Sau khi “thủng” mốc 1.200 điểm, lực cầu bắt đáy gia tăng đã giúp thị trường chứng khoán cân bằng trở lại. VN-Index chốt phiên 25/11 tăng 6,6 điểm lên mốc 1.234. Dù vậy, thanh khoản vẫn ở mức thấp cho thấy áp lực bán đã phần nào giảm bớt nhưng cũng thể hiện dòng tiền vẫn dè dặt chưa sẵn sàng nhập cuộc sau những nhịp chỉnh sâu.
Thị trường có dấu hiệu tạo đáy
Tại chương trình Khớp lệnh, ông Đào Hồng Dương - Giám đốc phân tích ngành và cổ phiếu CTCP Chứng khoán VPBank nhìn nhận thị trường trong 2 tuần qua chịu tác động rất lớn bởi giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài khi họ liên tục bán ròng kịch liệt. Điểm sáng là dòng tiền nhà đầu tư trong nước khá độc lập, không chạy theo làn sóng bán tháo của khối ngoại. Điều này cũng giúp thị trường có mức độ cung cầu cân bằng hơn.
Hiện tại, khi định giá các ngành và cổ phiếu bắt đầu hấp dẫn, chuyên gia VPBankS tin rằng dòng tiền trong nước sẽ là một trong động lực cho thị trường sớm tạo vùng ổn định. Dựa trên phân tích kỹ thuật, những “đáy nhọn” của VN-Index thường rơi vào thời điểm thanh khoản thấp, có nghĩa dòng tiền không lướt sóng ngắn hạn mà tham gia dần vào thị trường khi định giá rẻ. Thị trường giai đoạn này thường gọi là “lên trong nghi ngờ”, bởi đến khi thanh khoản tăng trở lại và xác nhận xu hướng phục hồi thì thị trường đã đi lên được một quãng dài.
Một dấu hiệu thị trường tạo đáy khác được vị chuyên gia đề cập là sự cân bằng về mặt cung cầu khi chạm các ngưỡng hỗ trợ. Các nhà đầu tư đổ xô bán cổ phiếu thì thanh khoản tăng và giá giảm, trong trường hợp thanh khoản giảm dần nhưng giá không còn giảm nữa là một trong những dấu hiện cho thấy đáy ngắn hạn. Về mặt cơ bản, hầu hết ngành nghề và cổ phiếu đều đang đi vào vùng giá hấp dẫn.
Theo dữ liệu lịch sử mà VPBankS đo lường trong 8 năm gần nhất cho thấy có 9/16 ngành cấp 2 đang giao dịch ở mức P/E dưới mức bình quân 8 năm, trong đó có 5 ngành về gần mức thấp nhất của chu kỳ 8 năm. Đối với chỉ tiêu P/B thì có 14/16 ngành giao dịch dưới mức bình quân 8 năm, trong đó có 6 ngành gần mức thấp nhất 8 năm.
Đồng thời, P/B của VN-Index đang ở 1,6 lần trong khi mức thấp nhất trong 8 năm là 1,5 lần và bình quân là 2,2 lần. Như vậy, định giá của VN-Index cũng đã về mức thấp hơn rất nhiều so với bình quân và chỉ còn cách đáy một chút.
Nhóm cổ phiếu định giá rẻ
Ông Đào Hồng Dương đánh giá một số ngành đang có định giá hấp dẫn, P/E thấp hơn mức bình quân 8 năm như thực phẩm và đồ uống, tài nguyên cơ bản, bất động sản, hàng và dịch vụ công nghiệp, điện nước và xăng dầu khí đốt, bảo hiểm, ngân hàng. Nếu xét về P/B thì con số ngành về mức hấp dẫn gần như toàn bộ lĩnh vực, gồm bất động sản, dầu khí, bán lẻ, thực phẩm đồ uống, ngân hàng, bảo hiểm, điện, nước, xây dựng…
Dù việc đầu tư ở vùng định giá thấp giúp hạn chế rủi ro, song mức độ lợi nhuận là bao nhiêu thì phải đi sâu vào triển vọng của ngành trong tương lai. Vị chuyên gia đánh giá những ngành có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2025 so với năm nay, ít chịu ảnh hưởng bởi yếu tố có tính chất tác động bên ngoại và định giá tương đối phù hợp là ngành hóa chất, thực phẩm và đồ uống, bán lẻ, du lịch và giải trí, bất động sản, dịch vụ tài chính, ngân hàng và công nghệ thông tin.
Đánh giá riêng về nhóm bất động sản, chuyên gia VPBankS nhận định tuy kết quả kinh doanh 9 tháng không quá tích cực nhưng vẫn được xếp vào nhóm khả quan bởi những quan điểm tiêu cực của thị trường bất động sản đã phản ánh trong 9 tháng. Tuy nhiên triển vọng bứt phá thì chưa đặt nhiều kỳ vọng. Thông thường, biến động lợi nhuận của nhóm cổ phiếu bất động sản cao hơn nhiều so với VN-Index, dữ liệu trong quá khứ cho thấy rất rõ điều này.
Chuyên gia cho rằng năm 2025 sẽ có rất nhiều cơ hội tốt trong nhóm bất động sản, song cũng sẽ có sự phân hóa. Bởi so với nền thấp 2024, chỉ cần một dự án cỡ trung bình cũng đem lại cho doanh nghiệp lợi nhuận tăng trưởng tốt và dẫn đến biến động giá lớn.