Vào phiên sáng nay, áp lực thị trường không chỉ còn ở nhóm cổ phiếu “họ Vin”. Riêng VIC vẫn là cổ phiếu đáng chú ý nhất khi cổ phiếu VFS trên sàn Nasdaq tiếp tục lao dốc mạnh. Trong nước, cổ phiếu VIC hôm qua đã quay đầu giảm 4,89%, sáng nay giảm tiếp 5,56% nữa. Khoảng 14,2 triệu VIC đã cố gắng “tháo chạy” thành công tương đương gần 977 tỷ đồng được rút ra.
Mặt khác, áp lực bán tháo ồ ạt đã lan rộng ra toàn thị trường, với độ rộng cực kém, gần như tất cả các cổ phiếu thuộc các nhóm ngành đều giảm. Điều này không nằm ngoài dự đoán khi làn sóng tăng giá mạnh mẽ trong tháng 7 với dòng tiền rất lớn nhập cuộc. Giá tăng cao và nhà đầu tư quay sang chốt lời.
Tạm kết phiên sáng, VN-Index đã “bốc hơi” hơn 20 điểm với số mã đỏ nhiều gấp gần 9 lần mã xanh. Chưa kể, thanh khoản riêng khớp lệnh hai sàn lên tới gần 16 ngàn tỷ đồng, cao nhất kể từ đầu tháng 4/2022.
Phiên chiều, thị trường hầu như không ghi nhận bất kỳ tín hiệu hồi phục nào. Thị trường rơi vào trạng thái “hoảng loạn” khi la liệt các cổ phiếu lớn nhỏ kịch sàn. Lực bán dứt khoát và xối xả khiến VN-Index lao dốc không phanh, nhanh chóng thoát phiên mất mốc 1.200 điểm.
Kết phiên cuối tuần, VN-Index bị thổi bay 55,49 điểm (-4,5%) xuống chỉ còn 1.177,99 điểm. HNX-Index mất tới 14,01 điểm (-5,6%) còn 235,96 điểm. UPCOM-Index cũng mất hơn 3,47 điểm (-3,74%) dừng tại 89,27 điểm.
Nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn bị sắc đỏ “nuốt chửng”. Nỗ lực của VCB không là gì so với hơn 10 điểm mà riêng hai mã VIC và VHM lấy đi của chỉ số. Tổng cộng Top 10 tiêu cực nhất thị trường lấy đi của VN-Index hơn 25 điểm.
Cụ thể về các nhóm ngành, tại nhóm cổ phiếu vua ngân hàng. Ngoài duy nhất VCB có sắc xanh tăng 0,11%, còn lại đều bị chìm trong sắc đỏ. Chưa kể, VPB, SHB, EVF, EIB cùng nhau giảm sàn; Đa số đều giảm giá rất mạnh trên 3% trở lên như: VIB -5,56%, TCB -6,34%, OCB -6,19%, SSB -6,63%, CTG -5,83, BID -6,16%,…
Phía nhóm bất động sản thì ngập tràn sắc xanh lơ, tình trạng tiêu cực đến mức số mã kịch sàn còn gần gấp đôi số mã giảm giá. Trong tổng thể gần 80 mã cổ phiếu giao dịch, nhóm chỉ có vỏn vẹn 3 mã có vốn hóa nhỏ tăng giá là PV2, SDU và SZB. Vài tên tuổi lớn có sắc đỏ như BCM -5,56%, VRE -4,9%, KDH -6,62%, VCG -4,85%,… còn lại đua nhau “lau sàn”.
Tình trạng chung, hàng loạt cổ phiếu chứng khoán giảm kịch biên độ như VND, VCI, HCM, VIX, FTS, BSI, TVS, AGR, VDS, CTS,… Nhóm sản xuất ghi nhận phân hóa nhưng nhìn chung vẫn rất tệ. Trong đó, HPG -5,69%, MSN -3,78%, SAB -1,35%, DGC -6,75%; GVR, HSG, SBT, PHR, DBC, HT1, ANV,… cùng rất nhiều mã khác không thoát cảnh giảm sàn. Một vài mã tăng hiếm hoi có thể kể đến BMP, DMC, LBM, TMT.
Tương tự, cổ phiếu năng lượng, hàng không và bán lẻ giao dịch tiêu cực: GAS -2,4%, PGV -4,24%, PLX -6,04% còn POW giảm kịch sàn; VJC -2,1% trong khi HVN giảm kịch biên độ; MWG nằm sàn còn PNJ -2,12% và FRT -4,75% giá trị.
Toàn sàn HoSE chỉ có 25 mã tăng giá, 18 mã đứng giá tham chiếu và 486 mã giảm giá, trong đó có 158 mã kịch sàn (gấp 6 lần số mã tăng giá). Thanh khoản đột biến vượt mức 36.000 tỷ đồng với hơn 1,7 tỷ đơn vị cổ phiếu được sang tay trong ngày.
Phiên hôm nay đã “thổi bay” gần 222.000 tỷ đồng (~ 9,3 tỷ USD) vốn hóa của sàn HoSE, mất hết gần toàn bộ thành quả tăng giá trong một tháng qua. Tính đến hết ngày 18/8, giá trị vốn hóa của sàn HoSE chỉ còn hơn 4,7 triệu tỷ đồng.
Điểm sáng duy nhất mà thị trường có được hôm nay lại đến từ khối ngoại, khi khối này mua ròng hơn 450 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Tại sàn HoSE, khối ngoại mua ròng chiếm hơn 431 tỷ đồng. Tâm điểm gom hàng là VNM với 187 tỷ đồng, tiếp theo là CTG +156 tỷ đồng, VHM +146,5 tỷ đồng, VRE +103 tỷ đồng,… Ngược lại, DGC bị bán ròng mạnh nhất 48,5 tỷ đồng, VIC -46,6 tỷ đồng, MSN -41 tỷ đồng, VPB, SSI bán 40 tỷ đồng mỗi mã,…