- - Chủ tịch FPT - ông Trương Gia Bình khẳng định sự tin tưởng vào tương lai của công nghệ blockchain: “Chúng tôi có niềm tin sâu sắc về blockchain và metaverse”.
- - FPT đã bắt đầu phát triển blockchain thông qua việc xây dựng các trung tâm đào tạo ươm mầm về công nghệ này.
Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của CDBC - Tiền số quốc gia, một ứng dụng quan trọng của công nghệ blockchain.
Sáng 19/10/2022, tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, Hà Nội - Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) và Hiệp hội Blockchain Việt Nam (Vietnam Blockchain Association) đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Blockchain Việt Nam 2022 (Vietnam Blockchain Summit 2022).
Trong phần phát biểu khai mạc hội nghị Vietnam Blockchain Summit 2022 ông Trương Gia Bình - Chủ tịch tập đoàn FPT đã chia sẻ về cách tiếp cận của FPT với blockchain trong kỉ nguyên số.
Ông nhận định rằng thế giới đang bước vào kỷ nguyên số và blockchain là một phần quan trọng để tạo nên điều đó. FPT cũng như cá nhân ông hoàn toàn tin tưởng cũng như ủng hộ các công nghệ mới. FPT đã bắt đầu phát triển blockchain thông qua việc xây dựng các trung tâm đào tạo ươm mầm về blockchain.
Ngoài ra ông còn chia sẻ thêm về ứng dụng với metaverse, niềm tin về một thế giới mới “đẹp tuyệt vời” khi có metaverse và “chúng tôi cũng ứng dụng đưa có các hoạt động nghiên cứu metaverse vào thế giới thực”. - ông Trương Gia Bình chia sẻ thêm.
Cuối bài phát biểu của mình, chủ tịch tập đoàn FPT khẳng định chắc chắn và tin tưởng vào tương lai của công nghệ blockchain: “Chúng tôi có niềm tin sâu sắc về blockchain và metaverse”.
Trong phiên khai mạc sáng hôm nay, Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cũng có bài phát biểu về Stablecoins và CBDC. Trong bài phát biểu của mình ông Trung tập trung phân tích về ứng dụng của blockchain đối với hoạt động tài chính, trong đó quan trọng nhất là sự chuyển đổi của nền kinh tế số.
Việc sử dụng CBDC sẽ có ý nghĩa và lợi ích lớn đối với ngành tài chính và ngân hàng trong tương lai. CBDC nói riêng và blockchain nói chung sẽ giúp ngành tài chính nắm bắt và quản lý tốt hơn khách hàng, chống rửa tiền…
Ông cũng đưa ra các dẫn chứng về việc các quốc gia đang ứng dụng CBDC như thế nào. Trong đó, Trung Quốc đã số hóa nền kinh tế không tiền mặt của mình bằng việc phát hành đồng e-CNY, một ứng dụng CBDC.
Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam phát biểu về CBDC
Với các số liệu được công bố, Việt Nam hiện tại chỉ đang dừng lại ở việc tìm kiếm thông tin liên quan đến CBDC và chưa có “chạy CBDC” tạo ra các tác động trực tiếp.
Ông Phan Đức Trung chia sẻ thêm rằng việc tiếp cận, nghiên cứu sớm CBDC và blockchain sẽ tạo ra được lợi thế trong chuyển đổi tài chính, thúc đẩy nền kinh tế số và có thể có các tác động có lợi cho xuất nhập khẩu, thương mại xuyên biên giới, dự trữ tài chính…
Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 19 đến 20/10, với hơn 1.000 đại biểu, hơn 50 diễn giả, trong đó có gần 150 đại biểu quốc tế đến từ hơn 30 nền kinh tế - là những cường quốc về công nghệ blockchain trong khu vực và trên thế giới sẽ tham gia thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến đào tạo nhận thức và nguồn nhân lực phát triển blockchain tại Việt Nam.