CEO KIDO Trần Lệ Nguyên: Chúng tôi muốn thương hiệu Tường An hiện diện nhiều hơn trong căn bếp của người Việt thông qua các loại gia vị

Quỳnh Như | 14:36 04/01/2023

Trong tập 2 chương trình ‘Đi cùng thương hiệu: Walk and Talk’ thuộc chuỗi sự kiện Giải thưởng thương hiệu vàng, ông Trần Lệ Nguyên đã chia sẻ về những quyết định táo bạo mang lại thành công trong việc phát triển thương hiệu KIDO như ngày hôm nay. Đồng thời, ông cũng gián tiếp lý giải lý do thoái vốn khỏi Chuk và Vibev.

CEO KIDO Trần Lệ Nguyên: Chúng tôi muốn thương hiệu Tường An hiện diện nhiều hơn trong căn bếp của người Việt thông qua các loại gia vị
CEO KIDO Trần Lệ Nguyên cùng Chủ tịch HĐQT PNJ Cao Thị Ngọc Dung dạo phố chia sẻ về những chiến lược phát triển thương hiệu “di sản”.

Với việc thoái vốn khỏi chuỗi cà phê trà Chuk và liên doanh với Vinamilk – Vibev, cũng như ra mắt mảng mới gia vị - với thương hiệu Tường An; chúng ta có thể thấy rõ ràng được sự ‘phòng thủ’ của Tập đoàn KIDO để chuẩn bị cho giai đoạn suy thoái. Đây là thời điểm chỉ thích hợp cho việc phát triển chắc chắn dựa trên nguồn lực đang có, chứ không phù hợp đổ tiền xây thương hiệu/ngành hàng mới…

2 quyết định gây ngạc nhiên của KIDO

Sau 2 năm Covid-19 hoành hành, năm 2022, thị trường cả Việt Nam lẫn thế giới đang có sự hồi phục tương đối nhanh. Tuy nhiên, bên trong sự quay trở lại này, các doanh nhân kỳ cực trên thương trường đã thấy được bóng dáng của suy thoái đâu đó. Vậy nên, trong khoảng vài tháng gần đây, chúng ta thấy rất nhiều Tập đoàn lớn của Việt Nam co về phòng thủ, ví dụ như Thế Giới Di Động hay KIDO.

Mới đây, Tập đoàn KIDO liên tục có 2 quyết định khiến mọi người khá ngạc nhiên.

Quyết định đầu tiên là thoái vốn khỏi chuỗi F&B Chuk. Theo chia sẻ của CEO KIDO Trần Lệ Nguyên – Chuck là tâm huyết vài chục năm của bản thân ông và KIDO, để doanh nghiệp có nơi thể hiện tinh hoa ẩm thực của KIDO cũng như Việt Nam. Tham vọng của KIDO là ngày nào đó, có thể biến Chuk trở thành chuỗi F&B khổng lồ, là “Starbucks của Việt Nam”.

Vậy nên, họ đã không chờ được hết Covid-19, mà vội vàng quyết định ra mắt online trong thời gian ‘nước sôi lửa bỏng’ vào tháng 6/2021. Hơn nữa, người cầm trịch dự án này chính là con gái lớn của ông Nguyên – Trần Tuyết Vân – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư thương mại TTV. Vốn đầu tư ban đầu theo công bố của TTV là 100 tỷ đồng, KIDO nắm giữ 61% cổ phần.

KIDO tham vọng đưa chuỗi Chuk Chuk chạm mốc 1.000 cửa hàng vào năm 2025, phục vụ trên 25 triệu khách hàng, niêm yết trên sàn chứng khoán và có thể dẫn đầu thị trường ngành đồ uống.

screenshot_20230103_084539.png
Những quyết định táo bạo giúp KIDO đứng vững trên thương trường.

"Hiện tại, Chuk Chuk đang có khoảng 50 cửa hàng tại TP.HCM. Mục tiêu là sẽ có khoảng 200 đến 300 cửa hàng vào cuối năm 2022. Vào tháng 5 này, Chuk Chuk sẽ chính thức tiến quân ra Bắc, có mặt ở Hà Nội – Hải Phòng – Bắc Ninh…

Ngoài ra, Chuk Chuk cũng tập trung nghiên cứu và cho ra mắt những sản phẩm mới, phù hợp xu hướng thưởng thức hiện đại; hoàn chỉnh hệ thống, bộ máy vận hành chuyên nghiệp; tập trung phát triển đồng đều cả 03 mô hình là cửa hàng Outlet; kiosk và xe đẩy…

Song song đó, Tập đoàn KIDO đã ký kết hợp tác chiến lược thành công cùng Sơn Kim Group để đưa Chuk Chuk có mặt tại chuỗi GS25 trên toàn quốc và xa hơn là thị trường Hàn Quốc. KIDO cũng đã ký kết hợp tác cùng Centrail Retail Group để đưa Chuk Chuk có mặt tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại GO!, Big C and Tops Market, đồng thời phát triển sang thị trường Thái Lan và các nước khác trong khu vực trong tương lai gần", Tổng Giám đốc KIDO cho hay trong ĐHCĐ vào tháng 3/2022.

Tuy nhiên, có vẻ thị trường F&B khốc liệt hơn KIDO nghĩ. Tháng 7/2022, chuỗi F&B của họ thông báo thay đổi nhận diện thương hiệu, menu và cả tên – từ Chuk Chuk thành Chuk. Sau thời gian tái cơ cấu, từ trên 50 cửa hàng, hiện họ còn trên dưới 40 cửa hàng và dần từ bỏ những mặt bằng đắt tiền ở khu vực quận trung tâm TP.HCM.

Hiện tại, sau quyết định thoái vốn của KIDO, chuỗi Chuk vẫn còn đang hoạt động và không ai biết tương lai của chuỗi F&B này sẽ như thế nào.

Quyết định thứ hai là rời khỏi liên doanh Vibev với Vinamilk. Liên doanh Vibev được đăng ký thành lập vào tháng 3 năm 2021 và bắt đầu với khoản vốn 400 tỷ đồng. Vinamilk nắm giữ 51% cổ phần và KIDO 49%. Cái tên Vibev được lấy cảm hứng từ Thaibev – công ty mẹ của Sabeco và là DN đồ uống lớn nhất Đông Nam Á; đã thể hiện được tham vọng lớn của 2 ông lớn trong ngành F&B Việt Nam khi ra mắt Vibev.

Trước khi 2 ông chủ thông báo đường ai nấy đi, Vibev đã kịp ra mắt thuơng hiệu Oh Fresh với sữa bắp tươi, sữa đậu xanh tươi, sữa đậu đỏ tươi và hồng trà chanh vàng, trà tam vị, hồng trà ổi xá lị…

screenshot_20230103_084443.png
Cả 2 thương hiệu KIDO và PNJ đều có những thành tích ấn tượng trên thương trường và chiếm 1 vị trí quan trọng trong tâm trí người dùng.

Năm 2023 chỉ tập trung 4 mảng cốt lõi và thương hiệu đã có

Trước khi về tay KIDO cách đây 4 năm, Tường An chủ yếu bán xá (bán sỉ với số lượng lớn không có thương hiệu), nhưng sau khi KIDO tiếp quản đã bắt tay vào xây dựng thương hiệu – chạy marketing/PR và thiết kế bao bì/nhãn mác hiện đại bắt mắt, xây dựng kênh phân phối truyền thống – hiện đại. Nhờ thế, dầu Tường An tăng trưởng trung bình từ 20% - 30%/năm, chiếm 39% thị phần dầu ăn Việt Nam trong khi trước kia chỉ 10%.

Có thể nói, từ 1 sản phẩm mình bán mà người ta không biết, Tường An đang dần trở sản phẩm quốc dân, nhờ hệ thống phân phối FMCG lớn nhất nhì Việt Nam của KIDO – với 450.000 điểm.

Chiến lược sắp tới của KIDO là làm sao, để trong kệ bếp mỗi nhà có thêm bột nêm/nước tương/nước mắm…từ KIDO; bởi chúng tôi muốn đa dạng hoá sản phẩm – đặc biệt là với những sản phẩm thiết yếu có thị phần lớn, để dễ phát triển. Ngoài ra, KIDO sẽ không ra mắt thêm thương hiệu cho những sản phẩm thiết yếu mới trong bếp, mà sẽ dùng luôn thương hiệu Tường An. Bởi có hệ thống - có thương hiệu thì dễ làm hơn là đi xây cái mới”, ông Trần Lệ Nguyên bày tỏ trong tập 2 chương trình ‘Đi cùng thương hiệu: Walk and Talk’ thuộc chuỗi sự kiện Giải thưởng thương hiệu vàng, khi đối thoại cùng bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch PNJ.

Rõ ràng, với tình cảnh thị trường bây giờ, chỉ thích hợp cho phát triển chắc chắn dựa trên nguồn lực – thương hiệu đang có, chứ không phù hợp đổ tiền xây thương hiệu mới – ngành hàng mới. Vậy nên, không có gì khó hiểu khi KIDO thoái vốn khỏi Chuk lẫn Vibev.

Chia sẻ thêm về kế hoạch kinh doanh 2023 trong ĐHCĐ bất thường vào 12/2022, Ban lãnh đạo tập đoàn này cho biết sẽ tách hoạt động kinh doanh làm bốn mảng gồm: dầu ăn, kem, bánh kẹo, gia vị (nước mắm, nước chấm...). Hơn nữa, KIDO sẽ bán hơn 22 triệu cổ phiếu quỹ cho một công ty nước ngoài chuyên hàng tiêu dùng, nhằm giúp doanh nghiệp đưa hàng ra thị trường quốc tế. "Đây là đối tác mà chúng tôi sẽ gắn bó lâu dài, cùng phát triển", ông Nguyên cho hay.

banner_2b_1_3-1661508941.png
Thương hiệu kem Celano và Merino mang đến luồng gió mới cho ngành kem Việt Nam.

"Bên cạnh đó, hiện mảng kem của KIDO có công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á, có những sản phẩm ‘lạ’ như kem sầu riêng - đang xuất đi ASEAN và Trung Quốc. Nếu chúng ta biết cách khai thác trái cây nhiệt đới hợp lý thì thị trường sẽ vô cùng rộng lớn, ví dụ: người Trung Quốc rất thích kem vải – sầu riêng – xoài. SSI Research cho biết năm 2021, KIDO chiếm 43,7% thị phần về giá trị trong ngành kem.

Sở dĩ 2 thương hiệu Celano và Merino có những sản phẩm đột phá như thế là nhờ chúng tôi có nhóm nhân sự trẻ; những người bắt trend rất nhanh, biết sáng tạo để thỏa mãn yêu cầu hiện hữu lẫn trong tương lai của người tiêu dùng”, vị CEO gốc Hoa này tiết lộ.

Còn lý do giúp các thương hiệu của KIDO ngày càng vững mạnh và tươi mới là luôn cố gắng trẻ hóa đội ngũ từng năm, kết hợp thế mạnh kinh nghiệm của tiền bối và đổi mới – sáng tạo của hậu bối.

Theo đó, Ban lãnh đạo luôn cho đôi ngũ không gian phát huy sáng kiến, thử nghiệm/thử thách trong phạm vi có kiểm soát được. Hiện tại, ông chỉ làm việc nửa ngày, nhằm cho các bạn trẻ trong Ban lãnh đạo cơ hội sáng tạo, vì ‘tuổi mình không thể bằng các bạn trẻ khi bắt xu hướng'.

Tập đoàn KIDO tiền thân là Kinh Đô, được thành lập năm 1993. Trên thươn trường, hiếm có doanh nghiệp Việt nào tích cực với chuyện M&A – sáp nhập, mua bán và liên doanh giống như KIDO. Xuyên suốt 30 năm phát triển, M&A luôn là giải pháp đầu tiên mà KIDO nghĩ đến khi muốn ‘tấn công’ sang một mảng mới trong ngành thực phẩm.

Năm 2003, KIDO Group – lúc đó còn có tên là Kinh Đô mua lại kem Wall’s từ "đại gia" Unilever. Theo đồn đoán, số tiền mà KIDO phải bỏ ra lúc đó cho thương vụ này khoảng 20 triệu USD. Hiện tại, chẳng ai còn nhớ đến cái tên Wall’s, mà người ta chỉ biết Celano và Merino của KIDO. Đến năm 2015, KIDO quyết định bán mảng bánh kẹo cốt lõi mang thương hiệu Kinh Đô cho Mondelez và đổi tên thành KIDO Group.

Trong liên tiếp 2 năm 2016 và 2017, KIDO đã thâu tóm 2 doanh nghiệp lớn trong ngành dầu Việt Nam là Tường An và Vocarimex. Trong năm 2020, KIDO thông báo quay trở lại mảng bánh kẹo – bắt đầu bằng bánh trung thu. Trong năm 2021, họ góp vốn thành lập 2 công ty mới là TTV (Chuk Chuk) và Vibev.

Hiện tại, KIDO đã rút lui khỏi TTV và Vibev, rút khỏi mảng nước giải khát và bắt đầu chuyển sang đào xới mảng gia vị - liên doanh với 1 ông lớn nước ngoài (có thể là châu Á).

Bài liên quan

(0) Bình luận
CEO KIDO Trần Lệ Nguyên: Chúng tôi muốn thương hiệu Tường An hiện diện nhiều hơn trong căn bếp của người Việt thông qua các loại gia vị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO