Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái: Đừng vì sai phạm của cá nhân mà hủy hoại cả doanh nghiệp

Ánh Ngọc | 17:59 13/10/2022

Lấy ví dụ tập đoàn Samsung vẫn phát triển như bình thường ngay cả khi Phó Chủ tịch bị bắt, ông chủ Phú Thái Phạm Đình Đoàn cho rằng nên tách bạch giữa sai phạm của doanh nhân với doanh nghiệp mà họ quản lý.

Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái: Đừng vì sai phạm của cá nhân mà hủy hoại cả doanh nghiệp
Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái. Ảnh: Baodautu.

Trong chương trình Đối thoại đầu tuần do Báo Đầu tư thực hiện vừa diễn ra, hai khách mời là TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và TS. Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, đã có những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề đạo đức và tính liêm chính trong kinh doanh.

Trước tình trạng nhiều doanh nhân Việt Nam vi phạm pháp luật hoặc không hoạt động theo chuẩn quốc tế, ông Phạm Đình Đoàn cho rằng nguyên nhân có thể xuất phát từ mong muốn phát triển thật nhanh. Đặc biệt đối với những doanh nhân điều hành quy mô kinh doanh lớn, ông thẳng thắn bày tỏ rằng “kiểu gì cũng có sai phạm, khó có thể tuyệt đối”.

Tuy nhiên, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái đặt vấn đề rằng liệu có nên để cho các doanh nhân cơ hội khắc phục những sai phạm vừa và nhỏ. “Có vi phạm đương nhiên phải xử lý, nhưng cũng phải để ý đến doanh nghiệp của họ. Bởi lẽ doanh nghiệp đang tạo ra hàng nghìn, hàng chục nghìn việc làm cũng như thương hiệu mà dày công mới có được. Vì vậy nên tách bạch các vấn đề”, ông nói.

Hiện nay ở Việt Nam, những tập đoàn kinh tế tư nhân và doanh nghiệp lớn đa phần đang dựa vào một vài cá nhân. Người ta gọi đó là con voi đứng trên cái tăm. Khi cá nhân có vấn đề, cả doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng”.

Tuy nhiên như Samsung, Phó Chủ tịch bị bắt và đi tù, nhưng tập đoàn vẫn phát triển bình thường. Vì vậy, đừng hủy hoại một doanh nghiệp lớn bởi rất khó xây dựng lại. Có thể người ta làm 10 sai 2, nhưng 10 trừ 2 vẫn còn 8, còn hơn người ta không làm gì cả”, ông Đoàn nêu quan điểm.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Đình Cung khẳng định cần tách bạch giữa người quản lý, chủ sở hữu doanh nghiệp với công ty, bởi đây là hai thực thể hoàn toàn khác nhau về trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý.

Thường việc gì xảy ra với ông chủ thì doanh nghiệp phải chịu, như bị niêm phong hay ngừng hoạt động. Như vậy là phá hủy doanh nghiệp theo cách nhanh nhất. Rất nhiều bên liên quan như nhà đầu tư, người tiêu dùng, các ngân hàng đều chịu thiệt, xã hội đều thiệt, không ai được hưởng lợi. Mà việc đó cũng không góp phần giúp xử lý sai phạm của doanh nhân”, ông Cung phân tích.

doanh-nhan-vn.jpg
Ông Phạm Đình Đoàn (trái) và ông Nguyễn Đình Cung trong chương trình Đối thoại đầu tuần hôm 12/10. Ảnh: Baodautu.

Một nội dung khác được hai khách mời tập trung thảo luận là lý do Việt Nam chưa có nhiều tập đoàn kinh tế lớn, trong bối cảnh có tới 96% doanh nghiệp hiện nay quy mô vừa và nhỏ.

Theo ông Cung, các doanh nghiệp Việt Nam đã lớn mạnh so với trước đây, nhưng so với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và quốc tế vẫn tồn tại khoảng cách khá xa. "Doanh nghiệp của chúng ta không lớn được và không muốn lớn”, ông nói.

Một trong những nguyên nhân chuyên gia này đưa ra là doanh nghiệp càng lớn càng bị thanh tra, kiểm tra nhiều. Cùng với việc báo chí thường đưa những sai phạm mà theo ông “không đáng để đưa lên truyền thông”, doanh nghiệp sẽ gặp rào cản.

"Thế kỷ 21 là thế kỷ của teamwork, sự cộng lực của các doanh nghiệp. Rộng hơn là phải xây dựng các tập đoàn kinh tế hàng đầu, đóng vai trò là đầu tàu. Nếu chỉ toàn những toa tàu thì rất khó đi nhanh và đi đúng hướng”, ông Đoàn chỉ ra.

Chủ tịch Phú Thái từng đề xuất xây dựng một số tập đoàn kinh tế tư nhân tiêu biểu để dẫn dắt được các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những ý tưởng như vậy đối với các nước khác không mới, nhưng có thể tại Việt Nam cần thời gian xem xét, tính toán kỹ. Mặc dù vậy, ông Đoàn vẫn khẳng định nếu không có những đột phá và sự học hỏi xung quanh, đi tắt đón đầu, thì Việt Nam rất khó đuổi kịp và vượt các nước khác.

Ông Đoàn chỉ ra 3 điểm lo ngại của các tập đoàn lớn.

Đầu tiên là cơ chế để các doanh nghiệp lớn được nhà nước hậu thuẫn công bằng, minh bạch, hợp lý, hiệu quả.

Thứ hai là nguồn nhân lực. Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề này, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cung không đủ cầu. Từ đó dẫn đến doanh nghiệp gặp rủi ro khi các nguồn nhân lực rời khỏi công ty.

Cuối cùng, các doanh nghiệp lớn e ngại về quản trị rủi ro. “Phát triển càng lớn càng nhiều vấn đề xảy ra mà mình không kiểm soát được. Về cơ bản, có thể chủ doanh nghiệp muốn tuân thủ pháp luật. Nhưng đôi khi với hàng nghìn, hàng chục nghìn nhân viên thì không kiểm soát được”, ông Đoàn cho hay.

Bất chấp nhiều khó khăn, ông Đoàn quan sát thấy các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang nỗ lực để trở thành tập đoàn kinh tế lớn.

Để phát triển, Việt Nam cần một cỗ xe pháo mã gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân. Chắc chắn doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển phải được quan tâm, đặc biệt các doanh nghiệp tư nhân lớn”, ông khẳng định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái: Đừng vì sai phạm của cá nhân mà hủy hoại cả doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO