Đi Giữa Trời Rực Rỡ là bộ phim Việt đang gây bão suốt thời gian qua. Nội dung phim xoay quanh câu chuyện tình yêu, cuộc sống và hành trình trưởng thành của cặp đôi "oan gia ngõ hẹp" Chải và Pu.
Một trong những nhân vật thu hút chú ý nhiều nhất lúc này chính là nam chính Chải - "chàng thiếu gia" vô tư hồn nhiên, con trai nhà giàu nhất vùng và có tình yêu siêu to dành cho Pu. Thậm chí, do hình tượng nhân vật có nhiều điểm cộng nên không ít khán giả đã đùa rằng nếu họ là Pu thì ngay từ tập 1, phim đã kết thúc vì họ sẽ cưới luôn Chải.
Ở khía cạnh khác, có một số ý kiến lại cho rằng, dẫu Chải giàu và si tình nhưng anh chàng chưa phải đối tượng phù hợp để Pu kết hôn. Lý do là bởi tuy nhà Chải nhiều tiền, nhưng chúng lại vô tình dễ trở thành... "red flag" của anh chàng.
Chải tiêu tiền không phải nghĩ nhưng là tiền của bố
Nhà Chải giàu, có mấy ngọn đồi là điều không ai phủ nhận. Nói Chải chiều chuộng, sẵn sàng chi tiền vì bạn gái cũng chẳng sai. Nhưng thực tế đây là tiền của bố Chải, chứ không phải của anh chàng.
Chải sinh ra trong gia đình giàu có, không cần lo "cơm áo gạo tiền" cũng vì thế so với Pu và những người bạn khác, anh chàng ham chơi, tiêu tiền không cần suy nghĩ.
Nội dung phim miêu tả Pu là một cô gái quyết đoán, độc lập, đỗ Đại học và có cả định hướng tương lai là xuống thành phố học Y. Thế nhưng Chải hoàn toàn đối lập, xuyên suốt hơn 10 tập phim, khán giả chỉ thấy anh chàng học không tốt (3 năm học 1 lớp) và không có nghề nghiệp ổn định.
Chải ra giá 10 nghìn 1 phút để nhóm bạn giữ kẻ trêu ghẹo Pu lại đợi mình đến. Chải dắt Pu đi mua đồ muốn sập chợ sau khi Pu gọi “Chải”. Chải hứa hẹn nếu Pu cưới mình thì sẽ cho Pu đầy tiền, cho cả tiền đi học, tiền mua quần áo và điện thoại,... Trong suy nghĩ của Chải, mọi chuyện đều có thể giải quyết được bằng tiền, bao gồm cả cưới Pu.
Tuy nhiên tất cả những tiền bạc mà anh mang lại cho Pu hiện tại đều là đồng tiền của gia đình. Khi đồng tiền không phải chính tay cậu làm ra thì có thể đánh mất bất cứ giá nào. Với một người luôn nỗ lực và trưởng thành sớm như Pu, những flex ban đầu của cậu bạn "thanh mai trúc mã" có thể là một cái gì đó thú vị, nhưng không bền và lâu dần sẽ trở nên xoàng xĩnh, vô giá trị.
Cô gái nào khi yêu cũng ít nhiều mong muốn được đối phương chi tiền cho mình. Thế nhưng, khi bạn muốn kết hôn và giành được trái tim của họ, bạn cần chứng minh bằng những đồng tiền tự kiếm được. Bởi lẽ rất đông cô gái cũng tán thành quan điểm: "Một người bạn trai chỉ biết phụ thuộc tiền nong vào bố mẹ thì sau này sẽ trở thành người chồng như thế nào? Thật sự không dám nghĩ đến!".
Khi yêu, hai người có thể có những giây phút hạnh phúc vì rung động và cảm xúc. Thế nhưng cưới nhau về lại là chuyện khác, tình nghĩa lúc này phải đi kèm với trách nhiệm. Hôn nhân có nhiều gánh nặng và cả hai người không chỉ cần yêu mà còn phải hiểu, cùng chung định hướng tương lai, và quan điểm về tài chính là khía cạnh không thể bỏ qua. Một cô gái tự lập, trưởng thành sẽ khó lòng chấp nhận đi lâu dài cùng cậu bạn vô tư, chỉ biết dùng tiền nong của cha mẹ để chạy theo dòng cảm xúc nhất thời.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, phim vẫn chỉ là ở những tập ban đầu. Cả Pu và Chải đều mới chỉ mười tám đôi mươi và còn nhiều thời gian để học hỏi và thay đổi bản thân. Chải vẫn có thể nỗ lực trưởng thành, để giành được trái tim của cô bạn "thanh mai trúc mã". Phim còn dài, và còn nhiều người kỳ vọng vào sự thay đổi của Chải, thay vì là chàng công tử chỉ biết tiêu tiền của bố.
Tại sao không nên kết hôn với chồng chỉ biết xin tiền bố mẹ?
Cuộc sống hôn nhân là câu chuyện của hai người. Khi một trong hai không có khả năng kiếm tiền, mà chỉ thích dựa vào tiền nong của cha mẹ thì khó bền vững. Bởi lẽ nếu đối phương không thể chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình thì bố mẹ anh ta sẽ quyết định thay mọi chuyện. Cho dù chồng của bạn đã đủ tuổi nuôi bản thân thì sau khi kết hôn, ít nhiều vấn đề của gia đình bạn sẽ bị cha mẹ đối phương quản lý.
Cặp vợ chồng muốn sống hạnh phúc, không có sự kiểm soát từ người lớn tuổi thì trước hết phải trưởng thành và độc lập về tài chính. Có khả năng kiếm tiền chính là lời tuyên bố mạnh mẽ nhất về khả năng nuôi sống bản thân, tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình của mỗi người. Khi đó, ý kiến của hai vợ chồng trong cuộc hôn nhân mới có sức năng thay vì lời nói phụ huynh. Một cuộc hôn nhân có quá nhiều can thiệp của phụ huynh sẽ không thể hạnh phúc, và sự độc lập tài chính của hai vợ chồng chính là nền tảng để ngăn chặn điều này xảy ra.