Theo đó, ngày 1/9, trong khuôn khổ Lễ hội sầu riêng huyện Krông Pắk lần II, ban tổ chức đã tiến hành bán đấu giá 3 quả sầu riêng đoạt danh hiệu "Nữ hoàng sầu riêng".
Cụ thể, quả sầu riêng đầu tiên được lấy từ cây cổ thụ hơn 100 năm trồng tại đồn điền CADA, với mức giá khởi điểm là 60 triệu đồng. Kết quả, một doanh nghiệp đã trúng đấu giá quả sầu riêng này, với mức giá là 350 triệu đồng.
Quả sầu riêng thứ hai được đấu giá thuộc giống Dona, với mức giá khởi điểm là 70 triệu đồng. Đây là quả sầu riêng được lựa chọn rất kỹ càng từ hàng chục hộ trồng sầu riêng, đồng thời trải qua quy trình lựa chọn chặt chẽ. Sau nhiều lần đấu giá, quả sầu riêng này đã thuộc về Công ty TNHH trái cây Hồng Sang (tỉnh Tiền Giang), với mức giá là 800 triệu đồng.
Đáng chú ý, sau khi trúng đấu giá, đại diện của công ty này đã hỗ trợ thêm 100 triệu đồng để địa phương có thêm kinh phí thực hiện những chương trình an sinh xã hội.
Quả sầu riêng thứ ba được đưa ra đấu giá là thuộc giống Ri6, với mức giá khởi điểm là 60 triệu đồng. Quả sầu riêng này thu hút rất nhiều doanh nghiệp. Theo đó, nữ doanh nhân Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc của CTCP tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (đến từ tỉnh Bến Tre) đã trực tiếp trả giá 500 triệu đồng để đấu giá.
Trong quá trình đấu giá, nữ doanh nhân này kêu gọi một số người tham gia đóng góp thêm tiền để giúp địa phương có thêm nguồn lực lo cho an sinh xã hội. Cuối cùng, mức giá cho quả sầu riêng thuộc giống Ri6 là hơn 1,4 tỷ đồng.
Kết thúc 3 phiên đấu giá, tổng số tiền thu được từ việc bán 3 quả sầu riêng trên là 2,55 tỷ đồng.
Theo đại diện Ban tổ chức, toàn bộ số tiền trúng đấu giá sẽ được chuyển về UBND huyện Krông Pắk nhằm tiến hành thực hiện những chương trình an sinh xã hội của địa phương. Đặc biệt, ngoài việc được sở hữu quả sầu riêng thật, những người trúng đấu giá còn được tặng thêm một quả sầu riêng mạ vàng, với trị giá trên 50 triệu đồng/quả để lưu niệm.
Cùng ngày 1/9, chia sẻ tại Hội thảo xây dựng và phát triển hệ sinh thái sầu riêng bền vững, theo bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, huyện hiện có gần 7.200 ha sầu riêng, với sản lượng năm 2024 khoảng hơn 90.000 tấn.
Toàn huyện Krông Pắk đã cấp 37 mã số vùng trồng, với hơn 2.000 ha của gần 3.800 hộ dân, 18 cơ sở được cấp mã đóng gói. Đây được coi là một trong những lợi thế lớn để sầu riêng của huyện Krông Pắk xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nhưng Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, thừa nhận rằng ngành sầu riêng của huyện cũng đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, quy mô diện tích nhỏ lẻ, diện tích trồng thuần thấp...
Xuất khẩu sầu riêng Việt Nam dự kiến bội thu
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt gần 4 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, sầu riêng dẫn đầu với kim ngạch 1,6 tỷ USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng đầu của sầu riêng Việt Nam, chiếm 92%, với kim ngạch đạt gần 1,5 tỷ USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định rằng, đây là một năm bội thu cho ngành sầu riêng Việt Nam, khi giá cả liên tục tăng cao và mang lại lợi nhuận lớn cho nông dân. Ngoài ra, trong ngày 19/8, Việt Nam đã ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc. Việc này đã mở ra bước ngoặt mới cho ngành và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm 2024 của nước ta đạt 3 - 3,5 tỷ USD, trong đó sầu riêng đông lạnh là khoảng 400 - 500 triệu USD.