Trong sự kiện, ngoài việc phân tích diễn biến thị trường bất động sản khu vực TP HCM, ông Lê Hoàng Châu nhận định về sức khỏe doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực này.
“Sức khỏe doanh nghiệp bất động sản rất yếu. Trước đây, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, phải trải qua tình trạng "bạo bệnh", nhưng hiện đã vượt qua giai đoạn "sinh tử", ông Châu nói và thêm rằng những doanh nghiệp còn tồn tại đến thời điểm này là một điều đáng mừng.
Tương tự, ông Ngô Hữu Trường – Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng, thị trường bất động sản dù có dấu hiệu tích cực, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo đại diện từ Hưng Thịnh, có ba yếu tố khiến thị trường bất động sản lâm vào thế khó gồm: Người dân mất niềm tin; doanh nghiệp vướng mắc pháp lý, còn tồn kho lớn; chi phí triển khai dự án mới lớn…
Cụ thể, thị trường bất động sản vẫn đang chịu nhiều tổn thương khi khách hàng là đối tượng bị ảnh hưởng và họ chưa khôi phục được lòng tin với thị trường.
“Về phía các chủ đầu tư, nhiều công ty bất động sản đang đối mặt với khó khăn pháp lý, lượng hàng tồn kho còn lớn, và dòng tiền bị gián đoạn”, ông Trường nói.
Song song đó, chi phí đầu vào cho việc triển khai dự án mới cũng như xử lý các vấn đề tồn đọng cũ vẫn gặp trở ngại, dẫn đến chi phí tăng cao. Điều này khiến định giá thị trường khó giảm trong thời gian ngắn.
"Tôi cho rằng, đến cuối năm nay hoặc đầu năm 2025, thị trường vẫn còn gặp nhiều thách thức nhưng không có nghĩa là bế tắc. Doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất kiên cường và sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn", đại diện Hưng Thịnh nói.
Ông Ngô Hữu Trường – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh
Trong khi đó, ông Đỗ Quốc Anh - Giám đốc Vận hành Công ty CP Tập đoàn Khải Hưng lại cho rằng, tập đoàn đang vướng khâu thẩm định, quy hoạch, xây dựng... dù Luật Đất đai mới đã có quy định đất nông nghiệp có thể kinh doanh dịch vụ lưu trú giải trí.
Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, từ góc độ doanh nghiệp, đại diện Hưng Thịnh cho rằng cần đẩy mạnh hợp tác sâu rộng, gia tăng các giao dịch mua bán, sáp nhập để thu hút nguồn vốn mới.
“Quan trọng nhất phải giải quyết các vướng mắc pháp lý một cách nhanh chóng và hiệu quả, tiết giảm chi phí”, ông Trường nói.
Còn ông Lê Hoàng Châu đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp bất động sản nên "liệu cơm gắp mắm", cân nhắc kỹ lưỡng năng lực đầu tư, tránh dàn trải và bố trí nguồn lực tài chính sao cho phù hợp.
Trước đó, vào năm 2018, Hiệp hội Bất động sản TP HCM đã khuyến nghị các doanh nghiệp cần đáp ứng tốt các yêu cầu pháp lý về đầu tư, tín dụng, đảm bảo an toàn tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh để duy trì sự ổn định nội bộ của doanh nghiệp.
Điều này sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp tăng thêm nguồn thu để duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh tập đoàn có những quỹ đất hiện chưa triển khai xây dựng được.