Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”, Hội thảo chuyên đề 2 được tổ chức với chủ đề “Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng, tổ chức vào ngày 17/12/2022.
Phát biểu tại hội thảo liên quan đến vấn đề thị trường trái phiếu Việt Nam, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinRatings chia sẻ, trong 3 năm vừa qua, kênh TPDN đã phát huy vai trò quan trọng là một kênh huy động vốn trung dài hạn cho nguồn lực xã hội nhằm phát triển kinh tế trong những năm qua.
Tuy nhiên, thị trường hiện tại 2 tháng vừa rồi cơ bản là đóng băng. Cụ thể, phát hành mới đang đóng băng và hoạt động mua lại trước hạn lại rất sôi động.
“Tháng 10 chỉ có 1 giao dịch duy nhất và tháng 11 có thêm vài giao dịch nhưng rất nhỏ”, ông Thuân cho hay.
Mỗi năm có khoảng 200 – 350 doanh nghiệp tham gia phát hành trái phiếu riêng lẻ. Hiện số dư trái phiếu lưu hành khoảng 1,3 triệu tỷ VNĐ đến từ 627 doanh nghiệp. Chào bán ra công chúng còn quá ít với chỉ 10-14 doanh nghiệp thực hiện phát hành/năm. Trái phiếu chào bán trên thị trường quốc tế cũng rất ít, doanh nghiệp chủ yếu tiếp cận các khoản vay ngoại tệ.
“Đây không chỉ là vấn đề môi trường lãi suất cao, không chỉ là vấn đề chất lượng doanh nghiệp yếu kém, không minh bạch, không chỉ là vấn đề các vụ việc vi phạm mà còn có rất nhiều vấn đề khác”, ông Thuân nhận định.
Theo Chủ tịch FiinRatings, mọi người thường nói nhiều đến, nguồn cung, hạ tầng và chính sách. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất đấy là cơ sở nhà đầu tư quá yếu, chủ yếu là ngân hàng và nếu không tính ngân hàng thì chủ yếu cũng là các nhà đầu tư cá nhân. Còn các định chế tài chính khác như bảo hiểm, các quỹ đầu tư còn tham gia rất hạn chế.
“Nếu không tính trái phiếu nắm giữ bởi ngân hàng thì nhà đầu tư cá nhân hiện tại đang sở hữu trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất”, vị Chủ tịch FiinRatings chia sẻ.
“Vậy vấn đề đặt ra là khi thị trường có một số những thất bại do vận hành thì sự can thiệp của Nhà nước thay đổi chính sách chính là chung tay với tất cả thành viên thị trường, đặc biệt đối với định chế tài chính trung gian”, ông Thuân nhận định.
Theo đó, để hoàn thiện nền tảng thị trường đầy đủ và hiệu quả, ông Thuân đã chỉ ra 6 thách thức chính, không chỉ có không chỉ có thể xây dựng sách mà liên quan đến tất cả các thành viên chính trên thị trường, đặc biệt là vai trò của các định chế tài chính trung gian.
"Chúng ta nói nhiều đến nhà đầu tư, đến bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, nhiều đến chất lượng của nhãn hàng yếu, không minh bạch nhưng thực sự vai trò của các định chế trung gian rất lớn trong thị trường này", ông Thuân cho biết.
Thách thức đầu tiên là tổ chức phát hành có năng lực tín dụng phân hóa và một số còn hạn chế. Chất lượng hàng hóa thiếu thông tin và chưa rõ ràng.
“Riêng trong ngành bất động sản, hơn 80% doanh nghiệp chưa phát hành và thông tin vẫn chưa hề được minh bạch cho đến ngày hôm nay. Các bản chào trái phiếu cách đây 2-3 năm đã quá cũ và hiện tại không có một thông tin gì đáng kể để phục vụ cho nhà đầu tư trong việc cập nhật tín dụng cũng như khả năng trả nợ”, ông Thuân nhận định.
Vì vậy, ông Thuân nhấn mạnh, trước khi đề xuất chính sách thì việc đầu tiên là doanh nghiệp phải chủ động minh bạch.
“Cũng giống như khi Chính phủ huy động trái phiếu nội địa, trái phiếu quốc tế, Chính phủ đã rất minh bạch thu chi thì không có cớ gì doanh nghiệp lấy tiền của công chúng vay nợ lại không minh bạch thông tin”, ông chia sẻ.
Thách thức thứ hai là chất lượng tư vấn chưa cao. Hồ sơ chào bán chủ yếu mang tính tuân thủ, còn thiếu thông tin về phân tích rủi ro. Thứ ba là vai trò ủy thác (fiduciary) của các định chế trung gian, cụ thể là cái chứng khoán và ngân hàng vẫn chưa được phát huy tốt.
Bên cạnh đó, là hạ tầng trung gian chưa hình thành đầy đủ: minh bạch thông tin, thứ cấp tập trung, xếp hạng tín nhiệm, định giá trái phiếu. Không chỉ vậy, sự am hiểu của nhà đầu tư cá nhân còn hạn chế và mang tính truyền tai, bề nổi. Ngoài ra, chính sách điều chỉnh kịp thời cho một số thất bại của thị trường nhưng chưa hình thành một hệ thống nền tảng đầy đủ và có tính tiên liệu cao.
Minh bạch là chìa khóa
Đề cập đến những rủi ro chính đối với mục tiêu duy trì ổn định hệ thống tài chính và hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, ông Thuân cho hay, tâm lý nhà đầu tư tiếp tục tiêu cực ảnh hưởng đến thị trường tài chính có thể khiến vai trò đầu tư của thị trường vốn giảm sút, huy động vốn mới khó khăn; tái cấp vốn khó khăn, kể cả DN tốt; Tác động dây chuyền tiếp tục trên thị trường vốn.
Rủi ro thứ hai là mất thanh khoản doanh nghiệp trên diện rộng.
“Bản chất các doanh nghiệp hiện tại thì không chỉ vay vốn ngân hàng, không chỉ huy động trái phiếu, không chỉ vay vốn từ khách hàng, mà các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngành bất động sản thường vay chéo lẫn nhau để có thể phát triển. Nếu chúng ta xử lý không khéo sẽ có thể ảnh hưởng đến thanh khoản trên diện rộng”, ông Thuân nhận định.
Ngoài ra, một số rủi ro khác cũng được đề cập bao gồm: vi phạm nghĩa vụ nợ trái phiếu và ảnh hưởng đến nợ xấu ngân hàng (NPL); đầu tư khối tư nhân giảm sút; ảnh hưởng đến dòng vốn nước ngoài.
Về giải pháp, Chủ tịch FiinRatings đề xuất, hoạt động huy động TPDN là theo nguyên tắc tự vay tự trả và là mối quan hệ dân sự, do đó các doanh nghiệp nên chủ động đánh giá khả năng trả nợ, minh bạch cho nhà đầu tư và có các biện pháp phù hợp, bao gồm tái cấu trúc qua việc giãn, hoãn nợ với các điều khoản mới.
"Minh bạch là chìa khóa của mọi giải pháp", ông Nguyễn Quang Thuân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các giải pháp ngắn hạn nhằm khôi phục niềm tin thị trường và duy trì kênh vốn này bao gồm: (i) Có liệu pháp riêng cho các nhà phát hành có rủi ro cao; (ii) Đẩy nhanh tiến độ xử lý và tái cấu trúc nợ; (iii) Vẫn có thể cho phép bán TP Riêng lẻ cho NĐT cá nhân nhỏ lẻ nếu được ngân hàng thẩm định và bảo lãnh thanh toán; và (iv) Khai thông TP chào bán đại chúng qua việc áp dụng phê duyệt nhanh.
Về trung dài hạn, nền tảng thị trường cần phải được hoàn thiện theo 3 nhóm giải pháp: (i) chuẩn hóa chất lượng cung hàng, (ii) hạ tầng trung gian về giao dịch và minh bạch thông tin; và (iii) mở rộng cơ sở NĐT định chế.