CEO Terne Holdings: Một Trung tâm tài chính có cấu trúc tốt sẽ đẩy nhanh nâng hạng Việt Nam từ thị trường cận biên lên mới nổi

Linh Linh | 08:10 06/04/2025

Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là một trong những đột phá về thể chế.

CEO Terne Holdings: Một Trung tâm tài chính có cấu trúc tốt sẽ đẩy nhanh nâng hạng Việt Nam từ thị trường cận biên lên mới nổi

Trưa 3/4, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo về trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo để rà soát các công việc đã thực hiện, nhiệm vụ thời gian tới.

Việc xây dựng các Trung tâm tài chính quốc tế (IFC) là vấn đề khó và mới với Việt Nam. Theo dự thảo, trung tâm tài chính khu vực được đặt tại TP. Đà Nẵng, trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh.

Thủ tướng yêu cầu đề xuất xây dựng mô hình trung tâm tài chính quốc tế phù hợp với tình hình và điều kiện phát triển Việt Nam. Trong đó, xây dựng các cơ chế chính sách độc lập, đặc thù, đặc biệt, vượt trội, hiện đại, có sức cạnh tranh, còn địa giới hành chính của trung tâm thì mang tính chất tương đối, bảo đảm thuận lợi, triển khai tốt nhất, hiệu quả nhất.

Thủ tướng lưu ý đề xuất các quy định phải rõ thẩm quyền trong tổ chức thực hiện, đặc biệt là xử lý những vấn đề phát sinh mà chưa có quy định pháp luật điều chỉnh hoặc có quy định nhưng bị thực tiễn vượt qua.

Đồng thời, hoàn thiện các văn bản trình Bộ Chính trị, Quốc hội, các bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tiến hành soạn thảo các nghị định hướng dẫn thực hiện.

Từ đầu năm, tại Hội nghị công bố Nghị quyết 259/NQ-CP của Chính phủ: Ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Thông báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024 của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Thủ tướng đã nhấn mạnh, việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là một trong những đột phá về thể chế.

Đây được xác định là quyết sách nhằm giải phóng các nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.

Theo các chuyên gia, Việt Nam – với kế hoạch xây dựng 2 trung tâm tài chính, đòi hỏi tầm nhìn dài hạn và những bước đi chiến lược để rút ngắn khoảng cách với các trung tâm tài chính trên thế giới.

Trong đó, nền tảng chính sách là một khung pháp lý minh bạch, đồng bộ với các tiêu chuẩn toàn cầu, chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài. Hạ tầng là hệ thống ngân hàng hiện đại, sàn giao dịch chứng khoán phát triển, công nghệ thanh toán tiên tiến và mạng lưới internet tốc độ cao, đảm bảo mọi giao dịch diễn ra nhanh chóng, an toàn và hiệu quả.

Các chuyên gia cũng cho rằng, tự do hóa thị trường tài chính là điều kiện quan trọng, có nghĩa là Việt Nam cần từng bước nới lỏng kiểm soát vốn, tạo điều kiện cho dòng tiền lưu thông tự do, đồng thời phát triển các sản phẩm tài chính đa dạng.

Một hạn chế cần được khắc phục sớm là nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các ngành công nghệ và tài chính.

Nói về Trung tâm Tài chính Quốc tế Đà Nẵng (DNIFC), trên DealStreetAsia, ông Andy Khoo, Tổng giám đốc điều hành Terne Holdings cho rằng đây sẽ là nơi giới thiệu các sản phẩm tài chính mới, trên các loại thị trường tài chính mới nhằm mở rộng khả năng tiếp cận các khoản đầu tư, các công cụ phái sinh và vốn nước ngoài.

Ông Andy Khoo, CEO của Terne Holdings

Ông Andy Khoo nói, một IFC có cấu trúc tốt sẽ đẩy nhanh quá trình nâng hạng Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, giải phóng nguồn vốn của tổ chức vốn nước ngoài đang bị hạn chế. Điều này sẽ thúc đẩy sự gia tăng đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong các dịch vụ tài chính, cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp tăng trưởng cao.

Andy Khoo cho biết: "Khi hệ sinh thái tài chính được phát triển trong IFC, các công ty công nghệ tài chính có thể hưởng lợi đáng kể từ thị trường vốn và các công cụ tài chính sẵn có. Điều này có thể bao gồm khả năng tiếp cận nguồn vốn tốt hơn (điều rất quan trọng đối với công nghệ tài chính), khả năng quản lý bảng cân đối kế toán tốt hơn như thông qua chứng khoán hóa và khả năng thu hút nhân tài tốt hơn thông qua các ưu đãi thuế cho các chuyên gia làm việc tại IFC".

Thêm vào đó, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam (trung tâm tài chính) đang đề xuất các giao dịch bằng tài sản mã hoá, tiền mã hoá trong trung tâm tài chính được thực hiện từ ngày 1/7/2026. Andy Khoo cho rằng điều này sẽ mở ra con đường cho các dịch vụ tài chính công nghệ tài chính và AI. Điều này phù hợp với trọng tâm của Đà Nẵng về đổi mới công nghệ tài chính.

Ông nói thêm rằng DNIFC có thể thu hút tài nguyên về các lĩnh vực ngân hàng kỹ thuật số, blockchain, tiền mã hóa và nên thiết lập một sandbox cho thử nghiệm công nghệ tài chính với các giải pháp blockchain và tài sản kỹ thuật số tiên tiến. Ứng dụng blockchain trong cơ sở hạ tầng thị trường tài chính như thanh toán thương mại và quản lý tài sản thế chấp có thể hiện đại hóa lĩnh vực tài chính và giúp Việt Nam vượt bậc trong phát triển thị trường tài chính.

"Cần tập trung vào tài chính phi tập trung (DeFi) và các sáng kiến blockchain để nâng cao dịch vụ tài chính. Cải thiện dịch vụ thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới và tận dụng AI để phân tích tài chính và quản lý rủi ro sẽ định vị DNIFC là đơn vị dẫn đầu trong đổi mới tài chính toàn cầu", Andy Khoo nhấn mạnh.

Tại một hội thảo gần đây về Trung tâm tài chính quốc tế, ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank cho rằng có ba lĩnh vực sản phẩm mà Việt Nam có thể phát triển mạnh.

Thứ nhất là lĩnh vực tài chính xanh. Theo ông, Việt Nam là một trong số ít quốc gia công nghiệp hóa, dẫn đầu về thương mại, có khả năng đáp ứng toàn bộ nhu cầu năng lượng quốc gia bằng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để đạt được điều này, Việt Nam sẽ cần một khoản đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng.

Thế mạnh thứ hai, là dịch vụ tài chính số. Tại Việt Nam, cứ ba người lại có một người sở hữu tài sản kỹ thuật số hoặc tiền mã hóa. Ông cho rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm tài chính số, bao gồm tài sản số thực và mã hóa tài sản cũng như tiền tệ kỹ thuật số. Chính các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng các công nghệ này, và chính những nhu cầu thực tiễn đó sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính số.

Thứ ba là tài trợ thương mại. Đây là một lĩnh vực theo ông Jens, đang phát triển mạnh mẽ và có thể được tư duy lại hoàn toàn nhờ vào công nghệ. Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất thông minh, với hàng loạt khoản đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) từ các tập đoàn FDI lớn như Foxconn...

"Chúng ta có thể dễ dàng hình dung một thế giới nơi mọi sản phẩm, ví dụ như một chiếc iPad, có thể được theo dõi từ dây chuyền lắp ráp đến khi vận chuyển nhờ vào công nghệ blockchain. Nhờ đó, tất cả thông tin tài chính liên quan sẽ được tích hợp hoàn toàn vào chuỗi cung ứng mà không cần bất kỳ thủ tục bổ sung nào", ông Jens nói.

Ba lĩnh vực này đều chưa có một trung tâm tài chính lớn nào thống lĩnh hoàn toàn. Do đó, Tổng Giám đốc Techcombank đánh giá Việt Nam có những điều kiện phù hợp, bao gồm nhu cầu thực tế, con người tài năng, và tiềm lực trí tuệ để phát triển ba mảng này.


(0) Bình luận
CEO Terne Holdings: Một Trung tâm tài chính có cấu trúc tốt sẽ đẩy nhanh nâng hạng Việt Nam từ thị trường cận biên lên mới nổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO