Năm 2020, cô Tào ở Hồ Nam, Trung Quốc có mua một căn hộ. Sau đó, vì phải đi công tác trong thời gian dài nên căn hộ này bị bỏ trống. Đến tháng 18/9/2022, cô Tào trở về nhà của mình thì bất ngờ phát hiện có 2 người đàn ông lạ mặt đã chuyển đến và sống ở đây từ lúc nào.
Bước vào căn nhà của mình và nhìn thấy khung cảnh bừa bộn với tàn thuốc trên sàn và vết dầu trong bếp, cô Tào rất tức giận và hoang mang. Trong hoảng loạn, cô Tào hỏi 2 người đàn ông này về lý do họ có mặt trong nhà cô. Tuy nhiên, câu trả lời của cả 2 lại khiến cô Tào càng thêm ngạc nhiên và bối rối.
Theo lời kể, hai người đàn ông này không biết đây là nhà của cô Tào. Họ đã thuê ngôi nhà này từ một người đàn ông họ Dương, bằng chứng là họ có hợp đồng thuê với ông Dương. Sau khi xem qua hợp đồng thuê nhà, cô Tào nói rằng cô không biết người đàn ông họ Dương này là ai.
Sau đó, cô chợt nhớ ra trước đây từng có một người họ Dương đã từng liên lạc với mình nên đã xem qua lịch sử trò chuyện trên điện thoại di động và cuối cùng cũng tìm ra chân tướng sự việc.
Cô Tào. Ảnh 163.com
Hóa ra người đàn ông họ Dương này chính là một trong những hàng xóm trong tòa nhà mà cô Tào đang ở. Thấy nhà cô Tào để trống, ông Dương này từng chủ động thêm tài khoản WeChat của cô Tào và hỏi cô có muốn cho thuê nhà không. Cô Tào lúc đó cho biết nếu khách không hút thuốc hoặc có những thói quen xấu khác thì có thể cân nhắc. Ông Dương cho biết có thể giới thiệu khách thuê nhà “đủ tiêu chuẩn” nên cô Tào đã tiết lộ mật khẩu nhà cho ông Dương để khách tiện xem nhà.
Sau khi nhớ lại mọi chuyện, cô Tào liền báo cảnh sát địa phương. Người hàng xóm họ Dương cũng nhanh chóng được cảnh sát triệu tập.
Trước mặt cảnh sát Trung Quốc, ông Dương khai rằng đã được cô Tào đồng ý. Tuy nhiên, cô Tào cho biết lúc đó cô chỉ đồng ý cho anh Dương đưa khách đến xem nhà. Việc đồng ý cho khách thuê nhà hay không, cô không hề được anh Dương thông báo. Thậm chí, sau khi có người thuê nhà, cô Tào cũng không được trả một xu nào.
Cuối cùng, dưới sự hòa giải của cảnh sát, ông Dương cho biết sẽ trả lại tiền thuê nhà 1.500 NDT (hơn 5 triệu đồng) cho cô Tào, đồng thời bồi thường thêm cho cô 5.100 NDT (hơn 17 triệu đồng). Tuy nhiên, ông Dương cũng cho biết vì hiện tại bản thân không đủ khả năng tài chính để trả nên mong cô Tào có thể chờ khoản bồi thường này thêm một thời gian nữa.
Ảnh minh họa: 163.com
Câu chuyện của cô Tào nhanh chóng trở thành đề tài nóng được bàn tán trên mạng xã hội. Luật sự cho biết dưới góc độ pháp lý, việc ông Dương chỉ hoàn trả tiền thuê nhà và tiền bồi thường cho gia chủ thật ra là không đủ. Mặc dù cô Tào đã tiết lộ mật khẩu căn hộ của mình cho ông Dương, thế nhưng điều đó không có nghĩa là người đàn ông này có quyền thay mặt cô Tào cho người khác thuê căn hộ. Điều này cũng có nghĩa là hợp đồng cho thuê nhà giữa ông Dương và 2 người đàn ông kia là vô hiệu.
Theo quy định của Bộ luật dân sự Trung Quốc, sau khi hành vi dân sự bị vô hiệu, bị huỷ bỏ hoặc được xác định là vô hiệu thì tài sản mà chủ thể có được do thực hiện hành vi đó phải được hoàn trả; Nếu không thể trả lại hoặc không có nhu cầu trả lại thì sẽ được bồi thường theo giá chiết khấu. Bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại cho đối phương; Nếu cả hai bên đều có lỗi thì mỗi bên phải chịu trách nhiệm tương ứng.
Nói cách khác, sau khi hợp đồng thuê nhà vô hiệu, hai người thuê nhà của cô Tào phải chuyển đi ngay lập tức. Ông Dương cũng nên trả lại số tiền thuê nhà cho 2 người thuê nhà và bồi thường những tổn thất nhất định cho họ.
Về câu chuyện này, một số cư dân mạng cho rằng ông Dương tự ý cho người khác thuê căn hộ của cô Tào là hành vi lừa đảo. Về nhận định này, Luật sư cho biết lừa đảo là hành vi lừa gạt tài sản công hoặc tài sản tư nhân bằng cách bịa đặt sự thật nhằm mục đích chiếm hữu bất hợp pháp.
Trong sự việc này, ban đầu, khi ông Dương hỏi cô Cao có ý định cho thuê không, cô Cao cho biết chỉ cần có người thích sạch sẽ thì có thể cân nhắc cho thuê và tiết lộ mật khẩu căn hộ của mình cho ông Dương biết. Hành vi này của cô Tào có thể khiến ông Dương có hiểu lầm nhất định, cho rằng việc đưa mật khẩu căn hộ là thể hiện sự ủy quyền. Vì vậy, từ góc độ này, khó xác định ông Dương có ý định chiếm hữu trái phép tài sản hay không. Tất nhiên, nếu chứng minh được người đàn ông này có ý định lừa đảo và cho thuê trái phép thì hành vi này có thể được quy về tội lừa đảo.
Ảnh minh họa: 163.com
Tuy nhiên, do số tiền mà ông Dương “lừa đảo” chỉ là 1.500 NDT nên không đủ tiêu chuẩn khởi tố vụ án hình sự nên hai bên có thể chọn phương án hòa giải để giải quyết vấn đề. Trường hợp hòa giải không thành công thì chính quyền địa phương có trách nhiệm xử phạt người có hành vi vi phạm và thông báo cho các bên để họ có quyền khởi kiện dân sự ra Tòa án để giải quyết tranh chấp dân sự. Nói cách khác, nếu ông Dương không trả lại tiền cho cô Tào như đã thỏa thuận thì cảnh sát vẫn có thể áp dụng hình thức xử phạt đối với người đàn ông này.
Sự việc này cũng là bài học cảnh tỉnh dành cho nhiều người. Chớ nên dại dột giao những thông tin quan trọng hay tài sản của mình cho những người xa lạ, những người không đáng tin nếu không muốn rơi vào những trường hợp rắc rối, thậm chí là bị lừa đảo. Bên cạnh đó, những người muốn thuê nhà cũng cần tìm hiểu và nắm bắt thông tin đầy đủ về dự án một cách kỹ càng. Đấy cũng là cách để chúng ta tự vệ quyền lợi cho mình.
(Theo 163.com)