Chịu thắt lưng buộc bụng, một ứng dụng giao đồ ăn của Việt Nam tự tin sẽ có lãi trong năm nay

Mộc Tiên | 15:12 16/02/2023

CEO Nguyễn Hoàng Trung cho biết năm ngoái, doanh thu của Loship đã tăng 500% nhờ tối ưu hóa kinh doanh.

Chịu thắt lưng buộc bụng, một ứng dụng giao đồ ăn của Việt Nam tự tin sẽ có lãi trong năm nay

Theo Retail News Asia, công ty giao hàng Loship tự tin sẽ có lãi trong năm nay. Đây là điều mà hầu hết các đối thủ cạnh tranh của họ vẫn chưa đạt được.

Nguyễn Hoàng Trung - đồng sáng lập và CEO Loship cho biết đến nay, công ty chịu lỗ “rất ít”. Năm ngoái, doanh thu của Loship đã tăng 500% nhờ tối ưu hóa kinh doanh với 250.000 địa điểm và hơn 5 triệu khách hàng. Năm nay, công ty kỳ vọng sẽ có lãi.

Trên thực tế, mất tiền được coi là chuyện bình thường trong ngành gọi xe và giao đồ ăn. Tính đến năm 2021, Grab đã ghi nhận khoản lỗ lũy kế 4.365 tỷ đồng (186 triệu USD) tại Việt Nam. Gojek cũng lỗ 4 nghìn tỷ đồng. Cả hai đều phải chịu chi phí bán hàng lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Nguyễn Hoàng Trung cho biết tất cả các ứng dụng khác đều chịu ảnh hưởng của việc tăng giá xăng nhưng không quá nhiều. Thời điểm hiện tại, giá xăng đã ổn định. Thời điểm xăng tăng giá, nó có thể ảnh hưởng đến thu nhập của các shipper nhưng về lâu dài thì không.

screenshot_2.png
Nguyễn Hoàng Trung - co-founder và CEO Loship.

Cũng theo CEO Loship, việc xăng tăng giá có tác động dây chuyền đối với giá của nhiều sản phẩm và dịch vụ khác, trong đó có nhà hàng. Sau đó, đến khi xăng giảm, giá của những sản phẩm và dịch vụ này không giảm theo mà vẫn ở mức cao, khiến người tiêu dùng dần không đặt hàng nữa, ảnh hưởng đến các shipper.

Theo thời gian, nhiều shipper quyết định ngừng giao hàng cho các ứng dụng. Đây cũng là điều đang xảy ra ở Trung Quốc, châu Âu, Mỹ và Ấn Độ.

Trong năm 2021 và 2022, Loship đã chi rất nhiều tiền cho việc tìm kiếm khách hàng mới nên chi phí marketing chiếm hơn 60% tổng chi phí. Một trong những điểm khác biệt của Loship so với đối thủ là miễn phí giao hàng trong một khoảng cách nhất định.

Nguyễn Hoàng Trung và nhóm của mình tự hỏi liệu Loship có khác biệt gì không nếu họ tiếp tục làm như vậy. Người dùng hiện tại của Loship có thể cũng đang sử dụng các ứng dụng khác. Nhận thấy vấn đề đó, Loship quyết định cắt giảm các chương trình khuyến mại để giảm chi phí.

Nguyễn Hoàng Trung chia sẻ: “Cho dù doanh nghiệp của bạn lớn đến đâu thì vẫn luôn có giới hạn. Tiền không từ trên trời rơi xuống. Mỗi công ty có một chiến lược dài hạn đối với số tiền mà họ có. Chiến lược càng tốt, họ càng có nhiều tiền trong tài khoản. Sau đó, ngay cả trong thời điểm khó khăn, họ vẫn có thể hào phóng với khách hàng của mình”.

Để đạt được mục tiêu hòa vốn trong năm nay, Loship đang ưu tiên dòng tiền. Năm ngoái, công ty đã cắt giảm 50% quỹ lương. Bên cạnh đó, từ quý II năm nay, mọi hoạt động marketing thiết yếu sẽ bị đóng băng.

Nguyễn Hoàng Trung cho rằng sở dĩ Loship tiến gần đến mức hòa vốn là vì đã tìm được sự cân bằng giữa khách hàng, shipper và đối tác nhà hàng, điều mà anh thừa nhận không dễ đạt được. Anh chỉ ra rằng bất kỳ sự tăng giá nào cũng có thể đẩy khách hàng đến với một nền tảng khác và bất kỳ sự cắt giảm chi trả cho shipper nào cũng có thể khiến họ không hài lòng và ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng.

Trong 3 năm tới, giao đồ ăn và đi chợ hộ vẫn là thị trường có sự cạnh tranh lớn. Theo CEO Loship, các ứng dụng cũng sẽ cung cấp dịch vụ bổ sung như ví điện tử của riêng mình để tăng sự thuận tiện cho người dùng.

Tuy nhiên, Nguyễn Hoàng Trung nói rõ rằng Loship không có ý định tham gia vào mảng fintech vì điều đó sẽ đòi hỏi một khoản đầu tư lớn. Thay vào đó, họ muốn khai thác các nhà hàng đối tác để cung cấp nguyên liệu.

Báo cáo gần đây của iPOS - nền tảng cung cấp giải pháp bán hàng, vận hành và nhân sự cho hơn 100.000 nhà hàng, quán cà phê cho thấy thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam đã tăng trưởng gấp 3 lần kể từ khi đại dịch bùng phát, lên 29,9 nghìn tỷ đồng vào năm ngoái.

Thống kê cho thấy hơn 12 triệu người đã đặt giao đồ ăn qua các nền tảng trực tuyến, với con số tăng trưởng hàng năm ở mức 17,5%. Thế nhưng, thị trường đang bị chiếm lĩnh bởi các doanh nghiệp nước ngoài với 58% người tiêu dùng lựa chọn đặt hàng trên ShopeeFood. Theo sau là GrabFood, Baemin và Gojek.

Hai công ty “cây nhà lá vườn” duy nhất trên thị trường là Loship và beFood chiếm khoảng 7%. Theo đánh giá, những doanh nghiệp nhỏ hơn vẫn có khả năng cạnh tranh vì hầu hết các ứng dụng lớn trên thị trường đều ghi nhận tỷ lệ người dùng giảm.

Nguồn: Retail News Asia

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chịu thắt lưng buộc bụng, một ứng dụng giao đồ ăn của Việt Nam tự tin sẽ có lãi trong năm nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO