Chuỗi nhà thuốc lớn nhất miền Tây sắp về tay NĐT Hàn Quốc: Doanh thu/cửa hàng ngang ngửa Long Châu, tham vọng mở 460 điểm bán tiến về phố lớn

Tri Túc | 08:40 10/08/2023

Thông qua hợp tác với Dongwha Pharm, Trung Sơn Pharma không giấu tham vọng tăng cường hơn nữa sự hiện diện bán lẻ lên 460 cửa hàng, tiến vào thành phố lớn - nơi Pharmacity, Long Châu, An Khang... đang tranh nhau quyết liệt.

Chuỗi nhà thuốc lớn nhất miền Tây sắp về tay NĐT Hàn Quốc: Doanh thu/cửa hàng ngang ngửa Long Châu, tham vọng mở 460 điểm bán tiến về phố lớn

Tập đoàn Dongwha Pharm (Hàn Quốc) vừa thông báo đã ký hợp đồng mua 51% cổ phần của Trung Sơn Pharma, một công ty đang điều hành chuỗi nhà thuốc ở Việt Nam, theo Business Korea.

Trong hồ sơ gửi lên Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, Dongwha Pharm cho biết đã chi gần 30 triệu USD để mua lại 51% cổ phần Trung Sơn Pharma, tương đương mức định giá lên đến 60 triệu USD (hơn 1.412 tỷ đồng).

Dự kiến, thương vụ sẽ hoàn tất trong tháng 10 năm nay. Đây là bước đi giúp Dongwha Pharm thâm nhập thị trường Việt Nam với các loại thuốc không kê đơn.

Doanh thu mỗi cửa hàng của  Trung Sơn Pharma ngang ngửa Long Châu

Theo tờ Business Korea, năm ngoái với 140 cửa hàng, Trung Sơn Pharma đạt khoảng 56,5 triệu USD doanh thu, tức hơn 1.340 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 46% kể từ 2019.

2019 cũng là năm ngành dược sôi động, trong đó "chất xúc tác" là đại dịch Covid-19 đưa nhu cầu về chăm sóc sức khoẻ, thuốc thang tăng cao.

Cùng năm, Long Châu đạt 9.596 tỷ đồng doanh thu thuần với 937 cửa hàng và An Khang có doanh thu là 1.500 tỷ đồng với 500 hiệu thuốc (số liệu tính đến hết năm 2022).

Như vậy, trung bình mỗi cửa hàng Trung Sơn Pharma mang về hơn 9,6 tỷ đồng doanh thu, tương đương với Long Châu là 10,2 tỷ đồng và cao hơn An Khang (trung bình mỗi cửa hàng bán lẻ dược phẩm của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài kiếm được 3 tỷ đồng/năm).

Chân dung "Đại gia" miền Tây

Trung Sơn Pharma là chuỗi nhà thuốc lâu đời lớn nhất miền Tây, với quy mô chuỗi hơn 140 cửa hàng, tập trung chính ở Tp. Cần Thơ, tỉnh An Giang, Cà Mau và có 2 chi nhánh tại Tp.HCM.

Đây là sự nghiệp của hai nhà sáng lập xuất thân ngành y: bác sĩ Trương Thanh Sơn và dược sĩ Trương Hoàng Thanh Trúc.

Ghi nhận trên website, Trung Sơn Pharma cung cấp nhiều loại thuốc các sản phẩm bao gồm thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, thực phẩm bổ sung sức khỏe, mỹ phẩm, thiết bị y tế và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp (H&B) với danh mục lên đến 2.750 SKUs.

Ngoài ra, Trung Sơn Pharma còn sở hữu một thẩm mỹ viện Trung Sơn Cosmetic, một trung tâm mỹ phẩm và một trang thương mại điện tử TrungSonCare.com. 

trung-son.jpeg
Vợ chồng bác sĩ - dược sĩ Trương Thanh Sơn và Trương Hoàng Thanh Trúc.

Hệ sinh thái Trung Sơn Pharma gồm một số pháp nhân chính, trong đó Công ty TNHH Trung Sơn Alpha được giới thiệu là đơn vị chủ quản của chuỗi nhà thuốc, CTCP TSCare được giới thiệu là đơn vị vận hành chuỗi nhà thuốc và CTCP TrungsonCare.

Trong lần chia sẻ mới đây với báo giới, hai nhà đồng sáng lập Trung Sơn Pharma nhấn mạnh năm 2022 là năm đánh dấu cột mốc Trung Sơn Pharma không còn là thương hiệu 'local brand' chỉ có ở Cần Thơ mà đã phát triển khắp miền Tây.

Thông qua hợp tác với Dongwha Pharm, Trung Sơn Pharma không giấu tham vọng tăng cường hơn nữa sự hiện diện của họ lên 460 cửa hàng vào năm 2026, tức gấp 3 lần hiện tại và tiến vào thành phố lớn - nơi Pharmacity, Long Châu, An Khang... đang tranh nhau quyết liệt.

Dù vậy, tham gia cuộc chiến quy mô đồng nghĩa các bên sẽ chấp nhận "bức tranh" lỗ khó có hồi kết. Hiện, trong Top 3 đường đua bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam chỉ có Long Châu của FPT Retail công bố có lãi.

An Khang của MWG dù đầu năm tuyên bố đẩy mạnh, song những khó khăn và đầu tư cho "ván cờ lớn" Bách Hoá Xanh khiến công ty sau đó "quay xe", chỉ duy trì quy mô hiện tại.


(0) Bình luận
Chuỗi nhà thuốc lớn nhất miền Tây sắp về tay NĐT Hàn Quốc: Doanh thu/cửa hàng ngang ngửa Long Châu, tham vọng mở 460 điểm bán tiến về phố lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO