Tháng 2/2022, cô Trần ở tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc) mua một bộ mỹ phẩm ở một nền tảng mua sắm trực tuyến. Ngày hôm sau, cô nhận được một cuộc gọi từ người tự xưng là bộ phận chăm sóc khách hàng nói rằng bộ mỹ phẩm của cô gặp vấn đề về chất lượng và phía sàn thương mại sẽ hoàn tiền lại gấp đôi.
Vì người bên kia đầu dây nêu chính xác tên và thông tin chi tiết về món hàng nên cô Trần dù có phần nghi ngờ vẫn lựa chọn tin tưởng, hỏi về cách thức nhận bồi thường. Ngay lập tức điện thoại cô Trần nhận được một đường link có giao diện giống ứng dụng mua sắm, chứa một số thông tin cá nhân như tài khoản ngân hàng và một mã QR.
Ảnh minh hoạ
Người phụ nữ này làm theo hướng dẫn thì phát hiện không những cô không nhận được tiền bồi thường mà hơn 70.000 NDT (tương đương 230 triệu đồng) trong tài khoản bị trừ đi không rõ nguyên nhân.
Đầu dây bên kia cũng cúp máy, dù cô Trần gọi lại nhiều lần cũng không được. Cô Trần kiểm tra mới thấy số điện thoại gọi cho mình không giống với số điện thoại chăm sóc khách hàng trên sàn thương mại điện tử. Lúc này cô mới nhận ra mình bị lừa, lập tức trình báo cảnh sát nhưng đã quá muộn. Toàn bộ số tiền trong tài đã được chuyển hết trong vòng 30 giây kể từ khi cô Trần quét QR.
Cùng thủ đoạn tương tự, một nhân viên văn phòng họ Đinh ở thành phố Nam Kinh (Trung Quốc) cũng mất 50.000 NDT (hơn 160 triệu đồng) chỉ sau một cuộc gọi từ “chăm sóc khách hàng”. Những kẻ xấu yêu cầu cô Đinh điền số tài khoản, số di động liên kết với thẻ ngân hàng, thậm chí là cả mã OTP. Vì thấy khoản tiền được hoàn khá lớn, gấp 3 giá trị sản phẩm nên cô Đinh đã nhanh chóng điền hết thông tin và mất tiền trong phút chốc.
Trên thực tế, thủ đoạn lừa đảo giả danh người chăm sóc khách hàng trên sàn thương mại điện tử không mới nhưng vẫn khiến nhiều người cả tin, không cảnh giác sập bẫy. Các đối tượng này thường sử dụng đầu số cố định hoặc số điện thoại có tên giả tên công ty để liên lạc với nạn nhân.
Ảnh minh hoạ
Sau đó kẻ xấu hứa hẹn thu hồi sản phẩm gặp vấn đề và đền tiền gấp 2,3 lần, rồi lừa bạn quét mã QR, bấm vào link yêu cầu cung cấp thông tin như số điện thoại, ảnh thẻ, thông tin thẻ tín dụng/tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền. Thậm chí trong nhiều trường hợp, các đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển trước một khoản tiền "để xác minh danh tính" thì mới nhận được tiền bồi thường.
Kẻ xấu cũng liên tục dùng những lời lẽ thúc giục, nhắc khách hàng nếu chậm trễ sẽ không được hoàn tiền. Điều này càng khiến nhiều người nôn nóng, không đủ tỉnh táo để kiểm tra kỹ những thông tin các đối tượng nói.
Đặc biệt, cần đề phòng các tin nhắn, cuộc gọi với nội dung "bạn đã trúng thưởng" với phần thưởng khủng của một chương trình khuyến mãi bạn chưa từng tham gia. Đối tượng xấu sẽ yêu cầu người bị hại trả "số tiền nhỏ" như phí vận chuyển, tiền đặt cọc để bạn nhận thưởng. Nhưng trên thực tế, không có phần thưởng nào dễ dàng đến như vậy.
Ảnh minh hoạ
Sau hàng loạt vụ lừa đảo, cảnh sát Trung Quốc ra thông báo, nhắc nhở người dân khi nhận được những cuộc gọi “hoàn tiền”, “trao tặng phần thưởng” từ nhân viên sàn thương mại điện tử thì nên đề cao cảnh giác, không nên ngay lập tức tin tưởng và làm theo lời họ.
Thay vào đó, nên liên hệ trực tiếp với người bán thông qua kênh chat của ứng dụng mua sắm. Các giao dịch hoàn trả tiền cũng phải được thực hiện trên chính ứng dụng bạn vẫn sử dụng, tuyệt đối ấn vào đường link lạ, quét mã QR hay điền thông tin cá nhân vào các trang web bạn chưa kiểm tra kỹ.
Bên cạnh đó, bạn cũng không nên để lộ hoặc chia sẻ thông tin lên mạng xã hội để tránh bị kẻ xấu lợi dụng. Nếu phát hiện hành vi lừa đảo, cần nhanh chóng trình báo đến cơ quan chức năng để được hỗ trợ và xử lý kịp thời.
Theo Toutiao