Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 3/2023 đạt 58,03 tỷ USD, tăng 17,7% so với tháng trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu là 29,71 tỷ USD, tăng 14% (tương ứng tăng 3,66 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu là 28,32 tỷ USD, tăng 21,8% (tương ứng tăng 5,07 tỷ USD).
Lũy kế quý 1/2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 153,79 tỷ USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 79,3 tỷ USD, giảm 11,8% và trị giá nhập khẩu đạt 74,49 tỷ USD, giảm 15,4%.
Trong tháng 3/2023, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu gần 1,39 tỷ USD. Tính trong quý 1/2023, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước xuất siêu 4,81 tỷ USD.
Liên quan đến việc nhập khẩu hàng hóa, số liệu thống kê cho thấy, trong tháng 3, giá trị nhập khẩu tăng mạnh nhất là các nhóm hàng như máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 862 triệu USD; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 718 triệu USD; vải các loại tăng 497 triệu USD; sắt thép các loại tăng 396 triệu USD…
Nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng đạt 6,81 tỷ USD, tăng 14,5% so với tháng trước. Tính trong quý 1/2023, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này đạt 19,31 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Các thị trường nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện lớn của Việt Nam là Hàn Quốc với 6,28 tỷ USD, giảm 2,9%; Trung Quốc với 4,99 tỷ USD, giảm 18,6%; Đài Loan với 2,48 tỷ USD, giảm 20% và Nhật Bản giảm 1,75 tỷ USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trị giá nhập khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác trong quý 1/2023 đạt 9,21 tỷ USD, giảm 13,6% tương ứng giảm 1,45 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng về Việt Nam trong quý I/2023 từ thị trường Trung Quốc với 4,54 tỷ USD, giảm 16%; tiếp theo từ thị trường Hàn Quốc với 1,4 tỷ USD, giảm 17%; từ thị trường Nhật Bản với 1,02 tỷ USD, xấp xỉ với mức nhập khẩu của cùng kỳ năm trước. Tính chung nhập khẩu nhóm hàng này từ 3 thị trường chủ lực đạt gần 7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 76% trong tổng trị giá nhập khẩu máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng của cả nước.
Nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da, giày (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy) trong tháng 3/2023 đạt 2,29 tỷ USD, tăng mạnh 48,6% so với tháng trước. Tổng 3 tháng đầu năm nhập khẩu đạt 5,45 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, vải các loại đạt gần 3 tỷ USD, giảm 17,2%; nguyên phụ liệu dệt may da giày đạt 1,38 tỷ USD, giảm 12,4%; bông các loại đạt 576 triệu USD, giảm 39,4%; xơ sợi dệt các loại đạt 505 triệu USD, giảm 25,7% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường nhập khẩu chính là từ Trung Quốc, chiếm tỷ trọng tới 52%, với 2,83 tỷ USD, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm trước
Điện thoại các loại và linh kiện trong tháng đạt 581 triệu USD, tăng 10,5% so với tháng trước. Tính trong quý 1/2023, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này đạt 1,9 tỷ USD, giảm 65,8% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường chính cung cấp điện thoại các loại và linh kiện cho Việt Nam với trị giá đạt 1,62 tỷ USD.
Nhập khẩu xăng dầu các loại trong tháng 3 đạt 752 nghìn tấn, giảm 10,4% so với tháng trước. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp có lượng nhập khẩu xăng dầu các loại giảm. Nhập khẩu từ Hàn Quốc là 1,04 triệu tấn, giảm 1,4%; từ Malaisia là 398 nghìn tấn, giảm 28,6%; trong khi đó nhập từ Singapore là 607 nghìn tấn, tăng 80,7%; từ Trung Quốc là 291 nghìn tấn, tăng 72,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu sắt thép các loại từ Trung Quốc tăng mạnh, đạt 1,45 triệu tấn; từ Nhật Bản đạt 438 nghìn tấn, giảm 6,8%; từ Hàn Quốc đạt 246 nghìn tấn, giảm 27,4%.
Lượng nhập khẩu sắt thép các loại trong tháng 3/2023 đạt 1,3 triệu tấn, tăng 55,3% so với tháng trước. Đây là lượng nhập khẩu cao nhất trong tháng kể từ tháng 4/2021 đến nay. Tính đến hết quý I/2023, lượng nhập khẩu sắt thép các loại của cả nước đạt 2,74 triệu tấn với trị giá là 2,27 tỷ USD, giảm 9,2% về lượng và giảm 27,9% về trị giá.