Chi Pu (tên thật là Nguyễn Thùy Chi, sinh năm 1993) nổi tiếng từ hơn 10 năm trước với danh xưng “hot girl” sau khi tham gia cuộc thi Miss Teen ở tuổi 16. Ngay từ những ngày đầu bước chân vào giới giải trí, điểm mạnh giúp Chi Pu thu hút sự quan tâm là ngoại hình.
Năm 2012, Chi Pu bắt đầu thử sức với mảng diễn xuất, nổi tiếng nhất có lẽ là phim sitcom 5S Online. Thời điểm đó, dù chuyên môn không được đánh giá cao, Chi Pu đã từng tuyên bố: “Đừng gọi tôi là hot girl, hãy gọi tôi là diễn viên”, gây ra phản ứng tiêu cực từ dư luận.
Sự nghiệp của Chi Pu thực sự tốn giấy mực của báo giới kể từ năm 2017, thời điểm cô quyết định lấn sân sang nghề ca hát. “Từ hôm nay, hãy gọi tôi là ca sĩ”, Chi Pu khẳng định sau khi ra mắt 2 MV đầu tay được đầu tư nghiêm túc.
Tuy nhiên, tương tự nghiệp diễn, khán giả đánh giá giọng hát của Chi Pu không có gì đặc sắc. Với nhiều khán giả, giọng hát chính là điểm trừ lớn nhất trong sự nghiệp cầm mic của Chi Pu. Sự mỉa mai thậm chí chuyển thành cảm xúc tức giận với phát ngôn gây bão một thời: “Ở Việt Nam, cứ cầm mic lên là thành ca sĩ rồi”.
Nhận "gạch đá" vì lỗi định vị bản thân
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho biết việc Chi Pu trở thành một trong số ít nghệ sĩ bị ghét và nhận nhiều “gạch đá” trên mạng xã hội xuất phát từ hai nguyên nhân chính.
“Thứ nhất là phát ngôn coi như bị vạ miệng của cô ấy: Cứ cầm mic lên là thành ca sĩ. Thứ hai là khả năng ca hát còn nhiều hạn chế. Nhưng nhìn một cách sâu xa, nguyên nhân số một quan trọng nhất, bởi phát ngôn của Chi Pu thay vì được hiểu như nhận xét về thị trường âm nhạc, số đông cho rằng cô đang tự tuyên bố việc trở thành ca sĩ là vô cùng đơn giản với bản thân mình.
Khi bị hiểu lầm như vậy, người ta sẽ đóng đinh Chi Pu vào vai trò ca sĩ chuyên nghiệp, thay vì một nghệ sĩ trình diễn và giải tri. Điều này khiến dư luận vô cùng khắt khe với giọng hát của Chi Pu”, ông Long phân tích.
“Đáng ra Chi Pu phải được nhìn nhận là một người đẹp có ưu điểm là biết hát một chút, thì lại bị xem như một ca sĩ có chuyên môn quá tệ, chỉ biết dựa dẫm vào lợi thế ngoại hình khi bước lên sân khấu”, chuyên gia đánh giá.
Chi Pu không phải trường hợp duy nhất mắc lỗi định vị bản thân. Ông Long chỉ ra rằng vũ công Phạm Lịch cũng bị “vùi dập” trên truyền thông vì sai lầm tương tự. Trong khi đó, Lê Dương Bảo Lâm lại được khán giả đón nhận ở vai trò “diễn viên hài tập hát”, chính vì không định vị bản thân là ca sĩ.
Chiến dịch truyền thông "đạp gió rẽ sóng"
Như vậy, ông Long chỉ ra vấn đề rất rõ ràng ở đây là Chi Pu cần một chiến dịch truyền thông đủ mạnh để tái định vị bản thân. Tuy nhiên, thế khó của Chi Pu là cô đang bị mất cảm tình của dư luận, dù có nói gì cũng không thật sự được để tâm.
Giải pháp mà ông Long đưa ra gồm 3 bước, theo phương châm “tình đi trước lý theo sau”:
- Bước 1: Chi Pu phải làm gì đó để công chúng có cảm tình.
- Bước 2: Khi số đông đã đồng cảm và muốn nghe lý lẽ, Chi Pu mới có thể giãi bày rằng mình đang bị hiểu lầm về các phát ngôn.
- Bước 3: Mạnh mẽ tuyên bố tôi không phải là ca sĩ, tôi chỉ là một người đẹp hát.
Đối với bài toán đầu tiên, để số đông có cái nhìn thiện cảm, Chi Pu có thể đi làm từ thiện hoặc trở thành đại sứ cho các chiến dịch cộng đồng. Tuy nhiên, có sức nặng hơn cả các hoạt động cộng đồng chính là việc tự biến mình thành đại diện của Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
“Ở góc nhìn Việt Nam, người ta có thể ghét bạn, nhưng ở góc nhìn quốc tế thì sự ghét bỏ đấy có thể tạm thời đặt qua một bên vì màu cờ sắc áo. Khi hiểu rõ nguyên lý vấn đề như vậy, tất cả đã nhận ra rằng việc tham gia show Tỷ Tỷ Đạp Gió Rẽ Sóng của Chi Pu là vô cùng hoàn hảo”, ông Long nhận định.
Tỷ Tỷ Đạp Gió Rẽ Sóng là chương trình truyền hình thực tế của Trung Quốc nhằm tuyển chọn nhóm nhạc nữ ngôi sao, do Mango TV phát hành năm 2020 và đã sang mùa thứ 4. Chương trình mời 30 nữ nghệ sĩ đã ra mắt trên 30 tuổi, thông qua huấn luyện và thi đấu khép kín để người xem bỏ phiếu chọn ra 7 nữ nghệ sĩ tạo thành nhóm nhạc.
Thực tế cho thấy công cuộc “đạp gió rẽ sóng” của Chi Pu đang phát huy hiệu quả. Cô thu hút sự theo dõi của đông đảo khán giả cả ở Việt Nam và Trung Quốc, mức độ thảo luận lớn. Màn trình diễn bài “Đóa hoa hồng” được đầu tư chỉn chu và nhận nhiều phản hồi tích cực.
“Cần nhấn mạnh rằng Tỷ Tỷ Đạp Gió Rẽ Sóng là chương trình tuyển chọn thành viên cho nhóm nhạc, không phải show thi giọng hát. Hơn nữa, dư luận dù đang không thích Chi Pu vẫn có lý do để thích “một đại diện Việt Nam” trong cuộc thi có yếu tố quốc tế. Chưa kể, Chi Pu còn nhận được sự ủng hộ và tình cảm của một số ngôi sao nước ngoài tham gia chương trình, và gián tiếp là người hâm mộ của họ ở Việt Nam”, ông Long cho hay.
Tiếp tục phân tích vấn đề, ông Long đánh giá nếu trong suốt thời gian tham dự chương trình, ekip của Chi Pu có khả năng làm xuất hiện thật nhiều lời nhận xét rằng cô là nghệ sĩ trình diễn đầy tài năng và còn nhiều cơ hội để trau dồi giọng hát, việc Chi Pu có chiến thắng trong show hay không hoàn toàn không quan trọng.
“Vấn đề là cô ấy phải được giữ lại chương trình đủ lâu để ekip có cơ hội nói chuyện, giãi bày, nhằm tranh thủ tình cảm của số đông và cuối cùng tái định vị hình ảnh của Chi Pu về đúng vai trò người đẹp hát”, vị chuyên gia cho hay.
Theo quan sát, một bộ phận khán giả đã bắt đầu ngừng “ném đá” và bình tĩnh đánh giá lại Chi Pu, số khác thậm chí nhìn nhận tích cực về cô như một nghệ sĩ luôn nỗ lực bất chấp hàng loạt ý kiến tiêu cực. Ngay cả phát ngôn “cứ cầm mic lên là thành ca sĩ” cũng được nhiều người lên tiếng đính chính giúp là cắt ghép.
“Rõ ràng, dưới khía cạnh truyền thông, ekip của Chi Pu đã có bước đi tuyệt vời và đáng ngưỡng mộ”, ông Long kết luận.