Chứng khoán tuần qua: Thị trường giằng co, dòng tiền sụt giảm mạnh

Thu Thủy | 20:20 11/02/2023

VN-Index tiếp tục có tuần giao dịch ảm đạm khi giảm gần 22 điểm, cùng với khối lượng giao dịch ở mức thấp. Điều này cho thấy rủi ro điều chỉnh giá dẫn đến xu hướng giảm vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.

Chứng khoán tuần qua: Thị trường giằng co, dòng tiền sụt giảm mạnh
Chứng khoán tiếp tục ghi nhận một tuần giao dịch ảm đạm, cùng với thanh khoản xuống thấp.

Thị trường chứng khoán có tuần giảm dịch ảm đạm với sự chiếm ưu thế áp đảo của bên bán. Dù tăng tốt ở phiên đầu tuần (6/2) nhưng chỉ số lại sụt mạnh hơn 23 điểm ngay phiên sau đó (ngày 7/2) với áp lực giảm từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Phiên kế tiếp, chỉ số có sự hồi phục nhẹ hơn 6 điểm. Tuy nhiên, hai phiên cuối tuần thị trường tiếp tục có xu hướng giảm điểm cùng với khối lượng giao dịch liên tục duy trì ở mức thấp.

Tính cho cả tuần, VN-Index giảm mạnh 21,85 điểm (-2,03%), xuống mức 1,055.3 điểm. Phía HNX-Index phiên cuối tuần giảm 2,41 điểm, kết phiên ở mức 208.5 điểm. Xét cho cả tuần, HNX-Index giảm 6,78 điểm (-3.15%).

Về khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HoSE đạt gần 456 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 34,45% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 55 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 25,36% so với tuần giao dịch trước.

Dòng tiền từ khối nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường trong nước suy giảm mạnh, nhất là ở những phiên thị trường bị bán tháo. Cả tuần, khối này chỉ còn mua ròng gần 773 tỷ đồng trên cả hai sàn. Trong đó, khối ngoại mua ròng gần 725 tỷ đồng trên sàn HoSE và mua ròng gần 47 tỷ đồng trên sàn HNX.

screenshot-812-.png

5 phiên giao dịch trong tuần, thị trường liên tục xuất hiện giằng co và ngày càng suy giảm, hiện chỉ số VN-Index lại quay về vùng giá cận 1.050 điểm.

Xét theo mức độ đóng góp, VHM, VIC, MWG và MSN là những cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index. Ở chiều ngược lại, VCB, GAS, PLX những mã có tác động tích cực nhất. Tính riêng VCB đã góp hơn 3 điểm tăng cho chỉ số chính.

Bất chấp sự sụt giảm của thị thị trường chung, nhiều cổ phiếu ngành chế biến thủy sản cũng bật tăng tương đối tốt. Các mã như ANV, CMX, ACL đều ghi nhận sự bứt phá khi tăng quanh mức 11%-16%.

Hiện các doanh nghiệp thủy sản đang đón đơn hàng tăng đột biến, đặc biệt là đơn hàng đến từ Trung Quốc (vừa mở cửa sau chính sách Zero Covid-19) và Mỹ. Hàng vạn công nhân nhà máy tôm, cá… cũng đã bắt đầu quay trở lại công việc ngay đầu năm. Đây là thông tin tích cực với nhóm cổ phiếu này.

Cùng với đó, ngành tiện ích lại có tuần giao dịch ít biến động. Các chủ lực trong nhóm như GAS và BWE chỉ tăng nhẹ lên trên mức tham chiếu. Nhóm cổ phiếu phát điện như PGV, GEG, PPC hay NT2 hiện sắc xanh tương đối tích cực, PC1 thậm chí còn tăng mạnh 10,52%.

Theo Quyết định 02/2023/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) tối thiểu là 1,826.22 đồng/kWh,mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2,444.09 đồng/kWh. So với mức khung giá bán lẻ điện được quy định tại Quyết định 34/2017, giá tối thiểu tăng 220 đồng và giá tối đa tăng 538 đồng/kWh. Thông tin này đã tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu này.

screenshot-810-(1).png

Khối ngoại, là nguồn đầu tư hỗ trợ chính cho dòng tiền trong nước. Tuy nhiên trong tuần này, sức giải ngân của khối này suy yếu rõ rệt nhất là ở những phiên thị trường bị bán tháo.

Cổ phiếu giảm giá mạnh trong tuần qua, nổi bật là tên tuổi lớn nhất ngành bán lẻ MWG (Thế giới di động), sau hàng loạt thông tin về kết quả kinh doanh thua lỗ nghìn tỷ đồng của các chuỗi cửa hàng trong và cả ngoài nước cảu doanh nghiệp này. Từ phiên cuối tuần trước đến hết tuần này, mã cổ phiếu MWG đã ghi nhận 6 phiên liên tiếp giảm giá, hiện thị giá mã này còn 42.100 đồng/CP giảm tương đương gần 12% điểm/5 phiên.

Cùng cảnh ngộ là một đại gia ngành bất động sản, Đất Xanh Group mã cổ phiếu DXG của doanh nghiệp này chỉ với 4/5 phiên giao dịch trong tuần đã mất hơn 13,4% thị giá. Hiện mã này ở mức giá rất thấp chỉ 11.600 đồng/CP. Thông tin về khoản kinh doanh lỗ kỷ lục, cùng vấn đề kinh doanh khó khăn, khiến doanh nghiệp phải cắt giảm hơn 3.000 người đã tác động tiêu cực đến mã cổ phiếu này.

Ngược chiều, mã CMX (Camimex Group) lại có tuần giao dịch ấn tượng khi tăng được gần 12% điểm lên vùng giá 9.760 đồng/CP, cùng với khối lượng giao dịch tăng trưởng mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chứng khoán tuần qua: Thị trường giằng co, dòng tiền sụt giảm mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO