“Chúng tôi đã sắp xếp cung cấp hơn 10 tỷ USD vào thị trường Việt Nam, và đang có kế hoạch tăng thêm 10 tỷ USD. Mỗi ngày Acuity thương thảo làm việc với 5-6 dự án và khách hàng”, ông Ranjit Thambyrajah, JP - Chủ tịch Acuity Funding chia sẻ trong buổi trò chuyện mới đây.
Được biết, Acuity Funding (Acuity) là công ty hơn 30 năm tuổi, trụ sở chính tại Sydney là chuyên gia về giải pháp tài chính cho các dự án quy mô lớn. Acuity có mặt tại Việt Nam từ năm 2018, bắt đầu qua việc sắp xếp vốn vay cho một dự án nhà máy nhiệt điện trị giá hơn 3,5 tỷ USD và đã có nhiều năm làm việc với chính phủ Úc và Việt Nam, các ngân hàng và các tập đoàn lớn để sắp xếp vốn vay hoặc đầu tư cho các dự án có quy mô lớn.
Sau đó xuất phát từ sở thích với các món ăn và khả năng của con người Việt Nam, Ranjit đã quyết định chọn nơi đây là thị trường rót vốn trọng điểm của Acuity trong khu vực châu Á Thái Bình Dương và càng ngày chứng tỏ quyết định đó là hợp lý.
Acuity tham gia cung cấp vốn rất đa dạng trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam như phát triển khu đô thị, dân cư quy mô lớn; khách sạn/ resort; nghĩa trang; khu công nghiệp xử lý chất thải; năng lượng; hàng không; hạ tầng đường bộ, đường sắt, cảng biển; bệnh viện, trường học; nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, nông nghiệp,khai khoáng.... với giá trị mỗi dự án từ 100 triệu USD lên tới 5 tỷ USD. Trong suốt chiều dài hoạt động, Acuity chưa từng để mất tiền hay có một khoản nợ xấu từ cách thức quản lý rủi ro theo sát vấn đề và luôn có các giải pháp phòng ngừa từ rất sớm. Các dự án ngoài sự khả thi, được sự ủng hộ của Acuity khi có đóng góp lại cho cộng đồng và cải thiện môi trường.
Ngoài cung cấp vốn, Acuity còn hướng dẫn các cách thức phát triển và quản lý dự án theo chuẩn mực phương Tây, không cho chủ dự án sử dụng tiền sai mục đích và nguồn vốn được riêng biệt cho từng dự án. Khách hàng mua căn hộ cho các dự án Acuity tài trợ vay không phải đóng tiền theo tiến độ xây dựng, mà họ chỉ đặt cọc lần đầu vào tài khoản trung gian của luật sư, và Acuity cung cấp tài chính và cho phép giải ngân trên giá trị hợp đồng đó cho vấn đề xây dựng. Điều này giúp đảm bảo quyền lợi của người mua và đảm bảo dự án phát triển hoàn tất không gián đoạn do thiếu vốn, qua đó giảm thiểu rủi ro cho tất cả các bên.
Nói về các đối thủ, ông Ranjit cho biết trước đây có thể hiểu Credit Suisse là một trong những đơn vị cạnh tranh trực tiếp với Acuity. Sau sự cố của hệ thống ngân hàng toàn cầu, Acuity lại càng lớn mạnh do không phải theo những quy định hay áp lực như ngân hàng. Do cấu trúc hoạt động cho phép, quy mô cấp vốn của Acuity là không giới hạn. Acuity hay bị nhầm lẫn với quỹ và thường phải đính chính họ không phải quỹ đầu tư mà là đơn vị được ủy thác quản lý các nguồn quỹ khác nhau từ các quỹ hưu trí, quỹ đầu tư, quỹ phòng hộ, tổ chức bảo hiểm lớn tại Anh, Mỹ và Úc để chuyển đổi nguồn vốn thành khoản vay hoặc đầu tư cho các dự án trọng điểm trên toàn cầu.
Trong chia sẻ trước đó, Acuity cho biết đã sắp xếp và quản lý hơn 60 tỷ USD cho khu vực châu Á Thái Bình Dương, và Việt Nam theo quan sát là một trong những quốc gia cần vốn nhiều nhất với dự trù ban đầu là 10 tỷ USD cho năm vừa qua. Trong số 11 quốc gia Acuity đang có dự án hoạt động, Việt Nam là nơi có nhu cầu vốn cao nhất. Acuity cũng chọn Việt Nam là quốc gia thứ 4 mở văn phòng trong tháng 5/2023, đúng dịp 30 năm thành lập.
Đáng chú ý, trong bối cảnh hiện nay, Acuity cũng tham gia “giải cứu” trái phiếu doanh nghiệp thông qua việc cung cấp vốn và giải pháp chuyển đổi thành các khoản vay hoặc đầu tư trung dài hạn với 3 năm ân hạn, giúp các trái chủ lấy lại được khoản đầu tư, doanh nghiệp vượt qua khó khăn và dự án có thể tiếp tục phát triển cho tới khi hoàn tất. Các quỹ đầu tư ủy thác vốn cho Acuity đã tới Việt Nam nhiều lần và ủng hộ các giải pháp và kế hoạch của Acuity trong việc tham gia hỗ trợ trên với mục tiêu mang lại sự phát triển bền vững.
“Thị trường trái phiếu Việt Nam theo tôi quan sát là khá tương đồng với Trung Quốc trong những năm trước đây. Nhưng, chúng ta không may là TPDN bùng bổ và gặp vấn đề ngay lúc lãi suất tăng và sự khan hiếm nguồn cung tài chính, thêm vào đó là những quy định quản lý vấn đề trái phiếu còn chưa phù hợp. Acuity đang tham gia làm việc với các ngân hàng thông qua các đối tác có sức ảnh hưởng để giải quyết hỗ trợ, các bên phải ngồi lại và cung cấp thông tin trung thực, chính xác để có thể có giải pháp”, vị này nhấn mạnh.
Hiện, quy mô thị trường TPDN Việt nam ghi nhận đạt mức 14% GDP, tăng đáng kể so với mức 2,7% năm 2013. Xét về tốc độ tăng trưởng qua các năm, quy mô thị trường đạt mức tăng trưởng 31,7%/năm trong 10 năm qua.
Theo chuyên gia, sự phát triển vượt bậc của thị trường trái phiếu chủ yếu tập trung vào năm 2020, khi tăng từ mức gần 11% GDP năm 2019 lên 17% năm 2020, do 2020 là năm đặc biệt do có tác động của đại dịch Covid-19. Do đó nhờ thanh khoản của thị trường dồi dào, mặt bằng lãi suất thấp mà khả năng huy động vốn của doanh nghiệp tăng mạnh. Do đó, có thể nói sự phát triển của thị trường mới chỉ về quy mô, chưa thực sự bền vững và phát triển về chất lượng.
Chính những điều chỉnh gần đây trên thị trường, bao gồm việc áp dụng điều kiện chặt chẽ hơn đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp áp dụng từ 2024, hay sự tăng cường thanh tra giám sát của chính phủ và các chính sách hỗ trợ tăng tính minh bạch của thị trường sẽ giúp thị trường trái phiếu phát triển bền vững hơn trong dài hạn.
Với những luận điểm trên, Việt Nam theo đó lọt bảng xếp hạng rất cao trong ưu tiên tài trợ của Acuity. Acuity đã và đang xem xét các khoản vay cho hàng chục dự án tại Việt Nam. Trong đó, khoản vay tối thiểu là 50 triệu USD qua 5-40 năm với thời gian ân hạn 3-5 năm.
“Chúng tôi tin rằng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực sau đại dịch Covid-19. Thị trường còn rất nhiều tiềm năng cùng nhu cầu rất lớn là nền tảng cho sự lớn mạnh trong tương lai, Acuity mong muốn đồng hành cùng sự phát triển của Việt Nam trong hàng chục năm tới”, đại diện nói thêm.