Mới đây, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (NIC) đã tổ chức tọa đàm "Vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển nhân lực công nghiệp bán dẫn". Theo đó, tại tọa đàm, đại diện từ các đơn vị đã đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực bán dẫn để Việt Nam không bị lỡ thời cơ.
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những nền tảng quan trọng của nền kinh tế hiện đại, là “trái tim” của cuộc cách mạng công nghệ, cơ sở cho sự phát triển của nhiều ngành công nghệ cao.
Bộ trưởng cho hay, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam xác định cần phải ưu tiên đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.
"Đây không chỉ là yêu cầu cấp thiết để bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu, mà còn là bước đi chiến lược nhằm xây dựng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư nhấn mạnh
Khi nói về vai trò của 3 nhà: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT đã bày tỏ ấn tượng với sự lăn lộn của lãnh đạo Bộ KH-ĐT và lãnh đạo một số địa phương, trong đó có TP Đà Nẵng trong việc đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn.
Bên cạnh đó, ông cũng rất vui khi thấy có rất nhiều bạn trẻ đăng ký học Chương trình đào tạo thiết kế vi mạch trong bối cảnh đây là một lĩnh vực mới tại Việt Nam và số lượng nhân lực của ngành vẫn còn đang ít ỏi. Sau 3 tháng đào tạo, những sinh viên đầu tiên đăng ký học chương trình đào tạo thiết kế vi mạch đã tốt nghiệp.
"Có thể nói, các bạn đã bước những bước đầu tiên trên con đường chưa nhiều người đi. Các bạn như những người tiên phong" vị lãnh đạo FPT bày tỏ.
Về phía nhà trường, ông Bình cũng cho biết, đây cũng là lần đầu tiên ông chứng kiến các trường đại học đã vô cùng tích cực tham gia ngành bán dẫn chỉ trong một thời gian rất ngắn. Trong đó, FPT cam kết đào tạo 10.000 nhân sự cho nước nhà. Song, ông Bình cho hay, chương trình đào tạo thiết kế vi mạch hôm nay chỉ là bước đầu FPT còn có mong muốn nhiều hơn nữa.
"Ước mơ của chúng ta là đáp ứng nhu cầu nhân lực cho toàn thế giới. Đấy mới là ước mơ thật của chúng tôi - 1 triệu nhân lực bán dẫn", ông Trương Gia Bình chia sẻ.
Ông lấy dẫn chứng CEO Nvidia từng nói nếu Việt Nam có 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin, 1 triệu nhân lực công nghệ bán dẫn, 1 triệu nhân lực AI Việt Nam sẽ bước vào nhóm các quốc gia tiên tiến nhất.
Bên cạnh đó, các sinh viên học bán dẫn có rất nhiều cơ hội việc làm. Ông tiết lộ trong các cuộc gặp gỡ doanh nghiệp Nhật Bản nhận thấy họ muốn giao thêm nhiều việc về AI nếu có đủ năng lực. Nhiều người Việt ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc là những anh hùng hào kiệt làm chip đã tập hợp với nhau để thảo luận, xây dựng các doanh nghiệp start up. Các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam như Vingroup, FPT, Viettel… sẽ biến ý tưởng thành hiện thực.
Ông Bình tin rằng tất cả mọi người có mặt tại buổi tọa đàm có một sứ mạng vô cùng lớn lao là những người đầu tiên dấn thân vào ngành công nghiệp bán dẫn. Hiện cơ hội đang ở trước mặt và ông hy vọng tất cả mọi người cùng nhau thực hiện sứ mạng đưa ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam phát triển.
"Thời gian tới, tôi hy vọng, các bạn quan tâm đến việc quan tâm đến xu hướng đưa AI lên chip. Nếu chúng ta đầu tư vào hướng này, sẽ không thể tưởng tượng được sẽ phát triển như thế nào trong tương lai", ông Bình cho hay.