗi năm, thị trường Việt Nam cần 30 triệu con heo, 350 triệu con gà, nên số gà heo mà HAGL tung ra thị trường chẳng là gì, không sợ không tiêu thụ hết”, Chủ tịch HAGL khẳng định.
Trước đó, vị Chủ tịch này từng đưa ra dự đoán BAPI HAGL sẽ sớm đạt doanh số trên 10.000 tỷ đồng. Hiện tại, HAGL còn đang nuôi thí điểm 100.000 con gà trên diện tích 2ha tại vùng Mang Yang - Gia Lai. Dự kiến, sản phẩm gà ăn chuối sẽ sớm ra mắt vào khoảng cuối năm 2022 đầu năm 2023. Lộ trình xa hơn, HAGL đặt mục tiêu cung ứng 1 triệu con heo ăn chuối và 5 triệu con gà ăn chuối ra thị trường.
Theo đó, có thể thấy dự án heo – gà ăn chuối BAPI của HAGL khá đặc biệt – trông giống 1 dự án khởi nghiệp, khi HAGL chỉ chịu trách nhiệm cung cấp đầu vào (heo/gà/bò) và làm thương hiệu, Dược phẩm Đông Á chịu trách nhiệm xây dựng chuỗi cửa hàng và phân phối sản phẩm; còn các hoạt động khác như giết mổ - sản xuất thực phẩm nguội đều đang đi thuê.